70 năm giải phóng Thủ đô

Còn đó nỗi lo cháy nổ mùa nắng nóng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian qua, tình hình cháy nổ ở Hà Nội cũng như các địa phương khác trong cả nước diễn biến khá phức tạp.

Hiện trường vụ cháy lớn tại khu vực lán trại nhà tạm cho công nhân thi công tổ hợp chung cư Mường Thanh sáng 18/6.
Hiện trường vụ cháy lớn tại khu vực lán trại nhà tạm cho công nhân thi công tổ hợp chung cư Mường Thanh sáng 18/6.
Đặc biệt, khi nhiệt độ thời gian này thường xuyên ở mức nắng nóng trên 40 độ C cộng với độ ẩm không khí thấp là lúc các vật dụng dễ bắt lửa hơn bao giờ hết, là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ cháy không đáng có.

Cháy do điện chiếm tỷ lệ cao

Trong hai tháng qua, hàng loạt vụ cháy đã xảy ra tại các khu dân cư, đặc biệt là tại các khu vực nhà tạm có lều lán, có nhiều vật liệu dễ cháy trên địa bàn Hà Nội. Ngày 18/6 đã xảy ra vụ cháy lớn tại khu vực lán trại nhà tạm cho công nhân thi công tổ hợp chung cư Mường Thanh (Khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai). Vụ cháy khiến hơn 1.000 công nhân trong khu vực nhà tạm hoảng loạn tìm cách chạy thoát thân. Vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi gần 1.000m2 nhà tạm cho công nhân. Trước đó,  vụ cháy tại khu vực hồ Linh Quang (Văn Chương – Đống Đa) đã thiêu rụi hàng chục căn nhà tạm của người lao động ngoại tỉnh cũng khiến dư luận bàng hoàng. Nguyên nhân cháy được cho là do người dân chủ quan dùng bếp củi và sử dụng điện không đúng cách.

Thượng tá Đỗ Anh Quyến – Trưởng Phòng cảnh sát PCCC số 12 cho biết: “Thời tiết nắng nóng là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ cháy tại các khu vực nhà dân trong thời gian vừa qua. Đặc biệt, các vụ cháy thường xảy ra vào giữa trưa hoặc đầu giờ chiều khi lượng điện sử dụng tăng cao đột ngột dẫn đến quá tải và gây chập cháy ổ điện”.

Giải pháp nào?

Thượng tá Quyến cho biết, để khắc phục tình trạng cháy nổ nói trên, việc quan trọng nhất là phải phát hiện sớm hỏa hoạn và xử lý kịp thời. Do đó, đối với khu dân cư, công tác phòng chống cháy nổ cần xây dựng lực lượng tại chỗ từ các tổ dân phòng thôn, xóm, tổ dân phố. Đây sẽ là lực lượng PCCC cơ sở để cùng lực lượng PCCC chuyên nghiệp xử lý vụ cháy. Nên việc trang bị kiến thức, kỹ năng với lực lượng này rất quan trọng. Ngoài ra, Phòng Cảnh sát PCCC số 12 đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền để nâng cao ý thức phòng cháy cho người dân. Đơn vị đã phối hợp với các cơ quan truyền thông và các sở, ngành có liên quan tổ chức cao điểm tuyên truyền PCCC tại các làng nghề, khu dân cư, khu nhà trọ… Lực lượng Cảnh sát PCCC cũng tiến hành tổ chức điều tra cơ bản, phân loại và lập hồ sơ các cơ sở thuộc diện quản lý của đơn vị; đồng thời tiến hành phúc tra, kiểm tra điều kiện an toàn PCCC tại những nơi dân cư tập trung, cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí gas, nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở gia công, chế biến gỗ… Đối với các khu dân cư, các hộ dân vừa dùng nhà làm nơi ở và nơi sản xuất, kinh doanh, Cảnh sát PCCC sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, nhắc nhở người dân không nên trữ quá nhiều hàng hóa trong nhà vì tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Thượng tá Quyến nhấn mạnh: “Để hạn chế hỏa hoạn trong đợt cao điểm hiện nay, các cơ quan PCCC đã quán triệt tinh thần của các chiến sĩ cảnh sát PCCC. Luôn luôn túc trực 24/24 giờ, vật dụng và phương tiện luôn luôn sẵn sàng khi có cháy xảy ra. Ngoài ra, để làm tốt việc PCCC trong khu dân cư thì ý thức của người dân có vai trò rất quan trọng. Người dân cần có sự đề phòng và có kỹ năng xử lý tình huống cũng như sử dụng thành thạo các thiết bị PCCC khi xảy ra cháy”.

Trước thực trạng thiếu thốn về phương tiện và những tồn tại trong công tác phòng cháy, chữa cháy, Đại tá Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, TP sẽ tập trung nâng cao chất lượng thẩm duyệt, cấp biên bản kiểm tra an toàn PCCC các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Từng bước rà soát, đề xuất giải quyết dứt điểm việc các dự án, công trình xây dựng không thực hiện đúng, đầy đủ các yêu cầu về đảm bảo an toàn PCCC, chưa được nghiệm thu vẫn đưa vào khai thác, sử dụng. Huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng và phòng cháy cơ sở đi kiểm tra, hướng dẫn phòng cháy cho khu dân cư, cho các gia đình. Đại tá Nguyễn Văn Sơn cũng khuyến cáo, vào những ngày nắng nóng, người dân cần sử dụng hợp lý nguồn điện, hạn chế các thiết bị tiêu hao lớn điện năng… tránh quá tải xảy ra chập cháy. Khi nhà không có người ở nên tắt hết các thiết bị điện, ngắt cầu dao tổng.                    
Từ đầu năm đến nay, qua kiểm tra gần 15.000 lượt đơn vị, cơ sở về PCCC, lực lượng chức năng TP Hà Nội đã phát hiện trên 50.000 tồn tại thiếu sót về phòng cháy, chữa cháy; xử phạt hành chính 1.700 tổ chức, cá nhân vi phạm. Thống kê cho thấy, Hà Nội hiện đang thiếu 8.000 trụ nước để thực hiện công tác PCCC… Trong tháng 6 vừa qua, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 12 vụ cháy, 1 vụ nổ, 99 sự cố; nguyên nhân gây cháy do điện chiếm tỷ lệ cao.