Tiền tỷ cho trang phục nhưng vẫn bị chêTrang phục trong các phim như “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, “Trạng Quỳnh”, “Thiên mệnh anh hùng”… và gần đây nhất là “Phượng khấu” tiêu tốn tiền tỷ của nhà sản xuất nhưng vẫn bị chê. Như phim “Tấm Cám: chuyện chưa kể”, váy áo của các nhân vật được cách tân, sáng tạo không đúng với lịch sử thời trang, không ăn nhập với trang phục của người Việt trong bất kỳ triều đại phong kiến nào, mặc dù nhà sản xuất mất hơn 3 tháng nghiên cứu, vẽ hàng trăm phác thảo và chọn vải phù hợp cho trang phục tất cả nhân vật. Số tiền đầu tư cho trang phục chiếm 1/10 tổng kinh phí làm phim. Hay phục trang trong “Phượng khấu”, các nhà làm phim đã phải vào tận Huế và miền Bắc tìm chuyên gia về sử hoặc nhà chế tác trang phục, tìm lại các truyền thuyết, mộ chí xưa. Phần 1 bộ phim “Phượng khấu” với 6 tập xuất hiện 97 nhân vật. Đoàn làm phim đã chuẩn bị 200 bộ trang phục cho các diễn viên. Đội ngũ chế tác trang phục, thiết kế mỹ thuật cho phim, đạo diễn đã phải làm việc rất chặt chẽ để đảm bảo sự thống nhất về mặt hình ảnh cũng như tính thẩm mĩ cho bộ phim. Nhưng cũng không mong đảm bảo phục dựng 100% trang phục cổ. GS Lê Văn Lan, cố vấn lịch sử của bộ phim cho biết: Việc phục chế cổ phục cung đình vào thời điểm hiện tại gần như không thể thực hiện được vì nhiều nguyên do, chúng ta không còn nguyên liệu thời xưa, cũng như kĩ thuật làm bị thất truyền. Tư liệu, cũng như hiện vật còn rất ít, nên chọn làm phim dã sử, “Phượng khấu” đã lao vào một lĩnh vực rất khó nhằn.Tranh cãi để lôi kéo khán giảTrong buổi tọa đàm, đạo diễn bộ phim "Phượng khấu", Huỳnh Tuấn Anh cho biết dẫu trang phục của "Phượng khấu" sẽ có khả năng gây tranh cãi, nhưng êkíp cũng chỉ biết cố gắng bám sát với các cứ liệu lịch sử nhất có thể và mong khán giả đón nhận cởi mở. Đơn vị chế tác trang phục đã chọn khảo cứu từ những nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước, tiếp cận với những cổ phục “xịn” từ các bộ sưu tập tư nhân cũng như bảo tàng. “Nếu ai đó có nguồn tư liệu chuẩn và nói rằng trang phục chúng tôi làm chưa đúng, chúng tôi sẵn sàng tiếp thu vì đây là lĩnh vực vô cùng khó khăn. Chúng tôi mong khán giả mở lòng đón nhận” - đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh chia sẻ.Đứng giữa lằn ranh làm phim dã sử nhưng mang tính giải trí, êkíp phim “Phượng khấu” cho biết, vẫn cần nghiêm túc trong thể hiện giai đoạn lịch sử triều Nguyễn với những đóng góp lớn về mỹ thuật, phục trang. Đặc biệt, điện ảnh thể hiện cho thời kỳ này nói riêng và các triều đại phong kiến nói chung cũng phải tích cực tìm kiếm cái mới lạ để thu hút người xem và thời trang là một trong những nỗ lực đó. Tất nhiên, một bộ phim có phục trang đẹp nhưng trống rỗng về mặt nội dung thì chẳng thể thành công. Song nếu bỏ rơi yếu tố phục trang trong thời đại phần nhìn lên ngôi, cũng sẽ chẳng đủ sức lôi kéo khán giả.Theo GS Lê Văn Lan: Trang phục vừa là hình ảnh, vừa là biểu tượng, kết tinh văn hóa của một thời đại, một nền kinh tế của một quốc gia, dân tộc, một nền văn minh. Việc sử dụng khéo léo, đúng và trúng cổ phục của thời Nguyễn trong phim “Phượng khấu” đã góp phần nâng giá trị của bộ phim lên rất nhiều. Trong khi thực tế, nhiều bộ phim lịch sử đã sử dụng chưa đúng trang phục gây ức chế cho người xem và đặc biệt làm méo mó văn hóa và lịch sử của thời đại. Chính vì vậy việc khôi phục vốn cổ cụ thể là cổ phục Việt vào điện ảnh là điều hết sức cần thiết.