Còn cả triệu tỷ đồng tồn kho, lãi suất lao dốc

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtdothi - Mấy tháng gần đây, lãi suất huy động liên tục giảm trong bối cảnh hệ thống ngân hàng "thừa tiền". Khó tăng trưởng tín dụng là mối bận tâm hàng đầu của các ngân hàng thương mại.

Lãi suất huy động liên tục giảm

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 30/9, tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại đạt khoảng 12,9 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 5,9% so với cuối năm 2022. Còn về cho vay, 9 tháng, tăng trưởng tín dụng mới chỉ hoàn thành hơn 1/3 kế hoạch, ước tăng khoảng 6,1 - 6,2% so với cuối năm 2022 với tổng dư nợ của nền kinh tế đạt khoảng 12,63 triệu tỷ đồng.

Cũng giống các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, các ngân hàng thương mại cũng đang "tồn kho tiền". Ảnh minh hoạ
Cũng giống các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, các ngân hàng thương mại cũng đang "tồn kho tiền". Ảnh minh hoạ

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiếp tục xu hướng giảm, mức cao nhất chỉ còn 5,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng; còn gửi từ 1 đến dưới 6 tháng giảm còn khoảng 4%/năm, tức là chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, mức lãi suất phổ biến nhiều kỳ hạn còn thấp hơn cả thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2020 - 2021.

Mặc dù lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm nhưng dòng vốn huy động tại các ngân hàng vẫn tiếp tục tăng trong 9 tháng qua. Trong báo cáo phân tích gần đây, Công ty chứng khoán BSC cho biết, số dư tiền gửi không kỳ hạn tại hệ thống đã lên gần 400.000 tỷ đồng, trong khi dự trữ bắt buộc chỉ ở mức khoảng 280.000 tỷ đồng. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng duy trì ở mức rất thấp dưới 1% trong thời gian dài.

Kể từ ngày 21/9 tới nay, NHNN đã mở lại nghiệp vụ trên thị trường mở, thực hiện phát hành tín phiếu liên tục, với tổng quy mô gần 93.800 tỷ đồng trong 7 phiên, qua đó hút khỏi hệ thống ngân hàng lượng VND tương ứng. Kỳ hạn của các đợt tín phiếu này đều là 28 ngày và được chào bán theo phương thức đấu thầu lãi suất.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, NHNN đã phải điều tiết tín phiếu ngắn hạn để giảm bớt thanh khoản dư thừa trên hệ thống; đồng thời cố gắng để không tác động lớn tới mặt bằng lãi suất. Hiện nay, lãi suất thị trường liên ngân hàng vẫn ổn định.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong bối cảnh lượng tiền vẫn ở mức cao, NHNN nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục chào bán tín phiếu vào những phiên tới. Tổng quy mô chào bán phụ thuộc rất lớn vào tình hình thị trường sắp tới sẽ ảnh hưởng như thế nào tới thanh khoản chung. Nếu tăng trưởng tín dụng được đẩy mạnh trong thời gian cuối năm NHNN sẽ “nhả” lượng tín phiếu này để hỗ trợ một phần thanh khoản về lượng tiền cho thị trường.

Áp lực tăng trưởng tín dụng cuối năm

Hết 3 quý của năm 2023, trong hệ thống ngân hàng vẫn tồn hơn 1 triệu tỷ đồng chưa thể bơm ra nền kinh tế mà lãnh đạo NHNN ví von, toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền".

Room tăng trưởng tín dụng năm nay còn dư địa rất nhiều, tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2023 thấp hơn mức đặt ra là 6,5%, nghĩa là 3 tháng cuối năm cần phải thúc đẩy tăng trưởng và giải pháp, cũng là sử dụng chính sách tiền tệ. Nghĩa là bối cảnh này cần đưa vốn vào nền kinh tế, trong đó mức tăng trưởng tín dụng là nhiệm vụ chính.

Sau một loạt các động thái giảm lãi suất huy động, các ngân hàng đã bắt đầu tung ra nhiều gói vay ưu đãi với lãi suất hấp dẫn nhằm kích cầu tín dụng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng trong những tháng cuối năm.

Chẳng hạn Vietcombank đã cắt giảm gần 10 đợt lãi suất huy động, 5 đợt giảm lãi suất cho vay cho tất cả phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Nhà băng này cũng giảm lãi cho hơn 240.000 lượt khách hàng với dư nợ lên hơn 1 triệu tỷ đồng; BIDV công bố gói 300.000 tỷ đồng để cho vay với mức lãi thấp hơn từ 0,5 - 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường; Agribank triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD cho khách hàng doanh nghiệp với lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 5%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn chỉ từ 8%/năm.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm, một số ngân hàng còn lên "phác đồ" đẩy nhanh tín dụng, trong đó có các cuộc gặp gỡ giữa 2 bên để tìm tiếng nói chung.

Đại diện SHB chia sẻ, ngân hàng triển khai các gói cho vay ngắn hạn với lãi suất ưu đãi chỉ từ 8% dành cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh. Chúng tôi sẵn sàng giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với khách hàng trong giai đoạn này”.

Một số ngân hàng cổ phần khi được hỏi đều thừa nhận, lãi suất cho vay giảm nhưng không dễ kiếm được người vay. Ngân hàng "đỏ mắt" tìm khách hàng tốt, có khả năng trả nợ để cho vay nhưng không dễ. "Chỉ khi sức mua tăng, hàng tồn kho giảm được, doanh nghiệp mới cần vốn để sản xuất. Chứ như hiện nay ngân hàng muốn cho vay nhưng doanh nghiệp không làm ăn được nên không vay. Ngân hàng thừa thanh khoản mà lại bị bít đầu ra"-  Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nói.

 

MBS Research mới đây đã điều chỉnh giảm tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho hầu hết các ngân hàng đang theo dõi. Trong đó, HDBank và Techcombank được MBS dự báo tăng từ mức 13,5% và 14% cùng lên 15%. VCB được MBS dự báo giảm khá nhẹ từ mức 9,7% xuống 9%; BIDV và Vietinbank đều từ 14% xuống 9,5%. VPBank được dự báo chỉ còn 15% so mức được cấp 24%.