Cốm Mễ Trì được lòng du khách tại SEA Games 31

Công Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các gian hàng cốm Mễ Trì tại Triển lãm Hàng lưu niệm Thủ đô năm 2022 được nhiều du khách quan tâm mua bán và thưởng thức.

Du khách mua sản phẩm cốm Mễ Trì tại Triển lãm Hàng lưu niệm Thủ đô
Du khách mua sản phẩm cốm Mễ Trì tại Triển lãm Hàng lưu niệm Thủ đô

Thực hiện văn bản của Sở Công Thương, UBND quận Nam Từ Liêm đã có văn bản gửi UBND các phường về việc đăng ký tham gia Hội chợ triển lãm Hàng lưu niệm Thủ đô năm 2022. Hội chợ là nơi quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm hàng lưu niệm tinh hoa tiêu biểu của các nghệ nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc các làng nghề truyền thống của Hà Nội và kết nối một số sản phẩm OCOP tiêu biểu của một số tỉnh thành, phục vụ du khách trong và ngoài nước đến Thủ đô nhân dịp Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31.

Theo đó, Hội chợ triển lãm có quy mô 100 gian hàng có thiết kế tiêu chuẩn và khu triển lãm khoảng 1.500m2. Thời gian diễn ra từ ngày 12/5 đến ngày 20/5 tại khu vực quảng trường đối diện sân vận động quốc gia Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Đô - Phó Chủ tịch UBND phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) cho biết, thực hiện công văn của UBND quận Nam Từ Liêm, phường Mễ Trì đăng ký 2 hộ sản xuất kinh doanh giới thiệu và bán sản phẩm tại Hội chợ triển lãm Hàng lưu niệm Thủ đô năm 2022.

2 hộ này đều đáp ứng đủ điều kiện về đăng ký kinh doanh, vệ sinh an toàn thực phẩm và bố trí nhân sự biết ngoại ngữ để quảng bá cho du khách quốc tế đến tham quan, tìm hiểu về cốm Mễ Trì. Đây cũng là cơ hội để quảng bá cốm Mễ Trì.

“Với 2 gian hàng giới thiệu cốm Mễ Trì đến du khách, chúng tôi mong muốn từ đó, giới thiệu được quy trình làm cốm, hương vị cốm Mễ Trì đến du khách. Từ đó, du khách nhớ đến hương vị cốm cũng như có thể kết hợp được với các đơn vị du lịch tổ chức tour du lịch trải nghiệm làm cốm Mễ Trì” - ông Đô nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Thế Đô, trong thời gian vừa qua, khi dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng rất nhiều đến các hộ sản xuất, kinh doanh cốm, phải sản xuất cầm chừng, nhỏ lẻ bởi khâu tiêu thụ khó khăn do hạn chế đi lại, giãn cách. Từ khi trở lại trạng thái bình thường mới, nhu cầu của khách hàng gia tăng, nguồn cung thiếu đã dẫn đến việc giá thành tăng, ảnh hưởng đến uy tín của làng cốm Mễ Trì với khách hàng.

Bên cạnh đó, một số hộ gia đình khó khăn nên đã vay ngân hàng phát triển kinh doanh cho thuê nhà để đảm bảo cuộc sống và giữ nghề truyền thống cốm Mễ Trì.

Hiện nay, UBND phường Mễ Trì đang theo đuổi thương hiệu cốm Mễ Trì và gửi hồ sơ để đăng ký thương hiệu để từ đó đưa cốm Mễ Trì thành thương hiệu nổi tiếng, bay xa hơn ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Chia sẻ với phóng viên, chị Lê Thị Thúy Giang, Chủ cơ sở sản xuất Cốm An Giang cho biết, gia đình chị được chính quyền địa phường mời tham gia Hội chợ Triển lãm Hàng lưu niệm Thủ đô năm 2022 để giới thiệu, quảng bá làng nghề cốm Mễ Trì của địa phương và cơ sở sản xuất của gia đình.

“Cốm nhà tôi cam kết không có phẩm màu, cốm mộc 100%. Cốm mang đến hội chợ như xôi cốm, chả cốm, bánh cốm và các loại sản phẩm về cốm đều được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt là cốm tươi đang vào vụ nên rất nhiều” - chị Giang chia sẻ.

 

Làng nghề cốm Mễ Trì được công nhận năm 2018 và năm 2019 được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Làng nghề có 86 hộ sản xuất cốm, hơn 200 hộ cá thể kinh doanh các sản phẩm từ cốm, buôn bán nhỏ lẻ.

Công việc sản xuất cốm, kinh doanh cốm làm thay đổi đời sống của nhân dân trong thời gian qua. Đặc biệt, khi được công nhận làng nghề và di sản văn hóa phi vật thể thì cốm Mễ Trì được mang đi làm sản phẩm quà tặng cho các du khách quốc tế trong và ngoài nước.