Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Còn buồn chuyện “hái hoa”

Phạm Thanh Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơ quan tôi gần hồ Thiền Quang, đã có một thời, mỗi khi đi qua Nhà văn hóa Học sinh Sinh viên, tôi ước được ngồi ăn trưa, hay uống cà phê ở nhà hàng giữa hồ để ngắm sóng... Rồi ước ao cũng thành hiện thực khi tôi được một anh bạn cũ rủ ăn trưa ở đó.

Chọn được chỗ ngồi, chúng tôi chuyện vui và ngắm mặt hồ đuổi sóng lăn tăn. Một lúc, anh bạn tủm tỉm cười, chỉ tay: “Xem người ta hái hoa dân chủ kìa!”. Tôi nhìn theo và… ngao ngán. Từ lúc đó, hễ cứ khi nào nhìn ra bờ hồ, lại thấy một người đang hồn nhiên “hái hoa”. Hình như thực khách trong nhà hàng đều nhìn thấy, nhưng chẳng ai quan tâm hoặc cố ý không quan tâm, vì ảnh hưởng xấu đến cảm xúc cho bữa trưa của họ.
Tôi không hiểu tại sao người ta lại dùng cụm từ “hái hoa dân chủ” để chỉ việc đi vệ sinh ở nhà vệ sinh công cộng. Hái hoa dân chủ là một trò chơi phổ biến khi cả xã hội chưa ngập lút trong các phương tiện thông tin hiện đại: Mỗi người sẽ được “hái một bông hoa” và thực hiện yêu cầu của “bông hoa” đó. Đôi khi những câu hỏi ở trò chơi này tạo ra không khí vui tươi rất thú vị. Còn chuyện “hái hoa” này thì vì sao???

Nhà vệ sinh công cộng trên đường Thanh Niên. Ảnh: Công Hùng

Anh bạn tôi lại hay kể những chuyện cười ra nước mắt quanh cái nhà vệ sinh công cộng ở khu tập thể cũ nhà anh một thời, mà người ta đặt tên là WC. Đó là một nỗi ám ảnh từ bé đến tận bây giờ, thỉnh thoảng vẫn đeo đuổi trong những giấc anh mơ. Không biết ở đâu trên đất nước này có cái WC đặc biệt như vậy, một cái WC đôi, tức là trong cùng một ngăn hai người có thể cùng sử dụng. Hồi bé anh là đứa hay đi vệ sinh bậy, chỉ vì anh sợ phải chui vào cái WC kia. Mà giấc mơ của anh về cái WC đó cũng thật lạ, anh cứ quẩn quanh trong đó, muốn thoát ra mà không được. Thậm chí nhiều lúc biết đó là giấc mơ và muốn ra khỏi nó cũng không xong. Sau này, kể lại với ông anh trai chuyện đó, ai dè ông anh cũng chung nỗi ám ảnh về cái hố WC. Ôi ký ức và những giấc mơ… Thế nên dễ hiểu vì sao hồi ấy, trong bài tập làm văn kể về ước mơ cô giáo ra, anh hồn nhiên chọn “Em ước nhà xem có nhà xí riêng”, dù cho ước mơ đó của anh bị cô giáo phê là “Thiếu nghiêm túc”.
Từng đi nhiều nơi trên thế giới, anh bạn tôi bảo có những nơi người ta “trọng thị” nhà vệ sinh không kém gì các căn phòng khác trong ngôi nhà, chứ không quan niệm như một “công trình phụ”. Bởi giản đơn ấy là việc không thể cố ý bằng cách này hay cách khác tách rời khỏi cuộc sống. Người Hà Nội rất tế nhị, ý tứ, nên việc đi vệ sinh, hay cụm từ “nhà vệ sinh” cũng được nói tránh, nói khéo, chẳng hạn như đi WC, hay đi “Madam Anh Thư”, Toilet… Cũng vì thế, sau này lớn lên anh chọn nghề xây dựng. Khi đang là sinh viên, anh từng đi theo ông chú làm thầu xây dựng. Nhiều công trình nhà ở nơi thành phố cho anh nhận ra rằng riêng cái nhà vệ sinh của họ cũng tốn kém hơn hẳn một ngôi nhà cấp 4 mà bố mẹ anh phải lăn lộn cả đời mới dựng được ở quê. Có lẽ cách người ta coi trọng việc đi vệ sinh sẽ đồng nghĩa với việc người ta đối xử với nơi đi vệ sinh như thế nào…
Bây giờ, việc “đi hái hoa” công cộng của người dân TP được chăm lo hơn xưa nhiều. Phần lớn WC công cộng đều sạch sẽ, nhưng ngược đời ở chỗ: Khi các WC được bố trí hợp lý ở các địa điểm công cộng, thì việc “đi hái hoa” lại diễn ra… ngay cạnh chúng. Hệt như việc nực cười là người ta vứt rác ở ngay cạnh thùng rác. Và hệ quả là trên các bức tường công cộng không chỉ xuất hiện những dòng chữ “Cấm đổ rác”, mà còn cả những dòng ái ngại: “Cấm đái bậy”. Tôi tự hỏi, trong số những người tiểu bậy đó, có ai từng chịu khổ vì những nhà vệ sinh công cộng năm xưa, từng ước mơ có một nhà vệ sinh tử tế? Tại sao họ làm thế, không lẽ chỉ để tiết kiệm 2000 đồng? Mà không ít WC trong các công viên hiện nay có một chiếc hòm thu phí tùy tâm. Tôi đã thấy có những người rất tự giác trả tiền, không cần ai nhắc nhở, nhưng tôi cũng thấy có người… lờ đi.
Chợt nhớ một mẩu chuyện được nghe kể rằng có một nhà văn chuyển đến nơi công tác mới. Ở đó, người ta khốn khổ vì nạn tiểu bậy, dù có nhắc nhở thế nào cũng không hiệu quả. Nhà văn bèn nghĩ ra một kế để một bát hương ở nơi nạn tiểu bậy hoành hành. Từ đó, nạn tiểu bậy chấm dứt hoàn toàn. Đơn giản, không cần biết tại sao có bát hương, nhưng ít ai dám qua mặt bát hương để tiểu bậy. Nhưng nơi đô thị này, làm sao có thể áp dụng cái cách mà nhà văn kia làm? Nên chỉ có thể chấm dứt việc đó bằng cách phạt tiền. Song có điều là không thể cắt cử nhân lực chỉ để chăm chăm theo dõi ai tiểu bậy rồi phạt tiền. Vậy cuối cùng vẫn là kêu gọi tính tự giác của người đô thị. Một TP xanh, sạch, đẹp cần phải nhân lên những cư dân yêu thương và tôn trọng nơi mình sống.