Con đường sống của báo chí trong kỷ nguyên số

Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong suốt 99 năm qua, chưa bao giờ, nền Báo chí cách mạng Việt Nam lại đứng trước nhiều cơ hội song cũng phải đối mặt không ít thách thức gay gắt như hiện nay.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong bối cảnh phải tự chủ, báo chí vừa phải thực hiện chuyển đổi số theo xu thế tất yếu, vừa phải cạnh tranh với mạng xã hội, không ngừng vươn lên để chủ động dẫn dắt dư luận, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bên cạnh đó, với mối quan hệ cộng sinh, báo chí luôn xác định tâm thế đồng hành cùng doanh nghiệp trong công cuộc phát triển kinh tế, dựng xây đất nước.

Để báo chí sống được bằng sản phẩm của mình

Câu hỏi lớn đặt ra là báo chí phải đối diện thế nào với mạng xã hội, công nghệ truyền thông để đứng vững, khẳng định sức mạnh của mình? Thực tế, bên cạnh các cơ quan báo chí đã bước đầu đạt được hiệu quả tích cực, không ít cơ quan báo chí vẫn đang lúng túng trong việc chọn lựa cách thức tiếp cận và thực hiện ra sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của mình. Có những thời điểm nhiều cơ quan báo chí đã bị cuốn theo “đếm view” trên báo điện tử mà lại coi nhẹ nền tảng truyền thống, đó là báo in - loại hình cho đến nay vẫn là nguồn sống cơ bản của nhiều cơ quan báo chí.

Trong bối cảnh phải tự chủ, sai lầm lớn nhất của nhiều cơ quan báo chí là không thu phí nội dung báo điện tử ngay từ lúc đầu với hy vọng càng có nhiều view thì càng có nhiều quảng cáo, hợp đồng truyền thông. Cách đi thiếu tính chiến lược này đã sớm làm cho báo in bị sụt giảm nhanh chóng, nhiều nơi chỉ còn sống ngắc ngoải, trong khi báo điện tử cũng không thu phí được ở mức cần thiết bởi khoảng 80% thị phần quảng cáo trực tuyến rơi vào các nền tảng xuyên biên giới. “Miếng bánh” ít ỏi còn lại được chia cho các cơ quan báo chí.

Chính báo chí đang tạo ra một thực trạng không có lợi cho mình. Đó là không cần trả tiền vẫn được đọc báo, vẫn được tiếp cận với những sản phẩm báo chí. Lâu dần tạo thành thói quen trong xã hội là đọc báo miễn phí, dịch vụ truyền thông miễn phí.

Tiếp đó, báo chí tìm cách đưa sản phẩm của mình lên mạng xã hội. Công chúng không vào trang web của báo nữa. Phụ thuộc vào mạng xã hội, một lần nữa báo chí lại mất quyền chủ động của mình. Như vậy, báo chí không sống được bằng sản phẩm của mình, nhà báo không sống được bằng lao động chân chính của mình.

Trong thời đại truyền thông số, xu hướng báo chí đua nhau trong việc ai nhanh hơn không còn là lợi thế, mà lợi thế thuộc về ai bình luận hay hơn, phân tích sâu hơn, kiến giải tốt hơn, dự báo chuẩn xác hơn. Độ tin cậy và sức thuyết phục mới là con đường sống của báo chí.

Báo chí phải tập trung vào việc chọn lọc thông tin, phân tích, giải đáp và đưa ra dự báo tin cậy. Có người nói nếu nội dung là “Vua”, thì công nghệ là “Nữ hoàng”. Một tác phẩm báo chí xuất sắc về nội dung lại được truyền tải trên nền tảng công nghệ tiên tiến thì chắc chắc sẽ đạt hiệu quả cao. Từ đó, báo chí sẽ khẳng định được vị thế không thể thay thế của mình.

Vì thế, hơn bao giờ hết, các tòa soạn phải xây dựng được đội ngũ các nhà báo có trình độ chuyên sâu. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển lực lượng này, trong một chiến lược tổng thể, báo chí phải từng bước hướng đến thu phí nội dung cho các sản phẩm chất lượng cao. Như vậy, báo chí sẽ sống được bằng sản phẩm của mình.

