Thị trường chứng khoán ngày 15/3 ghi nhận cổ phiếu ngành thực phẩm mất 1,24 điểm (tương đương 0,65%). Toàn ngành có 12 mã cổ phiếu giảm giá, 31 mã đứng giá và 12 mã tăng giá. Từ kết quả này cho thấy cổ phiếu ngành thực phẩm đang kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư, thể hiện ở tính thanh khoản kém.
Ngoại trừ các mã cổ phiếu nằm trong “TOP 10” như: VNM, SAB, MSN, MCH, BHN, QNS, SBT, KDC, GTN, VCF… luôn có thanh khoản cao, thì các mã cổ phiếu của ngành thực phẩm luôn sợ bị “liệt” giao dịch. Hàng loạt cổ phiếu ở “TOP cuối” như: FCC, HNM, BLT, BTB, HKB, ANT, VLF, NDF… thường xuyên ở trạng thái “đóng băng” giao dịch. Ngay cả nhiều mã cổ phiếu ở giữa bảng xếp hạng (tính theo vốn hóa thị trường) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Đáng chú ý nhất là MCF. Mã cổ phiếu này vừa có phiên mất điểm. Nhưng thống kê trong 20 phiên dịch gần nhất, MCF chỉ có 5 phiên tăng giá, 5 phiên giảm giá và 10 phiên (chiếm 50%) đứng giá. Kết quả này đã phản ánh rằng thanh khoản trong giao dịch chứng khoán của MCF là không cao.
MCF theo đuổi các lĩnh vực kinh doanh như: Sản xuất, chế biến, kinh doanh xuất nhập khẩu và tiêu thụ nội địa các mặt hàng về lương thực, thực phẩm, nông sản, bao bì các loại, hàng mỹ nghệ từ cây lúa non và rơm sấy. Sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu máy móc thiết bị chế biến lương thực, thực phẩm, nông sản và sản phẩm cơ khí các loại. Kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa thủy bộ. Tư vấn, thiết kế, sản xuất và thi công xây lắp về lĩnh vực cơ khí, điện và xây dựng. Sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, bất động sản và đầu tư hạ tầng, cho thuê kho, bến bãi tại các địa điểm công ty quản lý và sử dụng.
Kết quả kinh doanh năm 2018 của MCF cho thấy, doanh thu thuần đạt trên 547 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt hơn 55 tỷ đồng, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 10,8 tỷ đồng, lợi nhuận thu nhập sau thuế doanh nghiệp đạt 9,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chính chỉ chiếm 19,63 % trên tổng lợi nhuận gộp là quá ít. Vì, thông thường trong 100% cơ cấu lợi nhuận của doanh nghiệp, thì 90% phải là từ lĩnh vực kinh doanh chính, còn lại là lợi nhuận từ hoạt động khác.
Trên bảng cân đối kế toán năm 2018 của MCF có: Tài sản ngắn hạn đạt gần 118 tỷ đồng, tổng tài sản trên là 175 tỷ đồng, nợ phải trả 57,4 tỷ đồng, nợ ngắn hạn là 56,8 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt trên 117 tỷ đồng. Trong khi đó, chỉ số tài chính năm 2018 của MCF cho kết quả: Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (P/E) = 13 lần, lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) = 6%, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) = 9%.
MCF đưa ra chiến lược phát triển và đầu tư rằng, quyết tâm dạt mức doanh thu và lợi nhuận cao, và vẫn phải duy trì các ngành hàng của công ty. Tìm hiểu và mở rộng quan hệ với các đối tác nước ngoài để nâng sản lượng xuất khẩu trực tiếp mặt hàng lương thực. Đẩy mạnh các chương trình tiếp thị quảng bá xây dựng hình ảnh thương hiệu tốt trong lòng khách hàng thông qua việc tham gia các đợt triển lãm, các hội chợ thương mại, hoặc các quảng cáo trên các tờ Metro post...
Thực hiện, duy trì và không ngừng cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP đối với lương thực nội địa. Luôn hướng mọi nguồn lực tập trung cho việc thỏa mãn các yêu cầu hợp lý của khách hàng, trong hiện tại và tương lai, thường xuyên hoàn thiện và đổi mới để chất lượng và dịch vụ không ngừng nâng cao. Duy trì tình hình tài chính lành manh, ổn định trong xu thế vận động và phát triển. Quản lý tốt nguồn vốn, hạn chế vốn tồn đọng trong quá trình đầu tư, trong công nợ, trong nguyên vật liệu tồn kho. Tích cực tìm nguồn vốn tài trợ với chi phí thấp.
Phân tích qua các chỉ số về triển vọng phát triển của MCF có thể thấy, công ty này có nguồn lực “mỏng” nhưng lại theo đuổi nhiều lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư cao, cần nhiều vốn. Vì vậy, MCF vẫn trông đợi sẽ huy động thêm nguồn vốn từ kênh chứng khoán.
Nhưng trước khi điều đó xảy ra, MCF cần vượt qua nỗi lo thanh khoản kém trên TTCK trong thời gian này.