Cổ phiếu Vinamilk sẽ có giá hơn nếu...

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

rnKinhtedothi - Việc chỉ bán được 5,4%/9% vốn điều lệ tại Vinamilk (VNM) mà Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đưa ra chào bán tạo cảm giác cổ phiếu VNM “ế”.

Điều này không đúng và không phản ánh nhu cầu mua cổ phiếu VNM từ các nhà đầu tư (NĐT) chiến lược. Đó là ý kiến mà đại diện Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (Vafi) đưa ra về kết quả đấu giá cổ phần của Vinamilk ngày 12/12 vừa qua.
Sức hấp dẫn cổ phiếu VNM bị kéo lùi
“Nếu bán trọn lô lớn, cổ phiếu VNM sẽ có giá hơn nhiều” - đại diện Hiệp hội nhấn mạnh. Phiên đấu giá cổ phiếu này được đánh giá là không đạt mục tiêu ban đầu mà Bộ Tài chính và SCIC đề ra là bán lẻ rồi tiếp tục chia nhỏ lô cổ phiếu để tạo sự công bằng cho NĐT trong nước và quốc tế. Ngoài ra, quy định mỗi pháp nhân không được mua quá 2,7% cổ phần cũng là nguyên nhân khiến cổ phiếu VNM giảm sức hấp dẫn. Theo Vafi, giá đấu thành công 144.000 đồng/CP bán cho NĐT chiến lược là rất khiêm tốn. “Nếu bán trọn lô lớn (45% vốn điều lệ cổ phần Nhà nước) thì giá đấu thành công phải cao hơn nhiều” - đại diện Hiệp hội nhận định.
Một trong những vấn đề mà Vafi nhấn mạnh là việc chỉ bán được 5,4% cổ phần của SCIC tại VNM lần này tạo cảm giác cổ phiếu VNM “ế”. Tuy nhiên, điều này là không đúng và không phản ánh nhu cầu mua cổ phiếu VNM từ các NĐT chiến lược. VNM là một cổ phiếu tốt và hấp dẫn NĐT.
Theo phân tích của Vafi, cách thức tổ chức đấu giá quá nhanh, thủ tục tham gia phức tạp và thiếu công khai minh bạch trong tiến trình chuẩn bị tổ chức đấu giá làm cho NĐT đang nắm giữ cổ phiếu VNM lo lắng, dẫn tới làn sóng bán tháo cổ phiếu VNM. Hiệp hội kiến nghị, SCIC và Bộ Tài chính không trình Chính phủ phương án bán nốt 3,6% vốn điều lệ chưa bán hết đợt ngày 12/12. Nếu để tỷ lệ này cộng với 36% vốn điều lệ còn lại của SCIC tại VNM và bán hết theo lô thì cổ phần SCIC tại VNM sẽ hấp dẫn hơn với NĐT chiến lược.
Bán theo phương thức nào?
Từ thương vụ bán không hết 9% cổ phần SCIC tại VNM vừa qua, Vafi cho rằng, bán cổ phần Nhà nước tại các DN không nên tổ chức bán lẻ. Nếu bán lẻ, ngân sách Nhà nước sẽ thất thu và việc bán cổ phần sẽ trở nên rất khó khăn hoặc không bán được. Khi bán lô lớn, phải tạo điều kiện cho NĐT tiếp cận thông tin đầy đủ, đi thăm DN và có thời gian tiếp xúc với ban quản lý DN. Phải dành thời gian khoảng 6 tháng cho NĐT chuẩn bị phương án đấu giá kể từ thời điểm công bố thông tin.
Phương pháp bán cổ phần chi phối Nhà nước tại DN mà Vafi đề xuất là nên theo hình thức bán thỏa thuận hay bán đấu thầu với DN cổ phần hóa đã niêm yết. Tuy nhiên, bán tài sản Nhà nước dễ bị các nhóm lợi ích chi phối nên cần phải công khai minh bạch chi tiết phương thức đấu giá, lộ trình đấu giá, tạo thuận lợi cho NĐT tìm hiểu kỹ lưỡng, không vội vàng tổ chức đấu giá. Nhà nước có thể ấn định giá khởi điểm cao hơn giá thị trường từ 20% trở lên khi tổ chức bán cho các NĐT chiến lược.
Với phương án bán lẻ cổ phần Nhà nước, Vafi cho hay, đây cũng là phương thức phát triển lực lượng các NĐT trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, cách bán này chỉ nên áp dụng với các trường hợp bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) DN Nhà nước quy mô vừa và nhỏ tại các sàn giao dịch chứng khoán; IPO DNNN quy mô vốn lớn kinh doanh hiệu quả như MobiFone hay Viettel… Giai đoạn đầu, Nhà nước có thể bán 10% - 15% tổng số cổ phần Nhà nước cho hàng ngàn NĐT tham gia đấu giá và trở thành cổ đông công ty, sau đó đưa DN đó lên sàn. Sau một vài năm củng cố hoàn thiện cơ chế quản lý mới, DN mạnh hơn trước, có giá hơn trước thì mới nên tính tới việc bán cổ phần lô lớn cho các NĐT chiến lược.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần