Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Con đường hoàn lương của tên cướp nổi danh một thời

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong cuốn nhật ký đã ố vàng vì thời gian, anh Phúc cho chúng tôi mượn có một câu mà gã tướng cướp có biệt danh Sầu Thương Hận này coi như triết lý sống: "Chân lý thuộc về kẻ mạnh".

KTĐT - Trong cuốn nhật ký đã ố vàng vì thời gian, anh Phúc cho chúng tôi mượn có một câu mà gã tướng cướp có biệt danh Sầu Thương Hận này coi như triết lý sống: "Chân lý thuộc về kẻ mạnh".

Để tồn tại giữa những tên côn đồ sừng sỏ, Phúc đã chọn cách tấn công lại. Không biết có bao nhiêu vụ đâm chém nhau ở chốn lao tù có liên quan đến Phúc đã xảy ra. Sau một thời gian phân "ngôi, thứ", Phúc trở thành "đại bàng" ở đây, sau mỗi ngày lao động trở về buồng giam, được các phạm nhân "hầu hạ".

Trại Thanh Cẩm ngày ấy nằm tít sâu trong núi, vẫn còn nhà tranh, vách đất nên việc phạm nhân trốn trại vẫn thường xảy ra. Đã thế, nơi đây chủ yếu giam giữ những kẻ có nợ máu với nhân dân, tội phạm chính trị và những tay anh chị, giang hồ có tiếng ở các tỉnh Hải Phòng, Lạng Sơn, Thanh Hóa, nên chuyện "đại bàng" xuất hiện ở các buồng giam không thể tránh khỏi.

Vừa chân ướt chân ráo vào trại, bằng con mắt trải đời, Phúc hiểu ngay cái thế của mình nên quyết không để tên nào cùng buồng giam lấn lướt. Cùng buồng giam với Phúc có một tên vốn là một anh chị có tiếng ở đất Cảng, thấy Phúc "săm, lốp" rắn chắc, vẻ mặt lầm lỳ cũng có vẻ dè chừng. Hắn không cho đàn em tới chọc ghẹo nhưng mỗi khi kêu chúng xoa bóp, lại lớn tiếng cạnh khóe song đáp lại chỉ là sự lặng im tới khó hiểu của "ma mới".

Rồi thời cơ của hắn cũng tới khi Phúc được phân công lao động ở bếp ăn nơi anh ta làm đội trưởng. Để bắt Phúc quy phục dưới trướng của mình, kẻ này luôn tìm cách bắt bẻ, tìm những việc trái khoáy để hành Phúc. Một tuần trôi qua không có sự phản kháng, hắn bắt đầu khoái trá khi hình dung cảnh Phúc phải quỳ xuống chân, xin được phục vụ hắn thì chuyện không hay đã xảy ra với hắn.

Vẫn quen thói mọi khi bắt bẻ Phúc trong công việc, lần này hắn tiếp tục gây khó dễ, bắt Phúc phải làm thêm cả phần việc của hai tên nữa để chúng rảnh tay đấm bóp cho đại ca. Không một lời phản ứng, Phúc xách dao ra ngoài ao mài tới khi chém thử quả mít đứt làm đôi liền đi vào bếp, chém cụt chân kẻ lộng quyền. Sau lần đó Phúc, những phạm nhân cùng buồng không dám về phe kia nữa song đổi lại Phúc "nhiếp" bị kết án thêm 5 năm tù nữa.

Theo dòng hồi tưởng của ông chủ quán rượu dừa thì ngoài việc chém cụt chân kẻ này, anh còn chém cụt tay một phạm nhân nữa cũng vì tranh giành ngôi thứ với các nhóm đầu gấu trong trại giam. Hai lần ra tòa ở Thanh Hóa, với tổng cộng 30 năm tù giam cho cả những lần trước đó, con đường về với Phúc ngày càng xa dần nhưng chuyện đánh nhau giữa anh ta với các tay anh chị ở Hải Phòng, Thanh Hóa, Lạng Sơn vẫn âm thầm diễn ra.

Với một con người có bề dày "thành tích" như Phúc, tưởng không thể giáo dục được nhưng các quản giáo lại nhìn thấy điểm tốt ở anh ta. Tuy tính nết nóng nảy nhưng Phúc rất thẳng thắn, không xu nịnh và sống rất có tình nên sau khi bàn bạc, Ban giám thị đã quyết định giao cho Phúc nhiệm vụ cùng quản giáo đi lĩnh nhu yếu phẩm về cho phạm nhân. Hàng ngày được ra khỏi trại, Phúc rất mừng, luôn tận tâm với công việc, đưa gạo, muối về cho trại đầy đủ, tuy có vài lần chạm trán bọn cướp song chỉ nghe Phúc xướng danh, những kẻ đó đã chạy biến vào rừng.

