70 năm giải phóng Thủ đô

Cổ phiếu hiếm hoi giữ giá ổn định, Johnathan Hạnh Nguyễn tiếp tục báo lãi đậm

Diệu Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh phần lớn cổ phiếu trên thị trường lao dốc, vẫn có những mã giữ vững thị giá, thậm chí tăng nhẹ tính từ đầu năm đến nay. SAS của Sasco - DN nhà bố chồng Hà Tăng- Johnathan Hạnh Nguyễn là một trong số ít những mã chứng khoán như vậy.

Thị trường thất bại trước mốc 1.200 điểm

Bức tranh báo cáo tài chính quý 2 dần lộ diện, khiến dòng tiền bắt đầu phân hóa rõ nét và xuất hiện tích cực hơn ở các cổ phiếu riêng lẻ.

Vợ chồng ông Johnathan Hạnh Nguyễn.
Vợ chồng ông Johnathan Hạnh Nguyễn.

Đóng cửa phiên giao dịch chứng khoán 22/7, VN-Index giảm 3,71 điểm (0,31%) xuống 1.194,76 điểm, HNX-Index tăng 0,74 điểm (0,26%) lên 288,83 điểm, UPCoM-Index giảm 0,28 điểm (0,31%) về 88,84 điểm.

Thanh khoản thị trường tiếp tục duy trì ở mức thấp với giá trị giao dịch khớp lệnh trên HOSE giảm 12% so với phiên hôm qua, còn 9.700 tỷ đồng. Tính chung toàn thị trường thanh khoản đạt 13.000 tỷ đồng, tương đương hơn 610 triệu cổ phiếu được mua - bán.

Tại phiên này, áp lực bán tăng dần sau 14 giờ 20 khiến VN-Index vẫn chưa thể tìm lại mốc 1.200 điểm. Thị trường nhận được lực kéo chủ đạo từ nhóm cổ phiếu trụ như: GAS, BCM, MSN,.... tuy nhiên với lực chốt lời mạnh ở một số bluechips như: VIC, BID, HPG khiến cho thị trường không giữ được sắc xanh và đóng cửa đỏ nhẹ.

Phiên giao dịch 22/7 có sự đóng góp không nhỏ của cổ phiếu nhóm dầu khí khi riêng ngành này đã góp gần hơn 1,5 điểm cho đà tăng của VN-Index. GAS là tác nhân kéo điểm thị trường, còn có BSR, CNG, PVC, OIL… cũng đồng thuận đi lên. Song, PVS, PXS, PVT, PGS… vẫn đi ngược chiều.

Trong khi đó, cổ phiếu của các nhà băng đánh mất vai trò dẫn dắt với nhiều mã đảo chiều giảm và tác động tiêu cực lên chỉ số, điển hình như: BID, CTG, ACB, SHB,...

Diễn biến ngược chiều xảy ra với nhóm chứng khoán khi hàng loạt mã giảm giá, phủ kín bảng điện. Phải kể tới như: EVS, APS, FTS, MBS, VCI, SBS… ngập chìm trong sắc đỏ. Kết quả kinh doanh quý II/2022 của nhóm chứng khoán diễn ra không mấy tích cực có thể hiểu là nguyên nhân khiến nhóm này giảm điểm mạnh.

Cổ phiếu hiếm hoi giữ vững thị giá

Đáng chú ý trong phiên giao dịch chứng khoán 22/7, cổ phiếu SAS của CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất hồi phục nhẹ sau nhiều phiên giằng co. Chốt phiên, SAS tăng 0,36% lên mốc 28.000 đồng/cổ phiếu. Điều đáng nói, dù khối lượng giao dịch toàn phiên chỉ đạt 19.400 cổ phiếu nhưng đến hết phiên khối lượng dư mua còn tới hơn 160.000 cổ phiếu. Tính chung tuần qua, mã này đã giảm hơn 6% giá trị. Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay, đây là một trong số ít mã cổ phiếu tăng thị giá với mức tăng nhẹ gần 2%.

Liên quan đến mã này, mới đây, công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất - Sasco đã công bố báo cáo tài chính quý II và 6 tháng đầu năm 2022 với kết quả kinh doanh cao vượt trội so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, tính riêng 3 tháng quý II, nhà quản lý và vận hành chuỗi cửa hàng miễn thuế tại sân bay Tân Sơn Nhất này ghi nhận gần 296 tỷ đồng doanh thu thuần từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ. So với quý đầu tiên trong năm, mức doanh thu này của Sasco đã tăng 126%, còn nếu so với cùng kỳ năm 2021, mức tăng lên tới 216%.

Dù biên lãi gộp kỳ này đã giảm nhẹ từ 51,4% xuống 50%, nhưng nhờ mức doanh thu tăng mạnh kể trên, công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn vẫn ghi nhận khoản lãi gộp gần 149 tỷ đồngtrong quý II, tăng gấp 3,1 lần so với cùng kỳ.

Cũng trong quý II/2022, Sasco còn thu về gần 38 tỷ đồng từ hoạt động tài chính. Trong đó, chủ yếu đến từ phần cổ tức, lợi nhuận được chia tại các công ty con và công ty liên kết.

Sasco đã thu về khoản lợi nhuận trước thuế gần 84 tỷ đồng trong quý II vừa qua, cải thiện mạnh so với mức lỗ 14,5 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Với kết quả kể trên, Sasco đã có quý kinh doanh hiệu quả nhất kể từ năm 2019, đồng thời, đưa lợi nhuận công ty trở về giai đoạn trước dịch Covid-19.

Tính chung 6 tháng đầu năm, Sasco ghi nhận 427 tỷ đồng doanh thu và 86 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng mạnh so với mức 202 tỷ doanh thu và lỗ ròng 2 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021.

Về nguyên nhân khiến DN này có kết quả kinh doanh ấn tượng có thể dễ dàng nhận thấy là do hoạt động vận tải hàng không đã được nối lại sau khi dịch Covid-19 được khống chế. Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại tăng cao trong những tháng cuối quý II do bắt đầu vào mùa du lịch đã giúp lượng khách nội địa qua sân bay Tân Sơn Nhất tăng mạnh.

Ngoài ra, doanh thu bán hàng hóa tại trung tâm thương mại và các chi nhánh, hoạt động khác của Sasco cũng tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ.