Cổ đông lớn "bốc hơi" hơn 11.000 tỷ đồng từ đỉnh giá
Kết phiên 21/2, cổ phiếu VNZ của "kỳ lân công nghệ VNG- “hiện tượng” trên thị trường chứng khoán Việt năm 2023- đã giảm 12,7%, hiện chỉ còn 913.000 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản tăng mạnh lên mức 7.000 đơn vị, đưa vốn hóa của công ty này chỉ còn 26.235 tỷ đồng.
Cú “lao dốc” bất ngờ của VNZ khiến loạt cổ đông sở hữu cổ phiếu đắt đỏ này cũng bị giảm gần 42% tài sản so với mức giá đỉnh. Cụ thể, cổ đông lớn nhất là Công ty VNG Limited (sở hữu 17.563.688 cổ phiếu), tài sản bị giảm từ 27.443 tỷ đồng xuống còn 16.035 tỷ đồng, “bốc hơi” hơn 11.000 tỷ đồng. Cổ đông lớn thứ 2 là ông Lê Hồng Minh (sở hữu 3.535.837 cổ phiếu), tài sản bị giảm từ 5.509 tỷ đồng xuống còn 3.219 tỷ đồng mất gần 42% từ đỉnh.
Tuy nhiên, vào thời điểm VNZ mới chào sàn, Founder & CEO Lê Hồng Minh sở hữu hơn 3,52 triệu cổ phiếu, có giá trị khoảng 850 tỷ đồng. Co-founder Vương Quang Khải sở hữu hơn 1,43 triệu cổ phần có giá trị khoảng 344 tỷ đồng. So với mức giá này, tài sản của nhiều cán bộ, nhân viên công ty vẫn tăng 300-400%.
Sau khi lên UPCoM, ngày 10/1/2023, VNG đã thông báo thay đổi Chủ tịch Hội đồng quản trị từ ông Lê Hồng Minh sang ông Võ Sỹ Nhân. Như vậy, hiện, ông Minh đã rời ghế Chủ tịch VNG và chỉ còn giữ chức tổng giám đốc thay vì kiêm nhiệm như trước.
Ông Lê Hồng Minh là nhà sáng lập, giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc VNG từ năm 2004. Ông cũng là một trong những cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này, với sở hữu cá nhân gần 10% và đại diện gần 8% cổ phần.
Ông Võ Sỹ Nhân là một trong bốn thành viên độc lập được bầu bổ sung vào Hội đồng quản trị VNG tại phiên họp bất thường năm trước. Theo bản công bố thông tin khi đó (ngày 29/12/2022), ông Nhân là Giám đốc điều hành Empire City, đồng sáng lập GAW NP Capital, đồng thời là Phó chủ tịch Công ty Tiến Phước.
Cổ đông ngoại Mirae Asset, Temasek bị cuốn xa bờ
Tại thời điểm VNZ tăng vượt mức 1,5 triệu đồng/cổ phiếu, không ít cổ đông nước ngoài từng mua vào cổ phiếu VNG nhiều năm về trước đã nhen nhóm hy vọng “về bờ”. Tuy nhiên, với mức giá hiện tại, các cổ đông ngoại này tiếp tục bị đẩy xa bờ với khoản lỗ đầu tư từ 40 - 50% giá trị.
Cụ thể, năm 2021, Công ty Quản lý Quỹ Mirae Asset đã chi 1.228 tỷ đồng để mua cổ phiếu VNG với mức giá 1,7 triệu đồng/cổ phiếu. Trước đó, năm 2019, quỹ Temasek (Singapore) thậm chí đã mua 355.820 cổ phiếu VNG với giá 1.861.800 đồng/cổ phiếu - tương ứng khoản tiền bỏ ra gần 662 tỷ.
Trong quá khứ, trên thế giới đã có những thương vụ niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ của các gã khổng lồ công nghệ Đông Nam Á như Grab hay Sea Limited (công ty mẹ của Shopee, Garena) gây chấn động với mức định giá ngất ngưởng. Tuy nhiên, sau hào quang ban đầu, hiện thực dần được phản ánh rõ ràng với những khoản thua lỗ trong kinh doanh. Grab ghi nhận lỗ ròng tới 1,3 tỷ USD trong 9 tháng năm 2022, trước đó đã lỗ ròng hai năm liên tục 2020 và 2021, lần lượt 2,6 tỷ USD và 3,4 tỷ USD. Tương tự, Sea Limited cũng báo lỗ ròng tới 2 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2022.
Hậu quả, giá cổ phiếu theo đó “rơi” mạnh từ đỉnh cao cũ do niềm tin nhà đầu tư dần mất đi. So với thời điểm hoàng kim vào tháng 11 năm 2021, giá cổ phiếu công ty mẹ Shopee đã giảm hơn 80% giá trị. Không khá khẩm hơn, vốn hóa của Grab đã giảm gần 60% giá trị kể từ thời điểm IPO cuối năm 2021.
Mặc dù hiện giờ nhà đầu tư đã kinh nghiệm hơn qua những cú sập mạnh, lại là giai đoạn thị trường nhiều khó khăn, việc cổ phiếu VNZ tăng không thanh khoản rồi tụt dốc bất ngờ cũng khiến nhiều nhà đầu tư nghi ngờ, thế nhưng, 3 năm gần đây, nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức luôn bị mù quáng bởi định giá niềm tin vào các công ty công nghệ và khởi nghiệp. Cho nên, giới phân tích lưu ý, nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng khi quyết định “bắt đáy” cổ phiếu VNZ.
Liên quan đến cổ phiếu VNZ, ngay sau khi mã tạo đỉnh và giảm phiên đầu sau chuỗi tăng trần, ngày 17/2, bà Trương Thị Thanh – Thành viên Ban kiểm soát của Công ty CP VNG đã đăng ký bán 2.000 cổ phiếu VNZ theo phương thức thỏa thuận từ 23/2 - 23/3/2023. Hiện nay, bà Thanh đang sở hữu 36.283 cổ phiếu VNZ - tương đương 0,101 vốn điều lệ.