Còn lãng phí lớn nguồn lực đất đai

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Để khai thác tối đa nguồn lực tài chính từ nhà đất thuộc sở hữu nhà nước, Bộ Tài chính vừa đưa ra các giải pháp khá quyết liệt như đẩy mạnh bán nhà nước; sắp xếp lại xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước; tách biệt quyền và trách nhiệm quản lý và sử dụng tài sản giữa cơ quan nhà nước với đơn vị sự nghiệp công lập...

Tâm lý chây ỳ, giữ đất

 

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, những năm qua, cơ chế chính sách sắp xếp lại nhà, đất và huy động nguồn lực từ đất tương đối đầy đủ, nhưng việc triển khai thực hiện còn chậm và mang tính hình thức, đối phó ở một số cơ quan, đơn vị.

Nhiều bộ, ngành đơn vị thậm chí có tâm lý chây ỳ, cố giữ đất. Tập đoàn Công nghiệp Tàu Thủy Việt Nam (Vinashin) bị đánh giá nắm tới 1.200ha chưa sử dụng song rất chậm trễ sắp xếp lại nhà, đất, không đề xuất bán để tạo nguồn.

Một số dự án chuyển mục đích sử dụng đất để kinh doanh bất động sản - không phải là ngành nghề kinh doanh chính của đơn vị. Bộ Tài chính cho rằng, để xử lý vấn đề này cần có cơ chế tạo đòn bẩy về kinh tế và chế tài mạnh mẽ hơn.

Chưa kiểm soát hết đối tượng quản lý, sử dụng nhà, đất

Trong Đề án Khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai vừa được Bộ Tài chính công bố mới đây, Bộ này nhận định nhiều doanh nghiệp chiếm giữ số lượng nhà, đất lớn. Riêng ở TPHồ Chí Minh, doanh nghiệp cổ phần hóa của TCT Lương thực Miền Nam quản lý 50 địa chỉ nhà, đất; doanh nghiệp cổ phần của Tập đoàn Dệt may Việt Nam quản lý 35 địa chỉ nhà, đất; doanh nghiệp cổ phần hóa Tổng công ty Xi măng quản lý 11 địa chỉ nhà, đất... Với đất đai của một số doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa, nhà nước chưa kiểm soát được hết, thậm chí không thu được tiền thuế sử dụng đất.

Mang nặng tính bao cấp về đất đai

Theo Bộ Tài chính, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đang quản lý, sử dụng tới 1,5 tỷ m2 diện tích nhà, đất. Hiện tại, các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn sử dụng đất dưới hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất, mang nặng tính bao cấp về đất đai. Trong khi đó cơ chế quản lý đã cho phép các đơn vị này tự chủ tài chính được Nhà nước giao tài sản như giao vốn cho doanh nghiệp và được sử dụng nhà, đất vào mục đích cho thuê, sản xuất kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết.

Nhưng cơ chế này chưa đủ mạnh và khá chồng chéo nên khó thực hiện. Ví dụ như một tài sản nhà, đất có thể sử dụng vào nhiều mục đích vừa cung cấp dịch vụ công cho nhà nước, vừa cho thuê, vừa kinh doanh dịch vụ. Đối với phần cung cấp dịch vụ công cho nhà nước thì không trích khấu hao, không phải trả tiền thuê đất nhưng đối với phần kinh doanh, dịch vụ, cho thuê... thì phải tính khấu hao và trả tiền thuê. Hầu hết các đơn vị đều cho rằng rất khó xác định, hạch toán và thực hiện trong trường hợp này. Chính vì vậy, Nhà nước chưa thu được tiền thuê đất đối với diện tích đất đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng vào mục đích cho thuê, kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết.

Đất TCT, Tập đoàn: Nguyên nhân gây sốt nhà đất?

Thời gian gần đây, nhiệm vụ, tổ chức và phương thức SXKD của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước có nhiều thay đổi, song việc chuyển đổi công năng của tài sản trên đất và mục đích sử dụng đất không theo kịp dẫn đến hiệu quả khai thác quỹ đất thấp, thậm chí bị lợi dụng vào các mục đích khác. Mới đây, Bộ Tài chính đã yêu cầu Tổng công ty Lương thực Miền Nam giữ lại 30% mặt bằng để sản xuất kinh doanh, 4% chuyển mục đích sử dụng và bán chuyển nhượng, còn lại Nhà nước thu hồi. Tập đoàn Vinashin cũng bị thu hồi 1 mặt bằng và chuyển mục đích sử dụng đất 2 mặt bằng tại TP HCM.

Bộ Tài chính nhận định, do chính sách cho thuê đất thời kỳ trước đây nghiêng về ưu đãi sản xuất, không theo thị trường nên không thúc đẩy sử dụng đất tiết kiệm. Nhiều đơn vị được giao quản lý đã cho thuê lại đất để hưởng chênh lệch mà đáng ra nguồn lực này phải được bổ sung vào ngân sách nhà nước.

Khi thực hiện đổi mới, hình thành nên các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước lớn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực vô hình chung lại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào bất động sản rất nhiều. Bởi thời điểm này, các quy định quản lý, thu tiền thuế đất chưa được thực hiện chặt chẽ khiến nhiều đơn vị thu lợi lớn từ đầu tư bất động sản với lợi thế đất đai tự có. Chính điều này góp phần tạo ra sự phát triển quá nóng cho thị trường bất động sản. Đến nay, khi chính sách thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã có sự thay đổi, quan hệ cung cầu trên thị trường bất động sản thay đổi thì sẽ có thể dẫn đến sự đổ vỡ, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

 
Với các phương án đề xuất, Bộ Tài chính dự báo sẽ thu được gần 1,5 nghìn tỷ đồng từ việc cho thuê đất đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính. Số thu từ sắp xếp lại nhà, đất của cả các tập đoàn, TCT NN là 100 ngàn tỷ đồng.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần