Tránh những can thiệp thô bạo
Trong công văn góp ý gửi cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), VCCI cho biết ủng hộ các đề xuất bãi bỏ giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phim, bãi bỏ văn bản chấp thuận đặt văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài và bãi bỏ quy định người nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim. VCCI nêu vấn đề bất cập hiện nay là độc quyền về kiểm duyệt. Luật Điện ảnh trước quy định việc thẩm định và cấp phép phổ biến phim chỉ duy nhất do Bộ VHTT&DL (Cục Điện ảnh, Hội đồng thẩm định quốc gia) tiến hành.
Từ 2010 cho phép một số địa phương thẩm định, phổ biến phim nhưng mới là phân cấp quản lý. Người làm phim chưa được lựa chọn đơn vị kiểm duyệt. VCCI lấy ví dụ, nếu người viết sách có thể lựa chọn mang tới 60 nhà xuất bản khác nhau để kiểm duyệt những nội dung khiêu dâm, bạo lực, thù địch thì người làm phim chưa có quyền chọn đơn vị kiểm duyệt. Việc thẩm định phim qua hội đồng độc quyền rất tốn kém chi phí, kìm hãm sự phát triển của điện ảnh Việt Nam và cơ hội được xem phim của khán giả.
Thực tế là trong thời gian qua xảy ra không ít trường hợp Hội đồng thẩm định can thiệp cả vào yếu tố nghệ thuật, thương mại của bộ phim, áp đặt quan điểm cá nhân cho những người làm nghệ thuật. Trong khi thông thường phạm vi kiểm duyệt chỉ cắt bỏ những vấn đề bạo lực, khiêu dâm. Để tránh những can thiệp thô bạo không đáng có của một Hội đồng, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo mạnh dạn đổi mới cơ chế kiểm duyệt phim. “Luật Điện ảnh đặt ra các điều kiện để một đơn vị có thể thực hiện công tác kiểm duyệt phim. Tổ chức nào đủ điều kiện đều có thể đăng ký và được cấp phép hoạt động kiểm duyệt phim. Bộ VHTT&DL tiến hành tập huấn cho người trực tiếp phụ trách công tác kiểm duyệt phim" - VCCI đề xuất.
Theo đó, phim chỉ được phổ biến sau khi được một tổ chức được phép hoạt động kiểm duyệt phim chấp thuận. Cơ quan Nhà nước tiến hành hậu kiểm nội dung phim đã được phổ biến và công tác kiểm duyệt của các tổ chức đã được cấp phép.
Phạt nặng sai sót khâu hậu kiểm
Rất nhiều người lo ngại, bỏ độc quyền của Hội đồng thẩm định sẽ dễ để lọt những tác phẩm kém chất lượng ra thị trường. Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Minh Đức (VCCI) cho rằng, trong Luật vẫn còn điều khoản về xử phạt. Nếu phạt nặng các đơn vị kiểm duyệt, nhà sản xuất, thậm chí là thu hồi giấy phép kiểm duyệt… thì việc quản lý chất lượng kiểm duyệt vẫn có thể được đảm bảo. Đại diện các đạo diễn, nhà sản xuất lấy bằng chứng cụ thể về trường hợp bỏ Hội đồng thẩm định của điện ảnh Hàn Quốc đã giúp ngành công nghiệp văn hóa phát triển rất mạnh. Tinh thần, tư tưởng trong phim Hàn vẫn không bị suy đồi đạo đức mà còn nâng cao hơn về chất lượng nghệ thuật và nội dung tư tưởng.
Đồng tình với việc giảm áp lực công việc cho một hội đồng thẩm định, đạo diễn Lương Đình Dũng cũng cho rằng: “Cơ quan hay tổ chức nào duyệt phim cũng không phải vấn đề tôi quan tâm nhiều. Tôi quan tâm đến việc hướng dẫn các giới hạn được cụ thể hóa càng chi tiết càng tốt cho các nhà làm phim. Nếu có nhiều cơ quan được quyền duyệt phim thì tôi nghĩ sẽ đỡ vất vả hơn cho một đơn vị chuyên trách khâu duyệt phim như Cục Điện ảnh hiện nay”. Nhiều ý kiến đề xuất biện pháp giảm áp lực là các Đài truyền hình sẽ thành lập các Hội đồng duyệt phim của riêng mình.
Như vậy, theo phân tích ở nhiều góc độ, bỏ độc quyền Hội đồng thẩm định phim sẽ vừa bảo đảm quản lý tốt nội dung phim, vừa giúp tạo tính cạnh tranh trên thị trường và giúp cho nền điện ảnh phát triển không bị hạn chế.