Tình cờ một lần nghỉ giữa chừng bên khe suối, bất chợt Phúc nhìn thấy một nhóm người ăn mặc như trên phố, khoác tay nải, đi vào. Liên tưởng đến những chiếc lán tình cờ nhìn thấy trên đồi xa dọc đường đi và những câu chuyện không đầu không cuối nghe được của một vài người tình cờ đi cùng đường, Phúc đoán gần đó có một bãi vàng và những kẻ này là người trên tỉnh vào mua vàng. Trong đầu Phúc bỗng nảy sinh một ý nghĩ táo bạo. Vậy là thay vì lăn ra cỏ nằm nghỉ như mọi khi, mỗi lần đi lấy gạo về đến chỗ giải lao, Phúc lại tranh thủ tạt vào chỗ các bưởng vàng dựng lán, "xin đểu" ít vàng cám đem về cất giấu. Cũng có khi Phúc chặn đường những người buôn vàng, xin của họ và lần nào cũng kiếm được tí chút mang về. Phúc kể anh biết họ cũng vất vả nên không cướp mà chỉ xin chút đỉnh gọi là san sẻ chút lời lãi của họ. Ngày đó Hiền "đầu bạc" cũng mới lên bãi vàng lập nghiệp, đang gây thanh thế nhưng mỗi khi Phúc tới "chơi", dù trong lòng rất ấm ức song chẳng khi nào dám để "khách" về "tay không".

Năm 1993, trại giam Thanh Cẩm có phong trào phạm nhân được tham gia gác trại. Theo quy định, lực lượng vũ trang sẽ gác vòng ngoài còn vòng trong, ở khuôn viên trại do các phạm nhân tích cực canh gác, Phúc cũng có mặt trong đội ngũ ấy. Một đêm cuối tháng 10, gió heo may làm cho vùng rừng núi càng thêm lạnh. Trong cái rét đầu mùa ấy, Phúc cùng mấy phạm nhân về khu bếp đốt lửa sưởi nhưng chẳng hiểu sao mới ngồi một lúc, Phúc đã thấy sốt ruột nên đứng dậy đi ra ngoài. Ngang qua buồng giam số hai, nơi có 7 phạm nhân tù chung thân bị cùm chân, Phúc bỗng thấy im ắng lạ liền để ý quan sát, phát hiện đằng xa có một bóng người đang vắt vẻo trên hàng rào dây thép gai cao 6m liền chạy tới gõ kẻng báo động. Ngay sau đó kẻ này bị bắt giữ nhưng 6 tên cùng phòng đã mất dạng trong núi thẳm.

Vì những kẻ trốn trại đều là những tên côn đồ khét tiếng ở Hà Nội như Phúc "Ngải"; Thành "bạo"; Huỳnh "Thức"; Dũng "con" nên sáng hôm sau, nhận được thông tin, Bộ Công an đưa trực thăng, chở quân về tăng cường cho trại, rà soát cả vùng núi rừng, mở rộng tới tận biên giới giáp Lào nhưng không có kết quả. Một tuần trời, trong khi lực lượng cơ động đặc biệt của Bộ Công an nằm trên núi thì những kẻ đào tẩu lại rúc trong hang, đợi đêm xuống, mò vào nương lúa của dân tuốt hạt đem về cầm cự. Vốn từng là kẻ bỏ trốn, anh Phúc thừa biết chúng chẳng dại gì cắt lúa về vì như thế sẽ lộ mà sẽ tuốt hạt đem về, cho vào ống tay áo đập cho tróc vỏ rồi nhét vào ống nứa thổi thành cơm ăn. Thế nhưng phải mất một tuần sau, khi trực thăng rà soát không tìm được tung tích những kẻ này, buộc phải rút quân thì ý kiến của Phúc mới tới lãnh đạo trại.

Được cho phép tham gia cùng lực lượng công an truy bắt 6 tên tội phạm nguy hiểm, Phúc cùng tổ công tác lên danh sách những khu vực có người dân sống và sản xuất, đánh dấu những hang núi gần đó đồng thời vận động người dân, nếu mất mát gì dù nhỏ nhặt cũng phải trình báo. Gần một tuần miệt mài trong các hang núi, các anh nhận được tin có một người dân trong lúc lên nương, bắt gặp một kẻ đang cắt trộm bí ngô liền hô hoán khiến kẻ này sợ hãi, bỏ chạy. Cầm chiếc khăn và con dao kẻ này đánh rơi, anh Phúc nhận ngay đó là tác phẩm mà chỉ những kẻ ở tù mới có nên chỉ nửa tiếng sau, một tiểu đoàn gồm cả công an và quân đội được tăng cường, bao vây ngọn núi gần đó, kết quả là gọi được cả 6 tên ra đầu thú.

Với thành tích này, Phúc được Cục quản lý trại giam Bộ Công an đồng ý cho chuyển ra trại Lam Sơn, cải tạo trong khi quản giáo trại Thanh Cẩm chỉ mong anh ở lại. 30/4/1995, một niềm vui bất ngờ đến với Phúc, đợt đặc xá năm đó, anh có tên được tha tù trước thời hạn. 15 năm sống trong rừng sâu, xung quanh chỉ một màu áo kẻ sọc, Phúc bỗng thấy ngập ngừng khi được quay về với đời thường.

Đoàn tụ và hoàn lương

Nhấp một ngụm rượu nóng, anh Phúc bảo: "Lần bị TAND tỉnh Thanh Hóa kết thêm 9 năm tù, tôi cứ nghĩ thế là đời mình xong, chẳng còn ngày về, đến năm 1995 thì được chuyển trại rồi bất ngờ được tha. Mừng quá nhưng vừa về đến nhà, ông bà già đã làm đơn xin cho tôi đi trại tiếp vì sợ ở nhà lại quậy phá".

Theo lời anh Phúc, ngày đó sau khi được tha về, Thiếu tướng Phan Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát bây giờ, lúc đó là phó trưởng CA TP Nam Định đã đến nhà, chưa kịp động viên, Phúc đã nhấm nhẳng: "Tôi vừa mới về, thấy khổ quá, đang muốn quay lại trại tiếp đây. Ở đó nóng còn có người quạt".

Ngày đòan tụ với gia đình, anh Phúc không khỏi ngỡ ngàng bởi xã hội giờ đây khác xưa quá. Thay vào cảnh chen chân đứng xếp hàng chờ mua lương thực, thực phẩm là hàng hóa bày bán ê hề ngoài chợ nhưng tiền làm ra thật khó. Đang không biết phải làm gì, anh đồng ý lấy một cô gái do cha mẹ "chấm" sẵn với nhiệm vụ tạm thời là trông coi cửa hàng tạp hóa cho gia đình, rồi chuyển sang nghề bán bia hơi. Thấy khách thích nhậu, anh mày mò học hỏi rồi mạnh dạn xây lò, sản xuất thịt quay bán và quán của anh trở thành cửa hàng thịt quay ngon nổi tiếng thành Nam ngày ấy. 10 năm bươn trải với nghề quay thịt, anh dần quên đi quá khứ ngang tàng một thời, trở thành ông bố chu đáo với hai đứa con gái xinh xẻo.

"Ý nghĩ làm rượu dừa đến với tôi thật tình cờ", anh Phúc trầm ngâm. Năm 1997, Nam Định xảy ra lụt lớn, người tới uống bia ít hẳn nên tôi nghĩ phải làm ra một loại rượu độc đáo nào đó để thu hút khách. Ban đầu tôi làm rượu dứa, rượu mít nhưng không ăn thua vì khách chê ngọt quá. Bất chợt tôi nghĩ dứa không được thử dừa xem sao.

Lần đầu tiên thử làm, anh mua 6 quả dừa về đục lỗ, bỏ bớt nước bên trong ra cho rượu vào, ủ vào lò quay thịt. Nhẩm đếm ngày đạt rượu, mỗi anh mang một quả ra nếm thử để xem chất lượng. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, những quả dừa rượu của anh ngày càng ngon hơn, có hương vị đặc biệt, được khách rất ưa chuộng. Để mở rộng thị trường, anh tuyển công nhân, đưa rượu dừa đi các quán tiếp thị. Theo anh Phúc thời đó có ngày cao điểm anh bán hết gần 200 quả rượu dừa ngay tại quán, phải mở thêm xưởng mới có đủ hàng đưa đi các tỉnh theo đơn đặt hàng của khách. Kể từ đó quán Vạn Phúc của anh nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc với món rượu dừa độc đáo.

Có lần, một vị khách Hàn Quốc ghé vào quán anh ăn món vịt om sấu, mê món rượu "bình" nguyên quả đã đặt vấn đề chung vốn mở công ty nhưng anh không đồng ý. "Rượu này chủ yếu sản xuất thủ công, với lại mình cũng không có ý định đi xa, đi bao nhiêu năm thế là đủ rồi", anh Phúc thành thật.

Trung tá Nguyễn Văn Thang, phó trưởng CAP Trần Tế Xương, người bám trụ lâu nhất ở phường này cho biết anh Phúc không chỉ làm giàu chính đáng cho gia đình mà còn là nơi cưu mang hàng trăm lượt sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và người sau cai nghiện như anh Trần Mạnh Cường, SN 1975, một con nghiện lâu năm nhưng đã cai nghiện thành công,...

Hơn mười năm xuất hiện trên thị trường, giờ đây món rượu dừa của anh Phúc, theo chân người nhậu có mặt ở khắp mọi nơi song ít ai biết được tác giả của loại rượu này là một giang hồ thứ thiệt, sau nửa đời cay đắng muốn gửi gắm tâm sự vào thứ men cay ngọt ngào, dân dã. Chỉ có những người ở thành Nam mỗi khi có ai hỏi tới quán rượu dừa lại nói đến tên anh như nhắc lại một thời trước khi rửa tay gác kiếm của ông chủ quán.