Còn nhiều điều trẻ em muốn nói

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù Tháng hành động vì trẻ em đã kết thúc, nhưng trong Diễn đàn trẻ em TP Hà Nội năm 2015 diễn ra mới đây cho thấy, có nhiều việc mà lãnh đạo TP, các sở, ngành rất nên làm để quyền của trẻ em được thực hiện đầy đủ.

Những mong muốn thiết thực

Không khí tại Diễn đàn trẻ em TP Hà Nội vào cuối tháng 6 rất sôi nổi khi các em được thể hiện ý kiến, nguyện vọng của mình. Vấn đề thiếu sân chơi được các em bàn luận khá nhiều, do không có sân chơi nên nhiều em phải chơi dưới lòng đường, vì không có bể bơi phù hợp nên các em phải bơi ở ao hồ là một nguyên nhân dẫn đến những tai nạn thương tâm. Hiện đang là kỳ nghỉ hè, nhưng nhiều bạn không có những ngày nghỉ đúng nghĩa. Thậm chí bố mẹ lại đăng ký cho các bạn đi học thêm về văn hóa, tham gia những khóa học kỹ năng, cho nên nghỉ hè cũng như học chính khóa. Thời gian các em được vui chơi, được về quê, dành cho sở thích cá nhân không còn. Nhiều em cảm thấy bị áp lực học hành đè nặng quanh năm. Từ suy nghĩ này, Nguyễn Phương Linh đến từ quận Ba Đình muốn hỏi biện pháp tích cực để giảm thiểu áp lực về học hành?
Các em học sinh chia sẻ và đặt câu hỏi cho đại diện các sở, ngành của Thành phố.
Các em học sinh chia sẻ và đặt câu hỏi cho đại diện các sở, ngành của Thành phố.
Nhiều bạn nhỏ rất lo sợ tình trạng bạo lực học đường xảy ra nhiều hơn, nhất là tổ chức thành nhóm đánh bạn, quay video clip rồi đưa lên internet. Không muốn học trong môi trường như thế nên Nguyễn Khải Hoàn đến từ huyện Ứng Hòa muốn các bác lãnh đạo đưa ra giải pháp ngăn chặn để các em được học trong môi trường giáo dục tốt. Và, còn rất nhiều bạn khác muốn được tạo điều kiện để phát huy năng khiếu của mình; muốn lãnh đạo TP quan tâm hơn đến các bạn có hoàn cảnh đặc biệt. Lại có những bạn đến từ Làng trẻ em Berla muốn được tư vấn cách để không bị kỳ thị, phân biệt đối xử; các bạn Làng trẻ em SOS Hà Nội muốn những người đang ở tuổi trưởng thành nên có suy nghĩ trước khi quyết định sinh con. Nếu lỡ có con thì phải có trách nhiệm nuôi dạy để đảm bảo cho các bé có quyền được sống và phát triển, thay vì bỏ rơi các em ở ngoài đường.

Lắng nghe, hoạch định chính sách

Trước câu hỏi về sân chơi trên địa bàn các quận, huyện, đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, TP đã có chủ trương quy hoạch các điểm công cộng ở xã, phường, quận, huyện và TP. Tuy nhiên, đầu tư vào sân chơi cho người dân phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, cần có thời gian và lộ trình, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân.

Giải đáp về quá tải học hành khiến các em không có thời gian nghỉ hè cũng như trang bị các kỹ năng sống, một đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định các em có trọn vẹn 2 tháng nghỉ hè (trừ các em học sinh lớp 12). Sở không chỉ đạo dạy thêm, học thêm. Thời gian nghỉ hè, các em về địa phương tham gia sinh hoạt hè, các hoạt động kỹ năng sống… Sở đã chỉ đạo các trường thay đổi phương pháp dạy học để học sinh là trung tâm, giáo viên là vệ tinh hỗ trợ các em. Đặc biệt, bậc tiểu học không chấm điểm mà đánh giá theo từng mặt để rèn luyện tất cả các kỹ năng. Phương pháp học tập tích hợp với thực tiễn được chú trọng hơn, cho nên học văn hóa chỉ là một phần trong chương trình của ngành GD&ĐT.

Nhận xét về những tâm tư, nguyện vọng cũng như các câu hỏi của trẻ em đặt ra với lãnh đạo sở, ngành, ông Đặng Văn Bất - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội cho hay: “Các câu hỏi của các em đưa ra rất đúng với tình hình thực tế ở địa phương, gia đình và nhu cầu của  trẻ em. Các câu hỏi đã được các đồng chí lãnh đạo của các ngành TP trả lời. Có câu hỏi được trả lời đầy đủ, có câu hỏi được trả lời chưa thỏa mãn”. Tuy nhiên, những câu hỏi của các em đều là những thông điệp quan trọng, đòi hỏi các ngành, các cấp lắng nghe, tiếp thu, giải thích. Để rồi sau đó có sự phối hợp, tham mưu, tổ chức thực hiện và giúp cơ quan chức năng hoạch định các chính sách để đáp ứng nhu cầu của trẻ em.
Diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói” là sự kiện nổi bật, quan trọng thực  hiện quyền tham gia của các em. Cho nên tôi nghĩ, các đồng chí lãnh đạo UBND TP, các sở, ban, ngành quan tâm đến hoạt động này. Đó là cơ hội không chỉ nghe ý kiến của trẻ em mà đôi khi còn đối thoại, gợi mở cho các em nói nguyện vọng ý kiến.
Ông Đặng Hoa Nam Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTB&XH