Hội đồng quản trị (HĐQT) LienVietPostBank đã thông qua đơn xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Nguyễn Đình Thắng theo nguyện vọng cá nhân. Ông Huỳnh Ngọc Huy - Thành viên Hội đồng Quản trị được bầu giữ chức danh Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ III (2018 - 2023) kể từ ngày 30/12/2019. Thông tin nhân sự này đã ngay lập tức ảnh hưởng đến giá cổ phiếu LPB. Chốt phiên cuối năm 31/12/2019, giá LPB ở mức 7.700 đồng/CP, giảm 2,53% so với phiên trước. Tính chung 1 năm qua, giá LPB giảm gần 19%, tính từ ngày lên sàn đến đầu năm 2020, giá LPB giảm 11,12%.
Thông tin thay đổi nhân sự chủ chốt ngay lập tức ảnh hưởng đến giá cổ phiếu LPB của LienVietPostBank |
Với việc sở hữu hơn 32 triệu cổ phiếu LPB tính đến mở cửa phiên đầu năm 1/1/2020, giá trị sở hữu của cựu Chủ tịch ngân hàng này tương đương 248 tỷ đồng. Chỉ sau 1 ngày (30/12/2019) giá LPB giảm mạnh, tài sản của ông Nguyễn Đình Thắng cũng bốc hơi từ 254 tỷ đồng xuống 248 tỷ đồng, kéo vị trí của ông này từ 175/200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam xuống vị trí 192; giảm gần 20 bậc. Tính chung từ đầu năm 2019 đến nay, vị trí của ông Thắng cũng giảm trên 50 bậc theo bảng xếp hạng những người giàu trên sàn chứng khoán.
Cựu Chủ tịch của LienVietPostbank sinh năm 1957, quê ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, là người nổi tiếng trong làng công nghệ thông tin với biệt danh “Thắng Hồng Cơ” vì tên tuổi của ông gắn liền với Công ty TNHH Tin học và Thương mại Hồng Cơ nổi danh… Sau đó, ông làm chủ thêm tại hàng loạt DN CNTT danh tiếng khác.
Ông Nguyễn Đình Thắng được bầu lên làm Chủ tịch HĐQT LienVietPostbank ngày 28/3/2018. Tại ngân hàng này, tên tuổi ông gắn với sự ra đời và phát triển của Thẻ phi vật lý Ví Việt- sản phẩm thanh toán online mang tính đột phá của LienVietPostbank, được xây dựng với tham vọng phát triển thành ngân hàng số trong tương lai. Đây là một quyết định khá khác biệt và táo bạo khi hầu hết các ngân hàng hiện nay đều bắt tay với fintech để ra mắt ví điện tử.
Tuy nhiên, việc đầu tư mạnh tay vào các sản phẩm số của vị cựu Chủ tịch này cũng khiến nhiều người hoài nghi về hiệu quả và chi phí khi lợi thế lớn của LienVietPostbank là hệ thống mạng lưới rộng khắp ở các vùng nông thôn khi “kết hôn” cùng Tiết kiệm Bưu điện (VietNamPost). Tính đến cuối năm 2019, tổng số chi nhánh, phòng giao dịch của LienVietPostbank đạt gần 540 điểm, là ngân hàng thương mại cổ phần có mạng lưới lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.
Trả lời câu hỏi về việc liệu định hướng phát triển ngân hàng số có mâu thuẫn với lơi thế là mạng lưới phủ khắp khu vực nông thôn của LienVietPostbank không, ông Thắng cho rằng, ngân hàng chọn đầu tư vào công nghệ trong khi lợi thế là hệ thống mạng lưới rộng khắp phủ sóng khu vực nông thôn- hai mục tiêu này có vẻ mâu thuẫn nhưng thực ra lại hỗ trợ nhau. “Đầu tư vào công nghệ là xu hướng phát triển tất yếu của thời đại. LienVietPostBank quyết định đầu tư xây dựng và triển khai dịch vụ Ngân hàng số nhằm bắt kịp xu hướng tất yếu trong thời đại cách mạng 4.0. Không chỉ ngân hàng mà bất cứ DN nào muốn phát triển thì hạ tầng công nghệ phải tốt, phải được nâng cấp. Chúng tôi đang cùng Bưu điện xây dựng mạng lưới để hỗ trợ người dân để thực hiện tại điểm giao dịch, giúp họ làm quen với ngân hàng số. Về sau sẽ giúp giảm nhân sự tại phòng giao dịch. Chúng tôi có nhiều chi nhánh nhưng nhiều điểm bắt buộc phải có mới dùng được ngân hàng số. Đó cũng là lý do vì sao chúng tôi tiếp tục mở thêm mạng lưới trong khi đã có sẵn hệ thống Chi nhánh, PGD của VietnamPost. Muốn xây nhà cao tầng thì nền móng phải vững. Đầu tư ngân hàng số, mở rộng mạng lưới và tăng số lượng, chất lượng nguồn nhân lực… là các “viên gạch” giúp LienVietPostBank xây nền móng vững”- ông Thắng từng nói.
Kết thúc năm 2019, tổng tài sản LienVietPostBank ước đạt trên 200.000 tỷ đồng, Các hoạt động thu phí dịch vụ đạt trên 550 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2018. Lợi nhuận trước thuế năm 2019 ước vượt mốc 2.000 tỷ đồng, đây là mức cao nhất kể từ ngày thành lập ngân hàng đến nay.