Cơ quan chuyên ngành phải nghiêm túc hơn trong loại bỏ “giấy phép con”

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bắt đầu từ 1/7, khoảng 3.000 điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trái thẩm quyền chính thức bị bãi bỏ.

Điều này có nghĩa các bộ, ngành, địa phương phải chấm dứt và xóa bỏ hoàn toàn những “giấy phép con” trái thẩm quyền.

Dễ chịu với thủ tục đăng ký

Theo đánh giá của một số DN Hà Nội, việc bãi bỏ các “giấy phép con” là nỗ lực lớn của Chính phủ trong việc tạo điều kiện kinh doanh ngày một thông thoáng hơn cho các DN. Trực tiếp đi đăng ký thành lập DN, anh Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Công ty TNHH An Phúc Nguyên (Hoàng Mai, Hà Nội) hồ hởi cho biết: “Các thủ tục đăng ký kinh doanh hiện nay rất đơn giản, tôi chỉ cần tìm hiểu trên Cổng thông tin, lấy mẫu và điền theo hướng dẫn, đúng hẹn 3 ngày tôi trở lại Phòng Đăng ký kinh doanh số 1 Hà Nội để lấy Giấy phép”.

Trước khi đăng ký thành lập DN, gia đình anh Hiếu đã có một xưởng sản xuất gia công hàng dệt may nhỏ ở Hòa Bình. Vì làm gia công nên hàng của xưởng phải đóng nhãn mác của DN khác, giá trị gia tăng thấp. “Thủ tục đơn giản, công ty có tư cách pháp nhân cũng sẽ kinh doanh thuận lợi hơn nên tôi quyết định phải lập công ty để chủ động ký kết hợp đồng và xây dựng thương hiệu riêng” – anh Hiếu tâm sự.

Lần đầu tiên được giao nhiệm vụ hoàn thiện thủ tục đăng ký kinh doanh cho phòng giao dịch mới mở, anh Đỗ Xuân Thắng (thuộc NHTMCP Công Thương chi nhánh Thanh Xuân) cũng cảm nhận các thủ tục đăng ký khá dễ hiểu và dễ thực hiện. “Ban đầu có một chút vướng mắc nhưng tôi đã được hướng dẫn tại bàn tư vấn nên đã hoàn thành thủ tục để chuẩn bị nộp hồ sơ” – anh Thắng cho biết. Còn với chị Lê Hồng Thúy, Công ty Luật Insip (Đội Cấn, Hà Nội), nhiều thủ tục hành chính hiện nay đã thuận lợi, đơn giản hơn với DN. Chị Thúy tin tưởng: “Việc bãi bỏ hơn 3.000 điều kiện kinh doanh từ ngày 1/7/2016 sẽ tiếp tục tạo được môi trường kinh doanh thông thoáng hơn cho DN, mong là các sở chuyên ngành sẽ nghiêm túc thực hiện chủ trương này vì theo tôi được biết các “giấy phép con” chủ yếu nằm ở các cơ quan chuyên môn này”.

Hết cơ hội cho “giấy phép con”

Trước đó, tại một hội thảo về điều kiện kinh doanh do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây, ông Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nói: “Càng nhiều điều kiện kinh doanh, DN càng nhỏ lại”. Nhiều thông tư hướng dẫn “trói chặt” DN, nay lại được các Bộ tìm cách nâng lên thành Nghị định. Như Thông tư 20/2011/TT - BCT của Bộ Công Thương quy định DN nhập khẩu phải có giấy ủy quyền của chính hãng khiến không ít DN nhập khẩu ô tô đứng trước nguy cơ phá sản. Hay như Nghị định 19/NĐ - CP về kinh doanh khí và Thông tư 03/TT- BCT của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định 19 về kinh doanh khí gây bức xúc cho một số DN ở địa phương… Nếu những thông tư, nghị định “hành” DN này chưa bị xóa bỏ hoặc chưa được các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc loại bỏ thì nhiều DN còn “khó sống”.

Với yêu cầu loại bỏ 3.000 điều kiện kinh doanh thì các cơ quan chuyên ngành như công thương, y tế, xây dựng, giao thông… cần nghiêm túc thực hiện chủ trương chung, không “đẻ” thêm thủ tục “hành” DN, không tìm cách nâng cấp thông tư thành nghị định để né tránh bị xóa bỏ.
Đến ngày 29/6, tổng số DN đăng ký thành lập trong 6 tháng đầu năm 2016 trên địa bàn Hà Nội là gần 16.500 DN tăng 30% so với cùng kỳ năm 2015, số vốn đăng ký đạt trên 99.000 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ. Tổng số DN đã giải thể chỉ còn 1.909 DN, số DN tạm ngừng hoạt động chưa đến 2.500 DN.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần