Kết thúc phiên giao dịch chứng khoán 15/7, VN-Index giảm 2,92 điểm (0,25%) xuống 1.179,25 điểm, HNX-Index giảm 0,12% xuống 284,4 điểm, UPCoM-Index tăng 0,15% lên 87,32 điểm.
Thanh khoản đang tăng trở lại với tổng khối lượng giao dịch phiên đạt gần 748 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch 15.000 tỷ đồng.
HPG là tâm điểm của thị trường chứng khoán phiên này khi đứng đầu nhóm tác động tích cực nhất lên VN-Index. Với việc tăng 4,5% lên mốc 23.200 đồng/cổ phiếu, chi riêng HPG mang lại cho thị trường tới 1,5 điểm.
Đáng chú ý, giao dịch HPG tăng đột biến với khối lượng giao dịch lên tới gần 50 triệu cổ phiếu. Khối lượng tăng đột biến do nhà đầu tư nước ngoài rót tiền mạnh vào mua mã này. Cụ thể, khối ngoại rót ròng gần 70 tỷ đồng mua ròng 2,9 triệu cổ phiếu HPG.
Điều này hoàn toàn trái ngược với việc khối ngoại đảo chiều bán ròng và tăng mạnh hơn về cuối phiên, đạt giá trị hơn 493 tỷ đồng và tập trung ở các chứng chỉ quỹ.
Với đà tăng mạnh ở phiên ngày 15/7, dù giao dịch khá giằng co trong suốt tuần những HPG vẫn giữ được mức tăng 3,43% tính chung qua một tuần. Dù tính chung theo mức quý, HPG vẫn đang mất hơn 30,6% giá trị.
Dù kết quả kinh doanh khả quan, hiện HPG vẫn là một trong những cổ phiếu nhóm vốn hoá lớn giảm giá mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Mức giảm của HPG đã đạt mốc gần 40% dù cũng đang hồi phục nhẹ trong 1 tháng trở lại đây.
Với mức giảm này, dù ông chủ của Hòa Phát - tỷ phú Trần Đình Long - vẫn giữ được vị trí giàu thứ 2 Việt Nam, nhưng so với thời điểm cuối năm ngoái, tài sản của ông này đã "bay" tới gần 13.900 tỷ đồng.
Mới đây, Tập đoàn Hoà Phát cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, Hòa Phát đã nộp vào Ngân sách Nhà nước gần 7.400 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm2021, vượt xa số nộp của cả năm 2020. Các công ty thành viên đóng góp ngân sách nhiều nhất là Thép Hòa Phát Dung Quất, Thép Hòa Phát Hải Dương, Ống thép Hòa Phát.
Tổng số nộp thuế, phí các loại của công ty Thép Hòa Phát Dung Quất bao gồm: Thuế GTGT hàng nhập khẩu, thuế xuất nhập khẩu, thuế nội địa… đạt trên 4.800 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ và đóng góp nhiều nhất trong số các công ty thành viên của Hòa Phát.
Một số công ty thành viên của Tập đoàn có số nộp lớn cho Ngân sách Nhà nước gồm: Ống thép Hòa Phát, Điện máy gia dụng Hòa Phát, Khoáng sản An Thông và Tôn Hòa Phát, Xây dựng và Phát triển đô thị Hòa Phát, Thép Hưng Yên….
Tập đoàn Hòa Phát đang hoạt động và đóng góp ngân sách nhà nước tại 27 tỉnh, TP trên cả nước. Không chỉ đóng góp ngày càng cho ngân sách, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, Hòa Phát còn tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tập trung vào 4 nhóm chính: Y tế, giáo dục, giao thông và cộng đồng thông qua các hoạt động xây cầu, xây trường, tài trợ phẫu thuật tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo, Xuân yêu thương…
Trong năm 2022, Tập đoàn sẽ thực hiện chương trình “Chặng đường nối yêu thương” do Hòa Phát trực tiếp triển khai, nhằm hỗ trợ chi phí chăm sóc trẻ em và người già có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.