Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Con đường để Hà Nội bứt phá

Kinhtedothi - Hà Nội đang tập trung quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng GRDP của TP đạt 8% trở lên trong năm 2025, tạo đà tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030.

Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh kiểm tra hoạt động sản xuất tại khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Phạm Hùng

Xây dựng kịch bản tăng trưởng từng ngành

Kinh tế Hà Nội có quy mô GRDP lớn, chiếm 12,6% cả nước. Do đó, giá trị tuyệt đối 1% tăng thêm hoặc giảm của Hà Nội so với các tỉnh có chênh lệch nhiều. Với mục tiêu tăng trưởng GRDP của TP năm 2025 đạt trên 8%, TP Hà Nội phải nỗ lực rất lớn. Để đạt được mục tiêu này, giải pháp chủ yếu của TP là phát huy tối đa, làm mới các động lực truyền thống (như xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư), đồng thời thúc đẩy động lực mới.

Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thống kê Hà Nội Nguyễn Thúy Chinh cho biết, Chi cục Thống kê Hà Nội đã phối hợp Sở Tài chính xây dựng kịch bản tăng trưởng với từng ngành. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, cần tiếp tục duy trì tăng trưởng tối thiểu khoảng 3,1%; đóng góp 0,06 điểm phần trăm vào mức tăng chung của GRDP. Với kịch bản theo quý, lĩnh vực này phải tăng lần lượt là 2,45%; 1,45%; 4,37% và 4,35%. Khu vực công nghiệp và xây dựng cần đạt mức tăng cả năm là 7,72%, đóng góp 1,66 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP chung, chiếm tỷ trọng 22,49% GRDP, trong đó, các mức tăng theo từng quý lần lượt phải đạt là 6,22%; 7,62%, 7,98% và 8,92%.

Trích dẫn
Trích dẫn 1

Dư địa tăng trưởng của Hà Nội là các DN đang đi vào lĩnh vực mới như kinh tế số. Hà Nội có tiềm năng phát triển kinh tế số, cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Nổi bật là thương mại điện tử, công nghệ tài chính fintech, tiền số, tạo hệ sinh thái cho các thành phần này đóng góp cho tăng trưởng. Về kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, chuyển dịch năng lượng, sẽ giúp tăng giá trị gia tăng cao.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, TP đặt chỉ tiêu thu hút 31 triệu lượt khách du lịch (tăng 11,5%), trong đó 7,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025, hướng tới phát triển du lịch dài hạn, bền vững. Ngành đặt ra chương trình hành động ngắn hạn, trước mắt tập trung vào phát triển sản phẩm du lịch, tạo ra sự khác biệt. Ngoài ra, Sở tập trung truyền thông, quảng bá hình ảnh Thủ đô, hướng tới thị trường mục tiêu, có lượng khách tăng trưởng tốt; kết nối với các hãng hàng không để mở đường bay trực tiếp, tăng tần suất bay với thị trường trọng điểm.

Còn theo Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Võ Nguyên Phong, Sở tiếp tục triển khai chương trình phát triển công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, tập trung xúc tiến thu hút đầu tư, hỗ trợ DN nghiên cứu, đổi mới công nghệ; kết nối chuỗi sản xuất toàn cầu; hỗ trợ DN mở rộng sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ. Chú trọng vào một số ngành, lĩnh vực có triển vọng tăng trưởng cao như dệt may, da giày, vật liệu xây dựng, điện tử, chế tạo linh kiện ô tô, xây dựng, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, logistic. Ngoài ra, Sở sẽ đẩy mạnh kích cầu thương mại, kích thích tiêu dùng, tăng tổng mức bán lẻ; bảo đảm cung ứng hàng hóa; tăng cường kết nối giữa Hà Nội với các địa phương để tìm kiếm nguồn hàng.

Về đầu tư, kế hoạch đầu tư công năm 2025 của TP được Thủ tướng Chính phủ giao là 87.130 tỷ đồng, gấp 1,13 lần so với kế hoạch năm 2024, chiếm 10,5% tổng số vốn của cả nước được Quốc hội quyết nghị phân bổ. Giải ngân đầu tư công không đơn thuần là “bơm tiền” vào nền kinh tế, mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, kích thích các thành phần kinh tế khác cùng phát triển.

