Cơ quan chức năng ở đâu?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dõi nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng trời một số công trình thi công gây hư hỏng hè đường chúng tôi không thấy bóng dáng lực lượng chức năng nào xử lý vi phạm. Thế nhưng chỉ chưa đầy 24 giờ sau thời điểm tìm đến cơ quan quản lý, khi chúng tôi quay lại thì hiện trường đã gọn gàng, sạch sẽ tinh tươm.

Kinhtedothi - Theo dõi nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng trời một số công trình thi công gây hư hỏng hè đường chúng tôi không thấy bóng dáng lực lượng chức năng nào xử lý vi phạm. Thế nhưng chỉ chưa đầy 24 giờ sau thời điểm tìm đến cơ quan quản lý, khi chúng tôi quay lại thì hiện trường đã gọn gàng, sạch sẽ tinh tươm.
Ai cũng thấy chỉ vài người không thấy

Xin nêu ra đây 2 trường hợp điển hình trong quá trình theo dòng bài viết của chúng tôi về cách ứng xử với vi phạm của lực lượng chức năng sở tại. Đối với đoạn vỉa hè trước cửa công trình Bắc Hà Tower (Trung Văn, Nam Từ Liêm), Phó Chủ tịch UBND phường Trung Văn Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: “Những công trình như thế khó mà tránh khỏi vương vãi vật liệu”. Cái “vương vãi” mà ông Lâm nhận định đó phủ đều và đã hủy hoại hoàn toàn 1.050m2 hè lát gạch thời gian qua.
Nhiều công trình xây dựng sát nhau trên đường Lê Văn Lương chiếm dụng vỉa hè,  lòng đường để phục vụ thi công.
Nhiều công trình xây dựng sát nhau trên đường Lê Văn Lương chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để phục vụ thi công.
Phía Công ty CP Công trình giao thông 2 (CTCTGT 2), Sở GTVT Hà Nội cho biết, vỉa hè đường Tố Hữu được bàn giao về cho Sở GTVT, trực tiếp là Công ty quản lý từ tháng 5/2015. Nửa năm qua, Công ty đã nhiều lần đến làm việc với chủ thầu công trình về các vi phạm nhưng thường bị tránh mặt. Trong khi đó, Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT quận Nam Từ Liêm Hoàng Ngọc Đức cho biết mới 1 lần lập biên bản xử lý nhà thầu; lần thứ 2 là ngày 20/11 vừa qua khi chúng tôi tìm đến và hối thúc Đội này phải xuống hiện trường kiểm tra, xác định hiện trạng. Tuy nhiên, biên bản cứ lập, vỉa hè vẫn trưng dụng, nhà thầu cam kết làm đền vỉa hè nhưng không có thời hạn cụ thể, không có hình thức phạt hành chính.

Việc các công trình xây dựng xếp vật liệu, dụng cụ thi công ngổn ngang trên đường Lê Văn Lương (Nhân Chính, Thanh Xuân) Tổ trưởng Tổ Thanh tra Xây dựng phường Nhân Chính Trần Đình Sơn khẳng định: “Xếp sắt thép, đổ cát ra vỉa hè, lòng đường là sai nhưng chúng tôi không hề hay biết”. Còn Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT quận Thanh Xuân Lê Tùng Lâm thì cho rằng: “Các công trình đều được cấp phép sử dụng hè đường hết, không thể coi đó là vi phạm”. Trái với nhận định của ông Lê Tùng Lâm, ông Trần Đình Sơn khẳng định: “Các công trình được cấp phép sử dụng hè đến đâu đã rào đến đó rồi. Xếp vật liệu ra ngoài hàng rào là sai không phải bàn cãi”.