Văn hóa, đạo đức báo chí không tách rời kinh tế báo chí

Luôn là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, đội ngũ người làm báo Việt Nam đã và đang phản ánh chân thực mọi mặt của đời sống xã hội; tham gia tích cực, có hiệu quả trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

Nghề báo một nghề đặc biệt, trong đó đạo đức là nền tảng, là cốt lõi của hoạt động báo chí. Nhưng chúng ta không tách rời việc xây dựng văn hóa báo chí, đạo đức làm nghề với kinh tế báo chí, tức là điều kiện cơ bản để các nhà báo làm nghề. Cần tạo một môi trường làm việc thuận lợi cho các cơ quan báo chí và cho các nhà báo tác nghiệp để ở đó nhà báo không bị quá vật lộn với vấn đề cơm áo gạo tiền, để nhà báo có thể làm nghề một cách tử tế, đàng hoàng.

Vấn đề cân đối thu chi, tự chủ tài chính gắn với vấn đề kinh tế báo chí. Các cơ quan hoạch định và điều hành chính sách cần nghiên cứu để có chính sách thuận lợi hơn, tạo những điều kiện tốt hơn để các nhà báo hoàn thành được trách nhiệm chính trị của mình. Làm sao để những cơ quan báo chí trực tiếp làm nhiệm vụ chính trị phải được cấp ngân sách ở mức độ phù hợp để thực hiện.

Còn nếu thu chi của báo chí được nhìn nhận một cách lạnh lùng hoàn toàn theo cơ chế thị trường, thì báo chí khó tránh khỏi bị thương mại hóa, không thể nào hoàn thành được nhiệm vụ chính trị của mình. Lợi nhuận lớn nhất của báo chí là cung cấp cho xã hội những thông tin chính xác, tin cậy, bổ ích, nhân lên sức mạnh từ sự đồng thuận xã hội vì mục đích chung chứ không phải là làm ra bao nhiêu tiền.

Kinh tế báo chí gắn liền với đặt hàng báo chí. Nếu làm tốt vấn đề này sẽ giải quyết được một phần khó khăn cho các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng khi thực hiện nhiệm vụ “đặt hàng” thì vai trò của báo chí trong việc phát hiện những tiêu cực, sai trái và phản ánh trên báo chí sẽ giảm đi. Vậy, đâu là “điểm cân bằng” để cơ quan báo chí vẫn làm tốt vấn đề đặt hàng, vừa thực hiện đúng chức năng của mình?

Báo chí được tin cậy và được đặt hàng, từ những nhiệm vụ lớn, thường xuyên đến những công việc, hoạt động cụ thể ở các mức độ khác nhau, nhưng báo chí không được quên trách nhiệm của mình là làm sao phải hài hòa được các lợi ích: lợi ích của Nhà nước, lợi ích của cộng đồng xã hội, lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của chính cơ quan báo chí. Không thể nhận tiền để quảng bá theo kiểu làm hàng, tô vẽ, bốc thơm, việc không tốt thì nói là tốt, dẫn đến sản phẩm báo chí đưa ra xã hội lại lừa dối xã hội, rất có hại.

Trong bối cảnh kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng và phát triển, mối quan hệ hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp ngày càng trở nên mật thiết và không thể tách rời. Báo chí giúp doanh nghiệp truyền tải thông tin, quảng bá thương hiệu, đặc điểm là kịp thời nắm bắt và phản ứng, chủ động, linh hoạt trước những thách thức và cơ hội với thị trường.

Báo chí cũng là kênh quan trọng và cần thiết, cung cấp thông tin để doanh nghiệp nắm được nhu cầu khách hàng, thông tin từ đối tác, sự phát triển của thị trường trong và ngoài nước, từ đó có những quyết sách phù hợp cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Cho nên tính khách quan, công tâm, chính trực, tôn trọng sự thật của người làm báo là vô cùng quan trọng. Một khi báo chí xem nhẹ, bỏ quên chức năng này thì báo chí, thay vì là một vũ khí sắc bén phục vụ lợi ích của xã hội, sẽ lại gây nên những tổn hại khôn lường đối với xã hội.

 

Người làm báo, dù trên một tờ báo chính thức hay trên mạng xã hội thì tư cách nhà báo cũng chỉ có một thôi. Đó là người cung cấp thông tin cho xã hội. Thông tin đó phải là nhanh, chính xác, trung thực, tin cậy. Đó là tính nhân văn cao cả của báo chí. Đó cũng chính là ý nghĩa sâu sắc của cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo hiện nay.