Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cổ phiếu cảng biển - logistic: Phong độ trồi sụt

Linh Phan - Chuyên gia chứng khoán
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù lên xuống, trồi sụt thất thường và còn nhiều thách thức nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, cổ phiếu ngành cảng biển - logistic vẫn sẽ hưởng lợi từ bức tranh tích cực của hoạt động xuất nhập khẩu.

Lên nhanh, xuống gấp
Trong khi một vài tuần trước, nhóm cổ phiếu cảng biến và logistic bất ngờ tăng ấn tượng thì tuần gần đây, nhiều mã nhóm ngành lại trồi sụt về phong độ khi không giữ được đà tăng. Số phiên đỏ sàn trong tuần liên tục diễn ra.
Cụ thể, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (DVP), tuần gần đây nhất, giá cổ phiếu này giảm 4,13%. Trong khi đó, theo dữ liệu của Vietstock, trong tháng, mã này tăng gần 13% về giá. Từ ngày 12/8 - 19/8, cổ phiếu này chỉ xanh sàn được một phiên duy nhất.
Tương tự, tính đến giữa giờ chiều 19/8, cổ phiếu Công ty CP Gemadept (GMD) đỏ sàn ở mức 28.200 đồng/CP, trong khi tuần trước GMD tăng gần 3%.
 Hoạt động bốc xếp hàng tại cảng Đình Vũ, Hải Phòng - Đơn vị vừa có giá cổ phiếu tụt giảm 4,13%. Ảnh: Phạm Hùng 
Trước đó, nhờ tâm lý kỳ vọng hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và các hiệp định thương mại tự do mới…, cổ phiếu nhóm ngành này đã có những tuần bứt phá đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, sóng tăng chưa kịp thành hình đã vội đảo chiều khi nền tảng tăng trưởng không thực sự vững vàng.
Tại Việt Nam hiện nay, có hai khu vực cảng lớn là Cảng Hải Phòng và Cảng Sài Gòn, tập trung nhiều “ông lớn” về cảng biển, logistic như GMD, PHP, DVP, SGP, CLL… Sáu tháng đầu năm, kết quả kinh doanh của một số DN nhóm ngành này có ghi nhận sự tăng trưởng.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2019 thì lợi nhuận trước thuế của DVP, SGP, PHP tăng trưởng lần lượt 5%, 14% và 18%. Lợi nhuận gộp của GMD tăng trưởng 6% so với cùng kỳ. Điều này thể hiện sự cải thiện trong hoạt động của dòng cổ phiếu cảng Biển – Logistic. Tuy nhiên, sản lượng tăng thêm nhờ chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc đang tập trung vào 2 cụm cảng nước sâu tại Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải (khu vực có các tuyến vận tải liên châu lục).
Cổ phiếu phân hóa?
Theo Báo cáo Ngành cảng biển vừa mới được Công ty Chứng khoán MB (MBS) công bố, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trên 10%/năm trong 3 - 5 năm tới. Dù vẫn còn những thách thức, ngành cảng biển nhìn chung sẽ hưởng lợi từ bức tranh tích cực của hoạt động xuất nhập khẩu.
 Ảnh: Phạm Hùng
Trong đó, 2 cổ phiếu cảng biển đáng chú ý là GMD và VSC. MBS dự báo trong 3 - 5 năm tới, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trên 10%/năm. Trong khi đó, kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DN ngành cảng biển trong nửa đầu năm 2019 tuy có sự cải thiện, nhưng xét trong dài hạn còn đối diện với nhiều khó khăn.
Ngoài ra, triển vọng cổ phiếu ngành này còn nằm ở chỗ các DN có bảng cân đối kế toán khá an toàn, suất sinh lời cao, mặt bằng định giá khá hấp dẫn. Thêm vào đó, Chính phủ cũng đã có định hướng rất rõ ràng cho ngành cảng biển là sẽ phát triển theo hướng giống Singapore và Trung Quốc là các cảng nước sâu để có thể đón các tàu có trọng tải lớn (xu thế hiện nay của ngành vận tải biển là dùng các tàu có trọng tải lớn).
Hiện, các “ông lớn” cảng biển - logistic cũng đang có kế hoạch đầu tư lớn cho sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, VSC sẽ đầu tư vào cảng nước sâu Lạch Huyện (Hải Phòng) vào năm 2022 - 2023; GMD tái triển khai xây dựng cảng nước sâu Gemalink tại Cảng Cái Mép (TP Hồ Chí Minh) cho mục tiêu dài hạn. Do vậy, dòng cổ phiếu này cũng là một gợi ý được các chuyên gia khuyến cáo đáng đưa vào trong danh sách theo dõi trong thời gian tới.
Tuy nhiên, một vấn đề cần lưu ý là dòng cổ phiếu này cũng là dòng cổ phiếu có tính độc quyền do Vinalines vẫn đa phần nắm quyền chi phối. Đặc biệt, là các cảng đã có cơ sở hạ tầng tốt và vị trí đẹp thì luôn luôn hoạt động tối đa về mặt công suất trái ngược với các cảng nhỏ thì lại thừa công suất. Điều này sẽ gây ra sự phân hóa trong chính giữa các cổ phiếu cùng nhóm ngành này.