Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có thể khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự “võ sư” hành hung vợ

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến video ghi lại cảnh người chồng đánh vợ khi người vợ này đang bế con nhỏ mới sinh, gây phẫn nộ trên mạng xã hội, trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, các luật sư cho rằng, vụ việc này có thể khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự người chồng.

Có dấu hiệu cấu thành “Tội hành hạ người khác”
Theo luật sư Nguyễn Đào Tơ - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Huy, hành vi xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt, trong vụ việc người chồng có hành vi bạo lực với người vợ vừa mới sinh con, là hành vi “Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng” theo Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007.
Không chỉ vậy, người vợ bị đánh khi đang bế con nhỏ trong tay, dẫn đến đứa trẻ hoàn toàn có khả năng bị tổn thương trong quá trình xô xát. Đứa trẻ 5 - 6 tuổi cũng có thể bị ảnh hưởng tinh thần khi chứng kiến hành vi bạo lực của bố mẹ từ nhỏ có thể để lại hậu quả sau này.
Camera trong nhà ghi lại toàn bộ hành động dã man của người chồng. (Ảnh cắt từ clip) 
Để xác định việc xử lý đối với hành vi của người chồng cần căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi, tùy thuộc vào yếu tố lỗi và hậu quả xảy ra đối với người vợ, bị xử phạt hành chính hoặc nếu có đủ yếu tố cấu thành còn có thể bị xử lý hình sự . Trong vụ việc này, hành vi của người chồng sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình.
Ngoài ra, hành vi của người chồng có dấu hiệu cấu thành “Tội hành hạ người khác” theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm, trường hợp tăng nặng có thể bị phạt tù từ 1 - 3 năm. Như vậy, cơ quan điều tra, cơ quan có thẩm quyền cần điều tra, làm rõ các dấu hiệu để xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, tránh gây bức xúc trong xã hội.
Có bin pháp x lý hành vi bo hành gia đình
Trong khi đó, trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối nhận định, đây là tội danh liên quan đến hành vi cố ý gây thương tích, nên bắt buộc phải đưa người vợ đi giám định tỷ lệ thương tật mới đủ cơ sở buộc tội theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự. Tùy thuộc tỷ lệ thương tật sẽ khởi tố hay không, hoặc khởi tố ở khung hình phạt nào?
“Trong trường hợp nếu người vợ từ chối giám định, có đơn bãi nại, không có cơ sở về tỷ lệ thương tật thì người chồng chỉ bị xử phạt hành chính về hành vi bạo hành gia đình theo quy định tại Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt từ 1 – 1,5 triệu đồng” – luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho biết.
Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, phần lớn những vụ việc bạo hành gia đình ít bị xử lý, hoặc không bị phát hiện. Hiện vẫn chưa có những cơ chế, cơ quan chuyên trách đủ mạnh, hiểu biết pháp luật để có thể can thiệp, tư vấn, giải quyết các vụ việc bạo hành gia đình. Đa phần người dân thiếu hiểu biết pháp luật quy định thế nào là bạo hành gia đình, mọi người chỉ hiểu đơn thuần là đánh đập.
Tuy nhiên, còn nhiều kiểu bạo hành khác như về tinh thần, sinh hoạt, ngược đãi, xúc phạm danh dự nhân phẩm, gây ức chế tâm lý, cô lập về tinh thần hoặc cản trở thực hiện các quyền nghĩa vụ về thăm nom, nuôi dưỡng con cái. Có nhiều vụ bạo hành gia đình xảy ra nhưng bị hại không muốn tố giác nên không ai biết được. Do đó, rất cần các cơ quan nhà nước có biện pháp cụ thể để đấu tranh, phòng ngừa, xử lý các hành vi bạo hành gia đình mà cả xã hội lên án.