Dù còn nhiều khó khăn như giải phóng mặt bằng, một số dự án gặp vướng trong công tác quy hoạch, xác định chỉ giới đường đỏ, đánh giá tác động môi trường, biến động giá nguyên vật liệu... song Hà Nội vẫn quyết liệt dồn lực vào giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông.

Trích dẫn
Trích dẫn 2

Thủ đô Hà Nội có tiềm lực KHCN đứng đầu cả nước, nếu có cơ chế, chính sách phù hợp sẽ phát huy được năng lực sáng tạo, tạo ra nhiều sản phẩm có hàm lượng KHCN cao, đem lại giá trị gia tăng và hiệu quả cao cho phát triển kinh tế của Thủ đô. Để phát triển kinh tế bền vững, DN vừa và nhỏ phải thành “đại bàng”. Vì thế, phải thay đổi tư duy nguồn lực, tạo môi trường phù hợp, để DN lớn mạnh.

Phó Chủ tịch, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ VINASA Nguyễn Nhật Quang

Điển hình cho quyết tâm và tầm nhìn chiến lược của Hà Nội là 2 dự án cầu Tứ Liên và cầu Ngọc Hồi. Đây là 2 cây cầu dự kiến tiến hành với hình thức đầu tư công. Với tổng mức đầu tư hơn 32.000 tỷ đồng, 2 cây cầu không chỉ là những công trình giao thông đơn thuần, mà còn giúp hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô. Trong đó, cầu Tứ Liên dự kiến khởi công vào ngày 19/5 đang nhận được sự quan tâm đặc biệt. Theo kế hoạch, sau khi khởi công cầu Tứ Liên, Hà Nội cũng sẽ mau chóng khởi công cầu Ngọc Hồi và cầu Trần Hưng Đạo.

UBND TP Hà Nội yêu cầu xây dựng kế hoạch tiến độ, giải ngân từng tháng, từng dự án ngay từ đầu năm, tập trung cao độ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, phấn đấu giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2025 đạt trên 95% kế hoạch giao, theo tinh thần lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút đầu tư xã hội.

Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới

Cùng với các động lực truyền thống, TP sẽ thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, như mở rộng không gian phát triển, chuẩn bị đầu tư hạ tầng để từng bước hình thành TP phía Tây, TP phía Bắc sông Hồng và chuẩn bị đầu tư để phát triển 5 trục động lực: trục sông Hồng; trục Hồ Tây - Cổ Loa; trục Nhật Tân - Nội Bài; trục Hồ Tây - Ba Vì; trục phía Nam TP.

Trong thời gian tới, TP sẽ tổng kết để nhân rộng các mô hình tăng trưởng mới, như: kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế đô thị, kinh tế chia sẻ, kinh tế sáng tạo, trí tuệ nhân tạo… Đẩy mạnh các loại hình kinh tế đêm thông qua các loại hình dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí; có thêm từ một đến hai tuyến phố đi bộ gắn với các tuyến phố ẩm thực, biểu diễn văn hóa theo chủ đề.

Nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển kinh tế đô thị là trụ cột kinh tế Thủ đô trên cơ sở phát triển các hoạt động thương mại, các dịch vụ đô thị, dịch vụ công và kinh tế ban đêm gắn với phát triển du lịch. Ngoài ra, một số chuyên gia cũng cho rằng, Thủ đô Hà Nội với sứ mệnh làm hình mẫu đi đầu của cả nước, nên định hướng phát triển tất cả các ngành, lĩnh vực phải hướng đến đi đầu các xu thế phát triển của thời đại là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.

Hà Nội ngày càng phát triển đồng độ, hiện đại. Ảnh: Phạm Hùng

Thực tế thời gian qua, Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ (KHCN). Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng để hỗ trợ phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo. Điển hình như: Chương trình số 07/CTr-TU của Thành ủy khóa XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 về đẩy mạnh phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn Hà Nội; Nghị quyết số 18 năm 2023 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình phát triển thị trường KHCN TP Hà Nội; Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030...

Với những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội đã thu hút hơn 300 dự án đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao với tổng vốn đăng ký đầu tư lên tới hơn 8 tỷ USD. Bên cạnh đó, Hà Nội đã tiên phong trong việc phát triển các khu đô thị thông minh, tích hợp công nghệ AI, Big data, và Internet vạn vật (IoT) vào quản lý hạ tầng đô thị, giao thông và y tế, góp phần tạo ra những đột phá trong năng lực cạnh tranh của TP.

