Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Còn hiện tượng không muốn thoát nghèo để hưởng trợ cấp

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Ở một số địa phương vẫn còn hiện tượng các xã miền núi không đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025, vì khi đạt chuẩn nông thôn mới không còn thuộc đối tượng xã đặc biệt khó khăn sẽ không còn được hưởng các chế độ an sinh xã hội.

Đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) phát biểu thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) phát biểu thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 30/10, tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, các đại biểu đã thảo luận về việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Người dân chưa yên tâm khi thoát nghèo

Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) đồng tình cao với báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đại biểu bày tỏ đồng tình cao với các nội dung quan trọng như cho phép kéo dài thời gian thực hiện giải ngân nguồn vốn ngân sách được phân bổ cho các chương trình mục tiêu quốc gia 2023 chưa giải ngân hết để tiếp tục thực hiện đến ngày 31/12/2024; đồng ý chủ trương thực hiện thí điểm khoán kinh phí 3 Chương trình mục tiêu quốc gia theo địa bàn cấp huyện, cân đối bố trí đủ ngân sách theo các Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương còn hiện tượng các xã miền núi không đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025 vì các xã miền núi cao thuộc vùng đặc biệt khó khăn khi đạt chuẩn nông thôn mới, không còn thuộc đối tượng xã đặc biệt khó khăn sẽ không còn được hưởng các chế độ an sinh xã hội như: bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức. Đây là vấn đề đáng lo ngại, cần được quan tâm xử lý sớm.

Các đại biểu tham dự phiên làm việc sáng 30/10 
Các đại biểu tham dự phiên làm việc sáng 30/10 

Phát biểu tranh luận, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) cho rằng, có những người dân chưa muốn thoát nghèo, nguyên nhân gốc rễ do cách làm và chất lượng của các chương trình chưa có sự bền vững. Do đó, người dân cảm thấy chưa yên tâm khi thoát nghèo, hết chương trình, hết dự án thì “nghèo lại hoàn nghèo”. Đại biểu đề nghị cần quan tâm đến cách làm và chất lượng của các chương trình, phải đảm bảo mang tính bền vững cao, đây mới là căn cơ.

Thoát nghèo phải bắt đầu từ ý chí vươn lên của người dân

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên) cho biết, giảm nghèo bền vững là một thách thức rất lớn. Một gia đình có thể nghèo đi rất nhanh chóng khi một thành viên lâm bệnh nan y. Ngược lại, cũng có nhiều cơ may giúp cho các hộ gia đình có thể thoát nghèo, điều quan trọng là ý chí vươn lên, tự lực cánh sinh để thoát nghèo, ứng phó với mọi hoàn cảnh có thể xảy đến. Sự hỗ trợ của cộng đồng, các chương trình, các chính sách của nhà nước chỉ có ý nghĩa khi các chủ thể chính có ý thức vươn lên.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên)
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên)

Thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp chỉ mong được tiếp tục trong diện hộ nghèo để tiếp tục được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ, ưu tiên giảm nghèo. Vì vậy, cần có sự thay đổi cơ bản về nhận thức để có được chuyển biến thực chất trong vấn đề này.

Theo đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, việc giải ngân cho công tác giảm nghèo được thực hiện ồ ạt, tuy nhiên hiệu quả chưa đảm bảo, nguồn lực chưa chắc đến được đúng đối tượng, khó để đo đếm hiệu quả của việc triển khai nguồn lực. "Tổng kết kinh nghiệm phát triển nông thôn tại Hàn Quốc, đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi nhận thức của các chủ thể tham gia chính là những người dân. Cùng với đó là việc giao quyền tự chủ cho chính người dân trong việc quyết định cách thức triển khai của từng chương trình, dự án cụ thể tại địa phương".

Đại biểu đề nghị cần đẩy mạnh truyền thông về giáo dục nghề nghiệp, việc giải ngân trong công tác truyền thông về các chương trình mục tiêu quốc gia cũng còn bất cập, cần khắc phục để tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân về thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia này.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định) cho rằng, nguyên nhân tái nghèo một phần đến từ thiết kế các chương trình giảm nghèo, trong đó có 7 dự án nhưng chưa có dự án cụ thể.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định)
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định)

Nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc sức khỏe người dân trong các địa bàn khó khăn, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho biết, qua thực tế giám sát cho thấy, có nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tái nghèo là gia đình có người ốm. Những bệnh phổ biến như tiểu đường, cao huyết áp… cần được quản lý và điều trị thường xuyên, nhưng nguồn lực cho y tế cơ sở còn hạn chế nên việc điều trị còn nhiều bất cập.

"Không có thuốc tốt để điều trị thường xuyên, không có phương tiện để chăm sóc, kiểm soát các biến chứng cũng như sơ cứu ban đầu. Chính vì vậy, tỉ lệ biến chứng gặp rất cao ở địa phương nghèo. Một người thân trong gia đình bị đột quỵ phải lên thành phố chữa bệnh là tất cả tiền dự trữ trong nhà đội nón ra đi; chưa kể phải vay mượn khắp nơi. Ra viện về nhà kèm theo tàn phế không còn khả năng lao động lại là một gánh nặng để gia đình phải chăm sóc…", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu phân tích.