Chung tay lan toả giá trị cổ phục Việt
Trong nhiều năm trở lại đây, công cuộc nghiên cứu, quảng bá, tìm hiểu về cổ phục Việt đã bắt đầu được chú ý ở nước ta. Bằng chứng là đã xuất hiện một số tổ chức với những dự án bảo tồn, quảng bá và phát huy cổ phục Việt. Về cơ bản, đại đa số các dự án cổ phục Việt được thực hiện bởi những người trẻ tuổi có đam mê và khát khao gìn giữ, phát huy giá trị, lan tỏa văn hóa truyền thống dân tộc tới công chúng không trong và ngoài nước.
Những dự án vì thế mang tính thực tiễn cao, mục tiêu lớn, ý tưởng thực hiện sáng tạo, độc đáo hiện đại, dễ dàng thu hút sự quan tâm của người dân, đặc biệt là giới trẻ. Trong đó có thể kể tới các hoạt động bảo tồn và giá trị cổ phục Việt của tổ chức Ỷ Vân Hiên. Ỷ Vân Hiên đã thực hiện những dự án phục dựng, phỏng dựng lại các loại trang phục truyền thống khác nhau dựa trên những tư liệu đã nghiên cứu thành công. Đội ngũ của Ỷ Vân Hiên đã phối hợp làm việc với nhiều nghệ nhân của các làng nghề sản xuất những sản phẩm truyền thống Việt như hài, quạt, gối xếp, tìm kiếm và sử dụng nguyên liệu của các làng nghề như La Khê, Vạn Phúc, Mã Châu, Lãnh Mỹ A để phục dựng, tái hiện phục hồi thành công nhiều bộ cổ phục khác nhau như trang phục triều Nguyễn, Trần. Bên cạnh đó, Ỷ Vân Hiên đã phát huy giá trị cổ phục Việt qua các dự án nghệ thuật âm nhạc, giải trí, điện ảnh và trình diễn. Nổi bật là kết hợp với ekip của ca sĩ Hòa Minzy trong MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp” với vai trò là phụ trách trang phục cổ trang; MV “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” (Xuân Hinh)
Cùng với Ỷ Vân Hiên, tổ chức Vietnam Centre có những thế mạnh khác biệt. Với mục đích hoạt động là vì quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới nên trong các dự án của Vietnam Centre luôn tồn tại song song cả các yếu tố bảo tồn, quảng bá và phát huy.
Cụ thể là chuỗi hoạt động của dự án “Dệt nên Triều đại ”. Đây là dự án tái hiện nghi lễ và trang phục cung đình của nước Đại Việt thời đầu Lê Sơ, năm 1437-1471. Các hoạt động: tái hiện nghi lễ và trang phục “Nghi lễ Sắc phong Hoàng thái hậu thời Lê”, xuất bản sách “Dệt nên triều đại”. Bên cạnh đó tổ chức này còn phát huy giá trị cổ phục Việt qua dự án Triển lãm và biểu diễn nghệ thuật ở trong nước và nước ngoài.
Và không thể không nhắc tới câu lạc bộ Đình làng Việt được hành lập năm 2014, tới nay số thành viên lên tới 19.000 người, phần lớn là giới trẻ đăng ký tham gia nhiều lĩnh vực. Không chỉ ở Việt Nam, nhiều thành viên hiện sống ở Mỹ, Hàn Quốc, Đức…
Họa sĩ Nguyễn Đức Bình - Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết, mục đích chính ban đầu là trao đổi thông tin, nghiên cứu kiến trúc đình làng nhưng về sau khi nhu cầu tìm hiểu văn hóa truyền thống của mọi người tăng lên, các hoạt động của câu lạc bộ ngày càng mở rộng hơn.
Phát huy giá trị
Mới đây, tại Hội thảo khoa học đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa 2016 - 2021, cổ phục Việt được đưa ra bàn thảo với việc bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống đương đại.
Theo TS Nguyễn Thị Thanh Mai - giảng viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội: Những dự án phỏng dựng cổ phục Việt thành công đã phần nào hiện thực hóa những tư liệu về văn hóa truyền thống, biến những tri thức thành thực tế và đem thực tế ấy đến với công chúng xã hội. Ngoài ra với hình thức phát huy giá trị cổ phục Việt qua hoạt động thương mại buôn bán đã giúp đưa cổ phục đến gần hơn với người tiêu dùng.
Cụ thể, ngày càng nhiều người biết về cổ phục Việt hơn. Nếu như trước đây người ta biết Hán Phục, Hanbok, Kimono do ảnh hưởng từ phim ảnh và ca nhạc nước ngoài, thì nay, người ta đã quen hơn với cụm từ áo Tấc, Nhật Bình, Giao Lĩnh. Thực hiện thành công các hoạt động bảo tồn cổ phục Việt đã góp một phần vào giữ gìn bản sắc văn hóa nước nhà, xây dựng những minh chứng thực tế cho thấy Việt Nam là quốc gia có một nền văn hóa sâu sắc, xứng với hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Bước đầu tác động thị hiếu thời trang người Việt đi theo hướng trân trọng và yêu thích nét đẹp cổ truyền, từ đó, góp phần vào sự phát triển của ngành thời trang Việt Nam mang phong vị Việt.
Mặc dù vậy, vẫn còn những tranh luận trong giới yêu cổ phục không chỉ dừng lại về mặt tri thức, kiến thức mà còn liên quan đến vấn đề khác nhau trong tư tưởng. Một số người cho rằng đồng tiền lợi nhuận sẽ tác động và làm lệch lạc những giá trị văn hóa thực sự trong cổ phục. Những người khác, đặc biệt là những chủ DN lại cảm thấy thương mại hóa là tất yếu, là phương pháp để có thể bảo tồn và lan tỏa giá trị văn hóa thành công.
Theo TS Nguyễn Thị Thanh Mai: Vấn đề này không cần phải tranh cãi, tại vì hai hoạt động phỏng dựng nguyên gốc và cách tân đổi mới vốn dĩ nên và vẫn đang tồn tại song song với nhau. Điều quan trọng là cần có sự cân bằng giữa hai hoạt động để cả hai hoạt động này cùng phát triển song song, đem lại những lợi ích chung đối với bảo tồn quảng bá cổ phục. Việc này lại dẫn đến bài toán cân bằng giữa yếu tố thời trang và yếu tố truyền thống. Mỗi thời quan niệm thẩm mỹ mỗi khác, đẹp của thời xưa chưa chắc đã phù hợp với tiêu chuẩn cái đẹp hiện đại.
Trong bối cảnh hội nhập, xu hướng toàn cầu hóa, hiện đại hóa việc khôi phục, bảo tồn và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc là cực kì cấp thiết và quan trọng. Cổ phục Việt là một trong những nét văn hóa vô cùng quý báu của dân tộc ta, không chỉ bởi vì nó là một di sản xưa cũ mà còn bởi vì nó có đủ tiềm năng đem lại những giá trị trong hiện tại và cả tương lai.