Tuy nhiên, hiện quá trình quy hoạch đô thị, phát triển nhà ở, tỷ lệ công trình đạt tiêu chuẩn xanh ở Việt Nam còn rất thấp.
Thách thức về gia tăng dân số
Dân số ở đô thị lớn của Việt Nam có tỷ lệ tăng trung bình cao hơn thế giới. Quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, liên quan trực tiếp đến phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Diện tích đất đô thị tăng từ 630km2 vào năm 1998 lên mức hơn 41.700km2 hiện nay, dân số đô thị chiếm khoảng 42%, kết quả là không gian đô thị được mở rộng một cách mạnh mẽ trên khắp cả nước.
Chính phủ mong muốn đất nước phát triển theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đô thị phát triển theo hướng đô thị thông minh, các công trình xây dựng phải bảo đảm được tiêu chí xanh để phát triển bền vững.
Nhưng thực tế hiện nay công trình xây dựng hiện hữu, con người ở các đô thị đang ngày bị nén lại. Vì thế để đạt được hiệu quả tối ưu, còn rất nhiều điều phải làm và phải phối hợp tổng thể của nhiều giải pháp.
Có được tầm nhìn về đô thị thông minh, gắn với phát triển công trình xây dựng xanh, sẽ giúp Việt Nam có được những định hướng đúng đắn trong quá trình xây dựng, phát triển. Nhưng trong quá trình này Việt Nam cần cụ thể hóa từng giai đoạn, qua đó chỉ rõ những vấn đề cần giải quyết, phù hợp với nguồn lực hiện tại.
Thực tế cho thấy, muốn hướng đến xây dựng các đô thị xanh, thông minh thì cần phải giải quyết vấn đề cơ bản như: xây dựng hệ thống quản lý, quy hoạch, phát triển đô thị bền vững; kiểm soát môi trường và năng lượng… Chỉ ra được vấn đề cần thiết phải làm, trong đó hơn hết là yếu tố thiết kế, quản lý quy hoạch phải được đặt lên hàng đầu.
Thời gian qua, nhiều quốc gia trên thế giới đang tập trung nghiên cứu những hình thái đô thị mới, phát triển đô thị sinh thái, đô thị xanh và đặc biệt theo hướng đô thị thông minh, mà ở đó các tập đoàn công nghệ, tài chính sẽ phối hợp sức mạnh của mình để cùng đầu tư phát triển. Nhưng ở Việt Nam, quá trình này vẫn còn nhiều hạn chế.
Nguyên nhân số lượng công trình xanh đạt mức thấp là do chi phí đầu tư cao và những đòi hỏi nghiêm ngặt về việc thiết kế, thi công cũng như cách sử dụng vật liệu, năng lượng tại công trình đó.
Tuy nhiên, theo đánh giá, việc phát triển các đô thị thông minh và công trình kiến trúc xanh được xem là xu hướng tất yếu của thời đại, trong bối cảnh thách thức về biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động mạnh mẽ đến Việt Nam. Cùng với đó là yêu cầu ngày càng cao của cuộc sống hiện đại, người dân không ngần ngại bỏ ra số tiền lớn để có không gian sống an toàn, thông minh, bảo đảm sức khỏe...
Nhưng vấn đề làm sao để xây dựng được những đô thị thông minh, dự án nhà ở thông minh, thiết kế xanh? Không gì khác, đó chính là giải pháp từ cách mạng công nghệ mà con người là chủ thể quyết định thành công.
Chú trọng đào tạo về con người
Trong tương lai, các phương tiện giao thông sẽ chạy bằng điện, hoàn toàn tự lái; thiết bị giao thông sẽ tự liên lạc với trung tâm điều khiển thông qua nền tảng công nghệ. Ngoài ra, phương tiện giao thông trong nền kinh tế tri thức còn có khả năng chia sẻ làm giảm thiểu phương tiện lưu thông, tiết kiệm năng lượng.
Năng lượng phát ra điện sẽ ưu tiên và dùng hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Năng lượng hóa thạch khí đốt sinh ra khí thải sẽ được thay thế hoàn toàn bằng năng lượng sạch.
Các ngôi nhà, tòa nhà sẽ dùng vật liệu che ngoài bằng hệ thống pin mặt trời, thu năng lượng dùng cho chính ngôi nhà của mình. Đối với rác thải - môi trường, các sensor cảm biến gắn với thùng rác thải, thông báo cho người dùng khi nào rác thải đầy để có thể thu gom, từ đó ô tô thu gom rác thải không người lái sẽ tự liên hệ đến thùng rác thải, đi thu gom và đưa về nơi xử lý...
Trên cơ sở đó, những thiết kế quy hoạch đô thị hay quy hoạch các dự án đô thị thành phần, công trình xây dựng, dự án nhà ở... ngày nay rất cần truyền tải các ý tưởng về một đô thị thông minh, đáp ứng tiêu chí xanh ngay từ khi mới bắt đầu. Vì vậy, vấn đề cấp thiết nhất là cần phải đào tạo đội ngũ kiến trúc sư có khả năng nắm bắt công nghệ.
Từ đó, họ sẽ tham gia đề xuất, thiết kế quy hoạch, triển khai thi công xây dựng trên nền tảng của công nghệ thời đại và tương lai. Các kiến trúc sư chính là người kiến tạo nên một TP - đô thị tương lai, trong đó chính là hệ thống những công trình xanh, dự án nhà ở đáp ứng tiêu chí xanh, bền vững.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, con người là chủ thể quyết định sự thành công khi phát triển đô thị xanh, thông minh và cũng là người thụ hưởng trực tiếp những tiện ích đó. Con người là chủ thể, công nghệ đóng vai trò hỗ trợ sao cho hiệu quả cao nhất. Chính vì vậy, vấn đề công nghệ và con người là một trong những yếu tố cơ bản giúp giải quyết tốt mục tiêu phát triển đô thị theo hướng hiện đại hóa, thông minh, bền vững.
Ngoài việc nâng cao khả năng nhận thức của người dân, những người làm công tác đô thị cũng cần phải có tầm nhìn mang tính định hướng cũng như chiến lược trong công tác thiết kế quy hoạch xây dựng. Dù là điểm bắt đầu, song nếu chúng ta có sự chuẩn bị tốt thì mới có khả năng xây dựng thành công các bước tiếp theo cho những đô thị thực sự xanh - thông minh, những đô thị tương lai đáng sống.