Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có “trần” vẫn lo giá sữa tăng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến thời điểm này, việc áp giá trần bán lẻ sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi...

Kinhtedothi - Đến thời điểm này, việc áp giá trần bán lẻ sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã thực hiện được hơn một tháng. Cơ quan quản lý hy vọng áp trần giá sữa sẽ góp phần giữ ổn định, tránh tình trạng tăng giá vô tội vạ. Nhưng thực tế cho thấy, kiểm soát giá mặt hàng này vẫn là việc vô cùng khó khăn.

Nhiều cửa hàng tự làm giá

Hơn một tháng qua, các cửa hàng sữa đều treo những tờ giấy thông báo của các công ty nhập khẩu công bố cụ thể mức giá của từng loại sản phẩm đã được Bộ Tài chính quy định giá trần. Theo thông báo đó, nhìn chung giá sữa sau ngày 21/6 đều trong xu hướng giảm ít nhất là 5.000 đồng/hộp 400g. Nhưng thực tế, nhiều mặt hàng tuy đã giảm giá, song có nhãn hàng chỉ giảm vài ngàn đồng/hộp, có nhãn giảm rất ít, gần như không giảm. Chẳng hạn, sữa Friso Gold số 3 (của Cô Gái Hà Lan) loại 1,5kg giá 600.000 đồng/hộp, thấp hơn giá khuyến nghị 3.000 đồng. Sữa Optimum số 3 loại 900g (của Vinamilk) vẫn giữ nguyên mức 350.000 đồng. Hoặc với sản phẩm Nan Pro3 loại 900g dù đã giảm 25.000 đồng/hộp từ 415.000 đồng/hộp trước đó xuống còn 390.000/hộp, nhưng nếu tính đúng theo giá trần của Bộ Tài chính quy định, thì mức giảm của đại lý là chưa đạt yêu cầu. Cụ thể, mức trần áp cho dòng sữa Nan Pro3 loại 900g là 334.000 đồng/hộp với giá bán buôn, thì giá bán lẻ cộng thêm mức cao nhất là 15%, đến tay người tiêu dùng (NTD) cũng chỉ là 384.000 đồng/hộp, thấp hơn 6.000 đồng so với giá mà đại lý đang bán… 
 Lựa chọn sản phẩm sữa tại Siêu thị Fivimart Đại La.      Ảnh: Việt Dũng
Lựa chọn sản phẩm sữa tại Siêu thị Fivimart Đại La. Ảnh: Việt Dũng
Lý giải về việc dù đã có giá trần nhưng mức giảm giá các sản phẩm sữa của các cửa hàng không tương đồng, chủ một cửa hàng sữa cho biết: Đó là do sau khi các hãng sữa áp giá trần, các cửa hàng bán lẻ được quyền cộng thêm 15%. Vì thế mới có chuyện, một hộp sữa Abbott, nơi này bán 258.000 đồng/hộp, nơi kia bán 270.000 đồng/hộp. Cũng theo tiết lộ của chủ cửa hàng này, chỉ những cửa hàng hợp tác với công ty nhập khẩu mới được bù giá: "Rất nhiều cửa hàng nhỏ lẻ nhập sữa từ nguồn không chính thức nên không được công ty áp giá trần. Vì thế, họ không thể giảm giá bán cho khách hàng".Trong khi đó, nhiều chủ đại lý sữa trên phố Hàng Buồm thừa nhận, vẫn niêm yết giá bán theo giá của nhà phân phối đưa xuống. Bảng giá được viết, dán ở cửa hàng rõ ràng. Tuy nhiên, có một thực tế là hầu như NTD chỉ có thể so sánh giữa giá sữa cũ với giá mới, mà không thể kiểm soát được mức giảm đã hợp lý và đúng quy định hay chưa. Như vậy, đánh vào tâm lý của NTD là chỉ cần giảm giá, các DN cũng rất dễ "làm xiếc" với cơ quan quản lý. Còn NTD chỉ biết trông vào sự thành thật của các đại lý. 

Nhiều dẫn chứng lý do cũng được dẫn ra cho thấy, giá bán lẻ mặt hàng sữa e khó giảm mạnh. Từ khi áp trần giá sữa, các chủ đại lý sữa đều than về việc các DN sữa cắt hết các chương trình ưu đãi và khuyến mãi cho khách hàng. Do chỉ còn trông vào khoản lợi nhuận từ việc bán sản phẩm, nên dù DN có giảm giá bán, đại lý cũng khó giảm theo. 

Khó cho cơ quan quản lý

Kiểm soát giá bán lẻ như thế nào để luôn đảm bảo mức giá bán lẻ không được phép cao hơn 15% so với giá bán buôn là cả một vấn đề khó, khi mà NTD không thể tự so sánh. Hiện, trên thị trường, có hàng trăm ngàn sản phẩm sữa và các cửa hàng vẫn bày bán khá nhiều loại sữa ngoại nhập dưới dạng "hàng xách tay". Chưa hết, các hãng sữa nhanh chóng thay đổi công thức mới và đổi tên thành sản phẩm dinh dưỡng công thức. Bên cạnh đó, một số sản phẩm trong tình trạng "tạm hết hàng". Điều này đặt ra nghi vấn: Các hãng sẽ hạn chế nguồn cung, thị trường sốt hàng, sữa sẽ lại tăng giá?
Người tiêu dùng lựa chọn mua sữa tại Siêu thị Coopmart Hà Nội. 	 Ảnh: Hùng Huy
Người tiêu dùng lựa chọn mua sữa tại Siêu thị Coopmart Hà Nội. Ảnh: Hùng Huy
 
Theo phân tích, về lý thuyết, cơ quan quản lý có đầy đủ công cụ để kiểm soát giá sữa, nhưng trên thực tế, việc quản lý giá sữa sẽ khó thành công nếu như không nắm được nguồn cung. Hiện có tới 200 DN tham gia nhập khẩu sữa. Thị trường này cũng có hàng trăm đại lý kinh doanh và hàng ngàn cửa hàng bán lẻ. Chính vì vậy, bằng phương thức nhập khẩu nguyên liệu, vấn đề xác định mức giá sữa nguyên liệu là rất khó khăn khi mà trong một thời gian dài, vấn đề chuyển giá luôn là thách thức với cơ quan thuế của Việt Nam. 

Còn nhớ, cuối năm 2009, Vụ Chính sách thuế đã từng trình Bộ Tài chính dự thảo về việc tính giá tối đa cho sữa. Theo đó, mức giá tối đa được áp theo từng nhãn hàng, ví dụ như áp giá cho sữa Nestlé, Abbott... Nhưng đề xuất này đã không thực hiện được vì những lý do trên. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, Bộ đã tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra những hiện tượng bất thường trên thị trường. Tuy nhiên, quản lý giá sữa cho đến thời điểm này vẫn là một việc làm khó khăn. Nếu không sử dụng các công cụ một cách bài bản và đồng bộ, thì hiệu quả quản lý vẫn rất thấp, và cuối cùng, NTD vẫn luôn phải chịu thiệt.