Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ quan thuế cần tiếp tục cắt giảm các thủ tục không cần thiết

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Business 2019) vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, “đội sổ” trong các chỉ số tụt hạng mạnh nhất của Việt Nam là chỉ số nộp thuế, giảm tới 45 bậc. Đáng chú ý, phần điểm về hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) của Việt Nam bị đánh về 0.

Doanh nghiệp làm thủ tục hoàn thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải.
Hoàn thuế giá trị gia tăng về 0

Thời gian nộp thuế của Việt Nam theo xếp hạng của WB trong Doing Business 2019 là 498 giờ, trong đó, thuế là 351 giờ và bảo hiểm xã hội là 147 giờ, không thay đổi so với năm trước. Trong số 351 giờ nộp thuế, có 334 giờ là thời gian dành cho việc tính toán số liệu và chuẩn bị tờ khai. Thời gian cho việc nộp tờ khai và nộp thuế là 17 giờ.
Số lần nộp thuế giảm 4 lần, tổng mức thuế suất/lợi nhuận giảm 0,3%. Đáng chú ý, phần điểm về hoàn thuế GTGT của Việt Nam bị đánh về 0 là một trong những lý do khiến chỉ số nộp thuế tụt 45 bậc. Tính chung chỉ số nộp thuế của Việt Nam tụt xuống vị trí 131, rơi 45 bậc so với năm trước. Cũng theo báo cáo này, thời gian tính toán số liệu và chuẩn bị tờ khai của DN chiếm tới hơn 95% số giờ nộp thuế, khiến tiêu chí này không giảm.
DN được WB lựa chọn là DN nhỏ, không phải DN lớn nên việc ứng dụng CNTT còn hạn chế. Tuy nhiên, nhiều nước có chính sách kế toán, thuế đơn giản hơn cho DN vừa và nhỏ. Chúng ta nên có chính sách thuế, chế độ kế toán đơn giản phù hợp hơn cho DN vừa và nhỏ.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH PwC Việt Nam Đinh Thị Quỳnh Vân
Nói về nguyên nhân chỉ số nộp thuế của Việt Nam lao dốc, bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Tổng Giám đốc Công ty TNHH PwC Việt Nam cho biết, nhìn vào tiêu chí, WB đánh giá chỉ số nộp thuế theo các yếu tố: Số lần nộp thuế, thời gian nộp thuế, tổng mức thuế suất trên lợi nhuận và chỉ số sau kê khai như thời gian hoàn thuế GTGT, thanh kiểm tra thuế. Trong các yếu tố trên, số giờ nộp thuế trong Báo cáo môi trường kinh doanh 2019 không đổi, số lần nộp thuế giảm từ 14 lần xuống 10 lần. Lý do lớn nhất khiến thứ hạng thay đổi là sự thay đổi chính sách trong khâu hoàn thuế GTGT để giảm thiểu gian lận nhưng phía WB lại tính Việt Nam 0 điểm. Đó là sự cân bằng giữa yếu tố về quản lý chính sách và thủ tục.
“DN được WB đánh giá là DN nhỏ không có hoạt động đầu tư, xuất khẩu trong năm khảo sát. Trước kia, tại Việt Nam, đây là DN có thể được hoàn thuế GTGT nhưng hiện tại, các đơn vị này không thuộc diện được hoàn thuế. Bởi vậy, điểm số riêng phần này của Việt Nam bằng 0” - bà Vân giải thích.

Tuy nhiên, đại diện PwC cũng cho rằng, với đối tượng DN trên, có nước cho hoàn thuế, có nước hạn chế hoàn thuế. “Thực tế, có nước không có thuế GTGT, có nước cho hoàn thuế sau 1 - 3 tháng hoặc sau 12 tháng. Đó là chính sách của mỗi nước và mình không thể nói là thông lệ đúng hay không đúng” - bà Vân khẳng định.

Rà soát, tháo gỡ cho doanh nghiệp

Dù có một số lý do liên quan đến cách tính của WB khi đánh giá chỉ số xếp hạng thuế tại Việt Nam, tuy nhiên, đa số các chuyên gia đều đồng tình rằng, để cải thiện chỉ số nộp thuế cần hỗ trợ chế độ kế toán cho các DN vừa và nhỏ, vì họ đang chiếm tới trên 95% tổng số DN và là cơ sở để WB lấy đánh giá chỉ số nộp thuế.
Trong Doing Business 2019, ngoài chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội, nhiều chỉ số khác cũng bị WB đánh tụt hạng, gồm: Chỉ số xuất nhập khẩu giảm 6 bậc; giải quyết phá sản giảm 4 bậc; cấp phép xây dựng tụt 1 bậc…
Thực tế, những năm qua, ngành thuế đã triển khai nhiều cải cách như kê khai, nộp thuế điện tử nhưng không thể phủ nhận rằng, thời gian DN bỏ ra để chuẩn bị số liệu, tờ khai thuế đang lớn. Vấn đề này có vai trò của DN khi họ vẫn thực hiện tờ khai thuế chiết xuất số liệu từ sổ kế toán ra bảng excel thay vì ứng dụng CNTT để giảm thời gian chuẩn bị thủ tục.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho biết, ngoài việc DN tự nỗ lực để giảm thiểu thời gian chuẩn bị số liệu, tờ khai, cơ quan thuế cần tiếp tục có các biện pháp để cắt giảm các yêu cầu không cần thiết trong tờ khai thuế. Đó cũng có thể là việc cần rà soát tiếp.