KTÐT - Có một nghịch lý đang xảy ra, các hãng CNTT của Mỹ đang vô cùng “khát” nhân lực nhưng những người có chuyên môn như lập trình viên và kỹ sư khoa học máy tính lại có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất nước này.
Eric Firestone vừa bắt đầu làm việc cho một hãng công nghệ không mấy tên tuổi đang phát triển công nghệ biến nhưng chiếc điện thoại di động thành máy đọc thẻ tín dụng. Nhưng điều gì đã quyến rũ Firestone từ bỏ Apple để đến với một công ty nhỏ bé như thế này? Câu trả lời rất bất ngờ: Công ty đã đồng ý hàng tuần cung cấp cho Firestone những bài học về cách thức khởi nghiệp và những thủ thuật tìm kiếm các hãng đầu tư mạo hiểm chấp nhận rót vốn cho kế hoạch của anh.
Việc những kỹ sư máy tính có tài năng được các hãng công nghệ săn đuổi không hề mới ở Silicon Valley nhưng những tháng gần đây, những cuộc “đi săn” này trở nên vô cùng khó khăn khiến cho các hãng công nghệ phải áp dụng đủ mọi chiêu lạ để lôi kéo những tài năng mới. Cung cấp bữa ăn, xe đưa đón miễn phí hay các khoản cổ phiếu thưởng giờ đây đã trở nên quá lỗi thời và không còn hấp dẫn. Tại hãng chuyên phát triển game cho mạng xã hội, các nhân viên được cung cấp dịch vụ cắt tóc miễn phí, được mượn iPad để “nghịch” và thậm chí còn được phép mang chó cảnh đến nơi làm việc. Path – một trang web chia sẻ ảnh thậm chí còn phải chuyển trụ sở đến một nơi mới để các nhân viên được làm việc và ngắm cảnh vịnh San Francisco…
Tất nhiên, lương bổng vẫn là một vấn đề không thể bỏ qua. Hiện Google đang trả cho những nhân viên vừa tốt nghiệp ngành khoa học máy tính một mức lương khoảng 90.000 – 105.000 USD/năm, cao hơn 20.000 USD so với chính mức lương của họ cách đây vài tháng và cao hơn hẳn mức lương trung bình 80.000 USD của Silicon Valley.
“Bầu không khí ở đây đã trở nên vô cùng cạnh tranh. Việc tuyển dụng ở Silicon Valley ngày càng trở nên khó khăn”, Keith Rabois, Giám đốc điều hành của hãng Square cho biết. Nhiều lãnh đạo của các hãng công nghệ cũng thừa nhận, mặc dù nước Mỹ vẫn đang trong giai đoạn có tỷ lệ thất nghiệp cao nhưng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực CNTT lại đang khan hiếm một cách trầm trọng. Một phần nguyên nhân của sự khan hiếm này là việc các doanh nghiệp trẻ đang nở rộ như “nấm sau mưa”. Mới ra đời nhưng các hãng này lại không hề e dè trong việc đối đầu, cạnh tranh để thu hút những kỹ sư, lập trình viên hay chuyên gia thiết kế tốt nhất.
Nhưng cũng phải kể đến một hiện tượng rất mới: Rất nhiều những người có tài giờ đây không muốn đi làm thuê nữa và họ đều đang ấp ủ những hoài bão trở thành một Mark Zuckerberg (người sáng lập mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook) mới.
Nương theo trào lưu này, một số hãng công nghệ đã chấp nhận tuyển những nhân viên mà ngoài việc phải trả lương cao, họ còn phải tổ chức các khóa đào tạo về khởi sự doanh nghiệp và phải đồng ý để các nhân viên này ra đi bất cứ lúc nào dù biết rằng có thể họ sẽ ra đi để trở thành một đối thủ cạnh tranh của mình.
Redfin, một hãng môi giới bất động sản trực tuyến ở Seattle cho biết, mỗi tháng họ đều phải tổ chức 2 buổi gặp mặt trực tiếp cho các nhân viên của mình với các nhà đầu tư mạo hiểm đồng thời tổ chức các khóa học về quản trị doanh nghiệp.
Nhưng theo Cadir Lee, Giám đốc công nghệ của Zynga, bất chấp nhu cầu tuyển dụng rất cao, kỹ sư ngành khoa học máy tính và lập trình viên lại chính là nhóm có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất nước Mỹ (khoảng 5%) bởi chỉ có một số ít đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của CNTT thời kỳ mới.
Để phần nào khỏa lấp sự lệch pha này, các nhà tuyển dụng đã phải mở rộng phạm vi tìm kiếm. Họ chia nhau đi các trường đại học, tổ chức các chương trình định hướng nghề nghiệp cho các sinh viên vừa bắt đầu năm thứ nhất để họ tự điều chỉnh ngay từ đầu cho đúng với yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Có điều, đó chỉ là giải pháp dài hơi còn trước mắt, Silicon Valley sẽ vẫn phải… chịu khát.