70 năm giải phóng Thủ đô

Cổ phiếu xây dựng: Ảm đạm đến bao giờ?

SÔNG HƯƠNG
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cổ phiếu ngành xây dựng đang mất dần “chỗ đứng” trong hoạt động giao dịch của các nhà đầu tư. Thời gian qua, cổ phiếu xây dựng dù có nhiều thông tin nâng đỡ nhưng vẫn khó bừng tỉnh trong giấc “ngủ đông” kéo dài.

Vn-Index hôm nay quay đầu tiếp tục giảm điểm nhẹ. Toàn thị trường có 147 cổ phiếu tăng giá, 53 cổ phiếu đứng giá và 164 cổ phiếu giảm giá, kéo theo nhiều chỉ số khác cùng giảm điểm như: VN30 Index; VNMID Index; VNSML Index; VN100 Index; VNALL Index. Điều này có nghĩa là đa phần các loại cổ phiếu đều mất điểm, trong đó có cổ phiếu ngành xây dựng.
 
Nhưng kể cả khi Vn-Index tăng điểm liên tục thì nhiều loại cổ phiếu xây dựng cũng “lao dốc”, vì triển vọng phát triển thấp. Chỉ số lợi nhuận trên một cổ phiếu (P/E) = 7.6 lần, gần như thấp nhất so với các ngành khác.
Thống kê cho thấy, trong tổng số 40 loại cổ phiếu ngành xây dựng niêm yết trên TTCK chỉ có 9 loại cổ phiếu là tăng giá (chiếm 22,5%), số còn lại là giảm và đứng giá. Ảm đạm nhất phải kể đến các loại cổ phiếu như: ROS (7 phiên liên tục giảm và đứng giá), VC9 (6 phiên liên tục giảm và đứng giá), CTX (21 phiên liên tục giảm và đứng giá)… Còn các loại cổ phiếu thuộc loại “hàng dế” như: RCD, CEG, C92, KDM thì giao dịch còn thê thảm hơn, phần lớn là giảm giá, đứng giá, thậm chí còn bị “liệt” giao dịch.
Thông thường, một cổ phiếu nhỏ luôn cậy nhờ sự dẫn dắt của các cổ phiếu lớn, như nhóm Blue chip chẳng hạn. Cổ phiếu ngành xây dựng cũng tương tự thế, đều nương tựa vào các “trụ cột” như: ROS (Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros), VCG (Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam), CTD (Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons), DXG (Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh), HBC (Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình)… Nhưng những cổ phiếu “trụ cột” này còn không lo nổi mình thì làm sao có thể nâng đỡ các loại cổ phiếu cùng ngành?
 
Nhiều nhà đầu tư lạc quan đánh giá, thị trường BĐS có tác động lớn đến ngành xây dựng và có thể hồi phục trong thời gian tới. Tốc độ đô thị hóa cao, kéo theo nhu cầu về xây dựng cơ sở hạ tầng. Nguồn lao động thì dồi dào, nhân công rẻ. Chính phủ sẽ có thêm những chính sách mới, làm minh bạch thị trường và thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài… Điều này sẽ tạo nhiều cơ hội cho ngành BĐS và xây dựng. Nhưng, kể cả như thế thì đa phần DN BĐS và nhà thầu xây dựng trong nước cũng khó cạnh tranh khi tham gia đấu thầu với DN FDI hoặc Nhà nước.
Theo dự báo của BMI, trong năm 2019, tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng sẽ bắt đầu chậm lại, từ 9,63% xuống còn khoảng 7,8% trong giai đoạn 2019-2021. Nguyên nhân có thể do tốc độ tăng trưởng ngành BĐS sẽ chậm lại hơn so với trước. Sự cạnh tranh giữa các DN cùng ngành sẽ quyết liệt hơn. Giá cả nguyên vật liệu sắt, thép, cát… có xu hướng tăng sẽ làm cho lợi nhuận giảm sút nhiều.
Thật ra, ngành xây dựng với những điểm yếu cố hữu, chưa thể khắc phục như: Đa phần các nhà thầu trong nước là các DN nhỏ lẻ, nguồn lực yếu. Không có thế mạnh cạnh tranh, năng lực thầu yếu kém và sử dụng công nghệ lạc hậu. Khả năng quản lý năng lực thầu còn yếu kém và thiếu nguồn nhân lực chuyên môn cao, không đáp ứng đủ nhu cầu. Khó đáp ứng yêu cầu năng lực, kỹ thuật cho các dự án lớn. Quy mô khách hàng nhỏ, lệ thuộc các chủ dự án. Khả năng huy động vốn của DN ngành xây dựng cũng yếu. Chỉ số minh bạch tài chinh tài chính chưa cao. Lệ thuộc vào xu hướng phát triển của thị trường BĐS. Đặc biệt là các DN xây dựng chưa quan tâm đến chiến lược phát triển marketing - Chiêu thị - Truyền thông…
Đây có lẽ là những lý do chính khiến cho cổ phiếu xây dựng kém hấp dẫn so với các loại cổ phiếu khác trên TTCK. Chỉ đến khi các điểm yếu của ngành xây dựng được lấp đầy, thì cổ phiếu ngành này mới mong thoát khỏi cảnh ảm đạm như hiện nay.