TP có hơn 1.000 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chiếm trên 26% cả nước. Trên địa bàn TP có gần 300 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đem lại kết quả tích cực. Việc xây dựng những cơ chế đột phá cùng những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của TP Hà Nội thời gian qua đã đưa KHCN và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Đặc biệt, với Luật Thủ đô năm 2024 và Nghị quyết số 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vừa được ban hành, Hà Nội có thêm những điều kiện thuận lợi và cơ sở vững chắc để bứt phá trong Kỷ nguyên mới.

Cắt giảm thủ tục hành chính vì người dân, doanh nghiệp

Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh đóng vai trò then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi... Hà Nội đặt mục tiêu rút ngắn ít nhất 60% nhóm hồ sơ thủ tục công việc để đạt tăng trưởng trên 8%.

UBND TP Hà Nội giao các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình cải cách hành chính năm 2025, hoàn thành trước ngày 15/4, nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 66/NQ-CP của Chính phủ. Trước hết, TP tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để, giảm thiểu các bước trung gian. Thiết lập cơ chế ưu tiên “làn xanh” giải quyết thủ tục hành chính. Ưu tiên giải quyết hồ sơ liên quan các lĩnh vực: đầu tư và phát triển hạ tầng; xuất khẩu, logistics và thương mại quốc tế; hỗ trợ tài chính và kích cầu tiêu dùng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số, phát triển hạ tầng thông minh. Đặc biệt, tập trung mục tiêu về thời hạn giải quyết rút ngắn ít nhất 60% so với quy định đối với nhóm hồ sơ thủ tục công việc so với quy định hiện hành; đóng dấu phân luồng “làn xanh” hồ sơ văn bản đến và văn bản đi.

Trích dẫn
Trích dẫn 3

Hà Nội tập trung phát triển bất động sản, đẩy nhanh tăng trưởng trong lĩnh vực này. Hiện trên địa bàn TP đang có hàng ngàn dự án đã “đắp chiếu” sau thời gian dài, nếu được khởi động lại, sẽ mang về nguồn thu ngân sách cho Hà Nội. Ngoài ra, TP phải tập trung phát triển mạng lưới giao thông, mở rộng đường, giãn dân ra các khu đô thị vệ tinh, dành quỹ đất đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; sớm triển khai các dự án nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ…

Chủ tịch HĐQT Vinhomes Phạm Thiếu Hoa

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết: “Trước tháng 8, Sở Công Thương sẽ trình UBND TP ban hành, điều chỉnh 13 thủ tục hành chính, thời gian cắt giảm đi 30%”. Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong năm 2025, Sở thực hiện chủ đề công tác là TP Hà Nội "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển", để hoàn thành các chỉ tiêu thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị, quản lý và phát triển nhà ở được giao.

Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, tập trung vào các giải pháp chính như nhanh chóng hoàn thành việc sắp xếp bộ máy tổ chức, giảm chi phí kinh doanh, tăng cường cải cách hành chính, phát triển DN và đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng đòi hỏi của giai đoạn mới.

TP luôn xác định sự hài lòng, phục vụ người dân, DN là thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước; cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy với phân cấp ủy quyền, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách hành chính. Chủ tịch Trần Sỹ Thanh yêu cầu lãnh đạo các đơn vị, sở, ngành phải đồng hành cùng TP, với tinh thần quyết liệt ngay, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm nay.

Trích dẫn
Trích dẫn 4

Nhằm tận dụng thời cơ mới trong kỷ nguyên vươn mình, các DN hội viên đã bắt tay vào sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm. Trong năm 2025, các DN công nghiệp hỗ trợ có nhiều lợi thế khi Chính phủ quan tâm và có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên để bứt phá cũng đòi hỏi DN cần đầu tư nhiều nguồn vốn cho chuyển đổi số, đầu tư máy móc công nghệ mới đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội Nguyễn Vân

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Mơ mận đầu mùa giá cao vẫn đắt khách

Mơ mận đầu mùa giá cao vẫn đắt khách

05 Apr, 02:51 PM

Kinhtedothi - Những ngày đầu tháng 4, người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp rất nhiều gánh hàng bán những loại quả đầu mùa bán như: mơ Hương Tích (Mỹ Đức), mận hậu Mộc Châu (Sơn La), mận cơm Lạng Sơn… trên các đường phố Hà Nội. Dù giá bán không rẻ nhưng những loại quả này vẫn được tiêu thụ khá mạnh...

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