Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch&Đầu tư, hiệp định EVFTA sẽ góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm khoảng 2,18% đến 3,25% vào năm 2025, giai đoạn 5 năm đầu thực hiện; tăng 4,57 - 5,3% vào năm 2030 của 5 năm tiếp theo và tăng 7,07 - 7,72% vào năm 2035 so với kịch bản cơ sở năm 2020.
Các nhóm ngành xuất khẩu được cho là sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhất nhờ hiệp định EVFTA gồm có nông sản như: Gạo, đường, thịt gia súc gia cầm, rau củ quả; chế biến chế tạo là dệt may, da giày; dịch vụ vận tải, logistics… Trong khi đó, các mặt hàng nhập khẩu được hưởng lợi gồm có máy móc linh kiện, ô tô...
Bên cạnh đó, trong dài hạn, các ngành dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, phân phối cũng sẽ được mở cửa cho các nhà đầu tư EU.
Biểu đồ những ngành và cổ phiếu niêm yết được hưởng lợi sau Hiệp định EVFTA có hiệu lực. (Nguồn SSI). |
Sau khi EVFTA có hiệu lực thì thuế nhập khẩu gạo của Việt Nam và EU giảm từ 5-45% xuống còn 0%. Để đáp ứng được tiêu chuẩn của Châu Âu, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã có mô hình liên kết với nông dân để xây dựng chuỗi cung ứng gạo đảm bảo chất lượng từ đầu vào cho đến đầu ra, đó là Tập đoàn Lộc Trời (LTG), Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (NSC) và Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR).
Ngành rau quả năm 2019 xuất khẩu sang châu Âu đạt giá trị 150 triệu USD, chiếm gần 4% tổng giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Các mặt hàng rau quả xuất sang châu Âu rất đa dạng, bao gồm chuối, dứa, đu đủ, chanh dây, xoài... Doanh nghiệp có thể xuất khẩu ở dạng tươi, đông lạnh, dạng sấy hoặc nước ép cô đặc.
Sau khi EVFTA có hiệu lực, 94% dòng thuế thuộc nhóm ngành rau quả Việt Nam xuất sang Châu Âu đã được hưởng mức thuế suất ưu đãi về 0%. Việt Nam có thể xuất khẩu bất kỳ loại rau quả sang Châu Âu, miễn là đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, trong đó có Global GAP và các điều kiện nguồn gốc xuất xứ.
Doanh nghiệp niêm yết là Công ty Cổ phần Nafoods Group (NAF) đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu chiếm 44% tỷ trọng doanh thu của công ty trong năm 2019. Các sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu bao gồm nước ép cô đặc, nước ép puree, rau quả đông lạnh IQF, hoa quả tươi... Trước kia EVFTA chưa có hiệu lực, các sản phẩm này bị áp thuế nhập khẩu tại châu Âu từ 7-15%, nhưng nay hầu hết các sản phẩm này đều được giảm thuế về 0%.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019, sản lượng điều xuất khẩu đạt 455,4 nghìn tấn tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá xuất khẩu giảm do tác động của nguồn cung dồi dào trên toàn cầu khiến kim ngạch xuất khẩu giảm 2,27% so với cùng kỳ. Tác động của EVFTA theo biểu thuế mà EU dành cho Việt Nam giảm về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Năm 2019 có 520 doanh nghiệp xuất khẩu điều tại Việt Nam, dẫn đầu về thị phần là các đơn vị là Olam Biên Hòa II (7,4%), Olam Vietnam (3,54%), Long Sơn JSC (3,66%), Hoàng Sơn 1 (2,39%), Cao Phát (1,39%),… Trong các doanh nghiệp niêm yết, Lafooco (HOSE: LAF) là một trong các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu sản phẩm từ hạt điều. Cơ cấu đầu ra của doanh ngiệp bao gồm nhân điều chiếm 60% sản lượng và điều giá trị giá tăng chiếm 40% sản lượng.
Tình hình xuất khẩu cà phê của Việt Nam Năm 2019 đạt hơn 1,65 triệu tấn, 28 nước châu Âu bao gồm cả Anh là thị trường tiêu thụ cà phê xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với thị phần 37,9% tính theo giá trị xuất khẩu. Tháng 8/2020, sản lượng xuất khẩu cà phê sang EU 28 đạt 38,6 nghìn tấn, tăng 5,3% so với tháng 7. Thuế nhập khẩu vào thị trường EU sau khi EVFTA có hiệu lực giảm ngay về 0%, đây là lợi thế rất lớn để ngành các DN trong ngành cà phê tăng trưởng tốt.
Ngành thủy sản có kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 8,6 tỷ USD, chiếm 3,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. EU tiếp tục là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch 690 triệu USD, chiếm 21% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Dệt may có khả năng hưởng lợi phụ thuộc vào năng lực cung ứng vải nội địa trong 2 năm tới. Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2019 đạt 39 tỷ USD, chiếm gần 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu dệt may sang thị trường EU trong giai đoạn 2015-2019 tăng trưởng chậm ở mức 5,7%. EU tiếp tục là thị trường lớn thứ 2 của ngành dệt may, sau Mỹ.
Ngành gỗ it được hưởng lợi về thuế suất khi nhiều dòng sản phẩm có thuế suất 0% trước EVFTA. Nhóm 1 có 117 mặt hàng các sản phẩm gỗ đã có mức thuế suất 0% trước khi EVFTA có hiệu lực, chiếm 46,2% số lượng các mặt hàng xuất khẩu vào EU và chiếm 88% kim ngạch xuất khẩu vào EU trong năm 2019.
Ngành gỗ cũng được kỳ vọng là một trong những động lực quan trọng nhằm thúc đẩy mở rộng thị trường cho các hàng hóa của Việt Nam, bao gồm cả gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu vào EU. Kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang EU bình quân mỗi năm đạt trên 500 triệu USD trong giai đoạn 2017-2019.
Ngành sữa sẽ gia tăng cạnh tranh trên sân nhà, bởi sữa là một trong những ngành nông nghiệp phát triển nhất ở Châu Âu. Hàng năm sản lượng sữa từ Châu Âu chiếm khoảng 20% tổng sản lượng sữa trên thế giới. Về thị phần xuất khẩu, châu Âu dẫn đầu với 29% thị phần, tiếp theo là Newzealand với 26,5% thị phần. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu sữa từ châu Âu với giá trị đạt 215 triệu USD năm 2019. Như vậy, ngành sữa Việt Nam có cơ hội nâng cao chất lượng để giữ thị phần trên sân nhà.
Với những phân tích kể trên, cổ phiếu của các ngành rau củ, quả, gạo, thủy sản, cà phê, hạt điều, dệt may đang được xếp vào nhóm có lợi thế sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Dự báo các DN ngành này sẽ tăng trưởng mạnh doanh thu và lợi nhuận vào dịp cuối năm khi nhu cầu thị trường tiêu dùng tăng cao.
Thị trường châu Âu cũng sẽ tăng nguồn cung khi bước vào dịp nghỉ Lễ mùa Đông. Chuyên gia không khuyến cáo mua vào cổ phiếu nào, nhưng dựa trên cơ sở phân tích, cho các nhà đầu tư góc nhìn về những cổ phiếu có thể còn tiềm năng đi lên.