Xã hội thật trên Facebook ảo
Khi Facebook và mạng xã hội bùng nổ, chúng ta như đang sống trên 2 thế giới song song, thế giới trên Facebook và thế giới ngoài đời sống.
Trao đổi với phóng viên Lao Động, chuyên gia xử lý khủng hoảng truyền thông Lê Ngọc Sơn - Chủ tịch Hãng Quản trị Danh tiếng Berlin Crisis Solutions (BCS) cho rằng, xã hội trên Facebook giống như tấm gương phản chiếu đời sống thật.
“Cách dùng Facebook, cách thể hiện bản thân trên các tài khoản Facebook nói lên rất nhiều điều về chính chúng ta. Cá nhân tôi cho rằng, Facebook là xã hội thu nhỏ, ở đó có đầy đủ những hỉ nộ ái ố, những tấn trò đời bi hài, có góc tối và ánh sáng, có người tốt - kẻ xấu... Như vụ sao kê vừa qua, khi quét qua Facebook đã lột mặt nạ của rất nhiều kẻ đạo đức giả, làm màu, phông bạt, nhưng cũng cho thấy cả những giá trị thật, những con người đã nói thật và làm thật” - chuyên gia Lê Ngọc Sơn nói.
Theo chuyên gia Lê Ngọc Sơn, chúng ta không nên chỉ “sốc” với những câu chuyện phông bạt, làm màu, lừa đảo... mà nên nhìn ở cả những góc độ tích cực.
“Qua vụ sao kê, bên cạnh những bộ mặt bị lột trần, là những câu chuyện xúc động về tinh thần tương thân tương ái hướng về đồng bào bão lũ, là hình ảnh truyền cảm hứng về tinh thần thiện nguyện đang được nhân rộng trong cộng đồng... Tôi có thể nhìn thấy, việc làm từ thiện đang là nhu cầu tự thân của nhiều cá nhân. Rõ ràng, hiệu ứng chuyển tiền hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, kêu gọi từ thiện, thiện nguyện đã và đang được kích hoạt rất tích cực trong cộng đồng”.
Qua vụ việc này, cũng sẽ là bài học đắt giá cho những ai vẫn đang ôm mộng ảo về danh tiếng, sức hút, lượt like, share.. trên Facebook. Những thứ màu mè, “phông bạt” bằng cách này hay cách khác, cuối cùng cũng sẽ bị phơi lộ.
Danh tiếng ảo, trả giá thật
Nguồn gốc sâu xa cho những lớp mặt nạ “phông bạt” được giới chuyên gia nhìn từ nhiều góc độ.
Chuyên gia truyền thông Lê Ngọc Sơn cho rằng: “Khi các nền tảng mạng xã hội trả tiền cho những con số truy cập “khủng”, khi việc xây dựng thương hiệu cho các kênh cá nhân đi liền với tiền, với danh tiếng, sức ảnh hưởng... tất yếu sẽ dẫn đến việc, nhiều cá nhân trục lợi, bất chấp mọi giới hạn để kiếm lượt like, share, tương tác. Trong đó, việc lợi dụng câu chuyện từ thiện, thổi phồng giá trị đồng tiền quyên góp chính là cách “lấy lòng” cộng đồng dễ nhất. Đánh vào lòng trắc ẩn của số đông, dựa hơi vào “lòng tốt” sẽ giúp nhiều cá nhân xây dựng được thương hiệu “ảo” cho mình”.
PGS.TS Trần Thành Nam (từng tốt nghiệp chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng tại Trường Đại học Tổng hợp Vanderbilt, Mỹ), hiện là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: "Họ bị chứng "nghiện" đứng trong sự chú ý của đám đông. Tất nhiên, nếu họ đủ tài năng, phẩm chất, giá trị để thu hút đám đông thì không cần bàn đến. Nhưng đằng này, họ lại sử dụng chiêu trò, mánh khóe để cố gắng gây chú ý thì đây là sự lệch chuẩn về mặt nhận thức và thiếu hụt về mặt giá trị".
Mọi mánh khóe tạo sức hút “ảo” khi bị lột mặt nạ đã phải trả giá bằng danh dự thật. Họ đánh mất niềm tin, uy tín, danh dự của cá nhân, trở thành câu chuyện bi hài được lan truyền khắp mạng xã hội.
Khi những màu mè, phông bạt lộ ra, cũng là lúc ánh sáng của sự thật, của những người nói thật, làm thật được tỏa sáng. Vàng - thau, thật - giả đã rõ ràng.
Trong hàng nghìn bảng sao kê ấy, cũng là vô vàn câu chuyện gây xúc động, đó là sự chung tay đóng góp của những người lao động bình dân “không ai nhớ mặt đặt tên”, không hào nhoáng màu mè, chỉ lặng thầm đóng góp, lặng thầm cho đi.