Coi thường tính mạng trẻ nhỏ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc sử dụng xe ô tô khách đưa đón học sinh bậc Mầm non, Tiểu học và THCS hiện được...

Kinhtedothi - Việc sử dụng xe ô tô khách đưa đón học sinh bậc Mầm non, Tiểu học và THCS hiện được nhiều trường học cũng như các bậc phụ huynh đồng tình ủng hộ, nhằm góp phần giảm thiểu phương tiện cá nhân tham gia giao thông, giảm UTGT và hạn chế tối đa rủi ro TNGT. Tuy nhiên, tại xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, hiện có một số chủ phương tiện đang sử dụng xe ô tô “hết đát” chở học sinh (HS) đến trường và ngược lại.

Sử dụng xe hết niên hạn chở học sinh

 Nhiều năm nay, trên địa bàn xã Khánh Hà có 3 xe ô tô chở khách từ 12 - 15 chỗ ngồi được sản xuất từ những năm 1989 và đến nay đã hết niên hạn sử dụng nhưng vẫn thường ngày đưa đón hơn 100 em HS. Cụ thể, xe ô tô mang BKS 31A - 3190 hiện chưa làm thủ tục đăng ký chuyển đổi chủ xe nên vẫn sử dụng BKS của cơ quan Nhà nước (biển xanh) và xe ô tô mang BKS 29V - 8547 sử dụng BKS đứng tên Công ty CP Tân Hưng Thịnh để đưa đón các em HS trường Mầm non xã Khánh Hà với 2 lượt/ngày. Cùng đó, xe BKS 36M - 6694 đã hết niên hạn sử dụng từ năm 2014 nhưng vẫn được chủ phương tiện hiện sử dụng để đưa đón các em HS trường Tiểu học xã Khánh Hà 2 lượt mỗi ngày.
Chiếc xe hết niên hạn sử dụng từ năm 2009 vẫn thường ngày đưa, đón các em học sinh xã Khánh Hà.
Chiếc xe hết niên hạn sử dụng từ năm 2009 vẫn thường ngày đưa, đón các em học sinh xã Khánh Hà.
 Theo quan sát của phóng viên sáng 13/3 và nhiều ngày trước đó, cả 3 chiếc xe ô tô chở khách nêu trên đều tập trung ở thôn Liễu Ngoại để chở hơn 100 em HS thôn Liễu Nội và Liễu Ngoại có nhà ở cách trường Mầm non và Tiểu học xã Khánh Hà khoảng 2km để đến trường. Bên trong những chiếc xe này luôn chật cứng hơn 30 HS đứng, ngồi. Do không đủ ghế ngồi nên nhiều em phải đứng suốt chặng đường từ nhà đến trường và ngược lại. Trong khi đó, theo quy định, đây là những chiếc xe chở khách được thiết kế từ 12 - 15 chỗ ngồi.

 Qua tìm hiểu được biết, cả 3 xe ô tô mang BKS 31A - 3190, 29V - 8547 và 36M - 6694 đến nay đều đã hết niên hạn sử dụng. Thậm chí, xe ô tô BKS 31A-3190 đã hết niên hạn từ năm 2009. Nguy hiểm hơn, cả 3 xe ô tô này đều đang trong tình trạng xuống cấp, lốp xe đã mòn vẹt, sơn xe nhiều chỗ bị bong tróc, khung xe hoen gỉ, đèn pha bị vỡ. Tuy nhiên, nhiều năm qua, do chính quyền sở tại và nhà trường thiếu trách nhiệm trong công tác kiểm tra, quản lý nên đã để chủ phương tiện và phụ huynh tự ý thỏa thuận đưa, đón HS.

Trách nhiệm thuộc cơ quan nào?

 Để làm rõ việc vì sao những chiếc xe ô tô chở khách hết niên hạn vẫn được sử dụng để đưa đón các em HS, chúng tôi đã liên hệ và làm việc với chính quyền sở tại cũng như lãnh đạo các trường học. Hiệu trưởng trường Mầm non xã Khánh Hà Đoàn Thị Thủy đưa ra lý do, vì những năm trước, cầu Khánh Hà bắc qua sông Nhuệ xuống cấp nghiêm trọng nên mỗi khi các em HS tham gia giao thông qua cầu dễ gây nguy hiểm. Bên cạnh đó, do thôn Liễu Nội có nghề cơ khí truyền thống nên các bậc phụ huynh mải miết với công việc mà không bố trí được thời gian đưa đón con em, đành chấp nhận thuê xe ô tô chở các em đi học khoảng 4km dọc theo đê sông Nhuệ qua xã Hòa Bình để đến trường. Giữa phụ huynh và lái xe thỏa thuận thu từ 100.000 – 200.000 đồng để đưa, đón mỗi cháu/tháng. Tuy nhiên, sau đó, bà Thủy khẳng định: “Để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc, cuối tháng 3 này, nhà trường sẽ yêu cầu phụ huynh các em HS và lái xe dừng ngay việc sử dụng xe ô tô hết niên hạn để đưa, đón HS. Trường hợp lái xe và phụ huynh HS không thực hiện, nhà trường sẽ báo cáo UBND xã và Phòng GD&ĐT huyện để có biện pháp xử lý dứt điểm”.

 Về vấn đề nêu trên, Chủ tịch UBND xã Khánh Hà Nguyễn Văn Long thừa nhận: “UBND xã đã nhận được thông tin, trên địa bàn xã có một số xe ô tô chở khách thường ngày đưa, đón HS vào khoảng 7 giờ 30 phút và 16 giờ 30 phút như người dân và báo chí phản ánh. Để làm rõ việc những chiếc xe ô tô đã hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn nhưng vẫn tham gia giao thông chở các em học sinh thôn Liễu Nội và Liễu Ngoại đến trường, UBND xã đã giao cho Ban Công an xã kiểm tra đăng ký và đăng kiểm của 3 xe ô tô nêu trên. Tuy nhiên, đến nay, Ban Công an xã chưa có báo cáo cụ thể. Nếu đúng là cả 3 xe ô tô đang đưa, đón HS đã hết niên hạn sử dụng, UBND xã sẽ áp dụng biện pháp mạnh yêu cầu chủ xe dừng tham gia giao thông đưa, đón HS”.

 Để làm rõ niên hạn sử dụng của những chiếc xe “hết đát” đang thường ngày đưa, đón HS, chúng tôi đã có buổi làm việc với Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Hà Nội Nguyễn Văn Bích. Qua đó được biết, cả 3 xe ô tô có BKS nêu trên đều đã hết niên hạn sử dụng, không thể đăng kiểm được nữa. Đặc biệt, trong số những chiếc xe nêu trên có xe ô tô BKS 31A - 3190 đã hết niên hạn sử dụng từ năm 2009 và xác định chủ đăng ký phương tiện là Bệnh viện Mắt T.Ư. Ông Bích khẳng định: “Hiện nay, nhiều trường hợp mua xe ô tô cũ xác định xe đã hết niên hạn sử dụng nên không dám cho xe chạy ra đường lớn mà chỉ tham gia giao thông tại các tuyến đường liên xã ở vùng nông thôn nên công tác kiểm tra gặp nhiều khó khăn. Do vậy, muốn xử lý triệt để được những chiếc xe ô tô “hết đát” đang len lỏi chạy ở các khu dân cư vùng nông thôn, trách nhiệm đầu tiên thuộc về UBND xã, phường sở tại. Trường hợp khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý, chính quyền sở tại phải có trách nhiệm báo cáo, đề xuất hướng xử lý với cơ quan chuyên môn cấp trên”.