Trao đổi với chúng tôi, hầu hết các cơ quan chức năng đều cho rằng khó xử lý vi phạm tại các công trình xây dựng nhà cao tầng vì nhiều lý do. Thế nhưng, chỉ chưa đầy 24 giờ sau khi chúng tôi phản ánh, hè đường Lê Văn Lương đã sạch bóng sắt thép, máy móc được lôi vào công trường; vỉa hè Tố Hữu được san phẳng, láng xi măng chuẩn bị lát lại. Những diễn biến đó khiến chúng tôi giật mình, hoang mang. Đâu phải không phát hiện, đâu phải khó xử lý, chỉ cần Thanh tra GTVT, Thanh tra Xây dựng phường, quận nói vài lời, gọi cú điện thoại, đâu sẽ vào đấy tinh tươm sạch sẽ. Vậy bấy lâu nay, vì lẽ gì họ không lên tiếng?

“Bầy hầy” với luật?

Phó Chủ tịch UBND phường Nhân Chính Nguyễn Thị Thanh Tâm dẫn chứng trường hợp công trình Handico 6 tại ngã tư Hoàng Đạo Thúy - Lê Văn Lương. Khi mới thi công, nhà thầu kéo nhà lưu động bằng container ra đặt trên vỉa hè, Phường yêu cầu di chuyển mãi không được, phải đến khi Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân đích thân tới chỉ đạo, đơn vị mới kéo đi. Cũng công trình này, chính quyền sở tại đã xử phạt đến 3 lần vẫn tái vi phạm, bà Tâm cho rằng: “Nhà thầu rất... chăm nộp phạt, bởi mức phạt chưa đủ nặng nên thiếu tính răn đe”.

Chủ tịch UBND phường Yên Hòa Hoàng Trung Kiên thì xuề xòa: “Họ sai mình nhắc nhở thôi chứ phạt làm gì, họ thuê vỉa hè phục vụ thi công, có vi phạm nhưng không nhiều. Mà muốn phạt phải đưa lên quận chứ phường không phạt được”. Thanh tra Xây dựng quận Cầu Giấy thì khất lần không trả lời câu hỏi của chúng tôi; Thanh tra Xây dựng quận Thanh Xuân lại yêu cầu lên gặp Thanh tra Sở Xây dựng xin ý kiến. Phó phòng Quản lý giao thông, CTCTGT 2 Nghiêm Xuân Phương tỏ ra khá bức xúc khi nói về cách hành xử của các nhà thầu: “Chúng tôi là cơ quan quản lý hè đường nhưng khi thi công nhà thầu không tự giác đến làm việc, phối hợp mà chúng tôi phải tự tìm gặp họ. Đến thì có nơi tiếp, nơi không; đi kiểm tra, lập biên bản vi phạm lại càng nhọc nhằn hơn gấp bội”. Nhưng Phó Chủ tịch UBND phường Trung Văn Nguyễn Tùng Lâm lại cho rằng nhà thầu luôn phối hợp tốt với chính quyền phường. Bằng chứng là: “Có lần tôi đi dưới công trình Bắc Hà Tower bị cát bẩn dội vào đầu, tôi móc điện thoại gọi nhắc nhở Giám đốc Dự án luôn, họ có né tránh gì đâu”. Vốn cách cửa UBND phường Trung Văn vài chục mét có đống phế liệu chồng chất trên mép đường, chúng tôi phản ánh chiều hôm trước, hôm sau quả nhiên nhà thầu đã dọn sạch sẽ. Điều đó cho thấy không phải cơ quan chức năng nào cũng có sức nặng với các nhà thầu thi công. Ông Lý Chí Hồng - Phó phòng Thanh tra, Sở Xây dựng cho biết: “Sở chưa nắm được những vi phạm diễn ra và sẽ cho kiểm tra, xử lý ngay các tồn tại”.

Tại những khu vực chúng tôi khảo sát kỹ và phản ánh đến lực lượng chức năng, VLXD, máy móc phục vụ thi công đang được dọn đi. Nhưng những phế tích, những vết sẹo vẫn chằng chịt trên vỉa hè, lòng đường, chờ đợi bàn tay trách nhiệm của nhà chức trách và nhà thầu thi công.
(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần