Tiếp cận nhanh giáo dục hiện đại
Ngay từ giai đoạn đầu, lãnh đạo ĐH FPT đã nhập khẩu giáo trình cho khối công nghệ và khối kinh tế. Ngoại trừ các môn học Chính trị, Quốc phòng, tất cả các môn học còn lại đều dùng giáo trình nước ngoài với khoảng 200 đầu sách. ĐH FPT đặt mục tiêu mỗi SV có một bộ giáo trình dùng riêng miễn phí.
TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng ĐH FPT cho biết: Kinh nghiệm phát triển giáo dục ĐH của nhiều nước chỉ ra rằng, quốc tế hóa là việc bắt buộc phải làm với mọi trường ĐH có mong muốn đào tạo chất lượng cao vì đó là con đường nhanh nhất để tiếp cận giáo dục ĐH hiện đại. Trong giáo dục ĐH, quốc tế hóa gồm 3 nội dung chính: Trao đổi giáo trình, trao đổi giảng viên, trao đổi sinh viên (SV).
Sinh viên Đại học FPT học toàn bộ bằng giáo trình tiếng Anh. Ảnh: Nguyễn Nhung
ĐH FPT có Ban Phát triển chương trình do một Phó Hiệu trưởng phụ trách thực hiện việc nhập khẩu giáo trình, với 3 bước: Tìm hiểu môn học được các trường ĐH trong top 100 dùng giáo trình gì, có tài nguyên gì đi theo giáo trình, trên cơ sở đó chọn ra 3 - 5 bộ sách; Đặt mua mỗi giáo trình một bộ để xem xét chi tiết; Chọn một bộ giáo trình chính thức và đàm phán mua bản quyền hoặc nhập sách. "Chúng tôi nghĩ có được giáo trình tốt giúp giảng viên rất nhiều trong quá trình giảng dạy. Cái khó trong công việc của người giảng viên không chỉ là nắm bắt, truyền đạt nội dung giáo trình, mà là cung cấp được tri thức, kỹ năng môn học theo hướng cá biệt hóa tới từng SV" - ông Tùng cho biết.
Không chỉ ĐH FPT, hiện nay, ĐH Duy Tân và ĐH Văn Lang cũng nhập khẩu giáo trình. Nhiều ĐH ngoài công lập khác cũng nhập khẩu giáo trình theo từng bộ môn hoặc chương trình. PGS.TS Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng ĐH Phương Đông cũng ủng hộ việc nhập khẩu giáo trình: "Trong lúc chúng tôi đang phải đại trà các trường dân lập, không phải ngày một ngày hai có được giáo trình. Quá trình hình thành, chúng tôi mời thỉnh giảng thì việc nhập giáo trình vẫn rất tốt".
Nhập khẩu không có nghĩa là… copy
Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, giáo trình của các nước tiên tiến có sự cập nhật nên giúp các trường nhanh chóng nâng cao chất lượng đào tạo. Song cũng có ý kiến cho rằng, giáo trình là loại hàng hóa đặc biệt, phải có đủ trình độ mới có thể lựa chọn tốt, người dạy cũng phải có trình độ mới truyền đạt được nội dung.
GS.TS Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội đặt vấn đề: "Đằng sau các môn học về Kinh tế, Tài chính, Quản trị đang nở rộ là các học thuyết về kinh tế, phát triển. Đằng sau các môn học về xã hội và nhân văn là các quan điểm về triết học, chính trị, thang giá trị mang dấu ấn của tác giả và bên bán. Việc tiếp cận kiến thức mới là cần thiết, nhưng cần nghiên cứu tiếp thu nên thế nào mới có lợi?".
PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội cũng khẳng định, nhập khẩu chương trình về dạy y nguyên là không tốt, kể cả chương trình tiên tiến. "Mình là nước đang phát triển, còn đất nước người ta phát triển rồi nên mục tiêu đào tạo có khác nhau. Hơn nữa, ở các nước phát triển, đầu vào SV khác, có kỹ năng khác, thái độ học khác" - ông Sơn phân tích.
TS Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng còn lưu ý, giáo trình nhập khẩu phải thực sự phù hợp với SV và điều kiện Việt Nam. Ví dụ, giáo trình kinh tế ở các nước phương Tây có nhiều trường phái lý thuyết riêng, các trường được tự do lựa chọn chương trình và giáo trình đào tạo. Mình nhập khẩu, cũng phải có sự chọn lọc để phù hợp với điều kiện của đất nước. Cái quan trọng là sản phẩm đầu ra có được xã hội chấp nhận hay không. "Nếu không cẩn thận, cứ "sính ngoại" mà bê nguyên xi, không chú ý đến yếu tố khác thì không giải quyết được vấn đề. Giáo trình chỉ là một, người thầy phải có ngoại ngữ tốt, thường phải được đào tạo ở nước ngoài thì mới làm chủ được kiến thức trong giáo trình để giảng dạy cho SV" - ông Dũng nhấn mạnh.