Con số ảo hay việc làm giảm?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, trong một tuần của tháng 9, có tới trên gần 500 lao động tới làm thủ tục đăng ký thất nghiệp, 360 người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Điều này đã nâng số người đăng ký BHTN từ đầu năm đến nay lên 10.5000 người, trong khi cả năm 2010 chỉ có 4.192 người đăng ký.

 

Đăng ký BHTN tăng bất thường

 

Sau khi chính sách BHTN bắt đầu có hiệu lực, số người tham gia tăng qua các năm. Nếu năm 2009, có 5,9 triệu người tham gia BHTN, đưa tổng số thu là 3.510 tỉ đồng, thì năm 2010 tăng lên 7,05 triệu người, đưa tổng số thu khoảng 4.800 tỉ đồng. Thống kê của ngành bảo hiểm, chỉ nửa năm 2011, đã có 7,4 triệu người tham gia BHTN. Còn theo con số thống kê của Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH), từ đầu năm đến nay, số lao động đến đăng ký thất nghiệp tại các trung tâm giới thiệu việc làm là gần 150.000 người, bằng 130% cùng kỳ năm trước. 

 

Ông Vũ Trung Chính, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết, chưa bao giờ xảy ra tình trạng quá tải làm thủ tục BHTN như thời gian gần đây. Lượng người xin trợ cấp thất nghiệp tăng đột biến. Cao điểm có ngày lên tới vài trăm người đến trình báo tình trạng việc làm. Dự báo, từ nay đến cuối năm, lượng người đăng ký sẽ tiếp tục tăng. Ngoài 2.000 người của Hanosimex, còn có hơn 100 hồ sơ của Công ty Cơ khí Hà Nội và rất nhiều công nhân các khu công nghiệp đang chờ đăng ký.

 

Ngoài nguyên nhân do tác động của khủng hoảng kinh tế, lạm phát khiến các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động và việc di chuyển các nhà máy, xí nghiệp ra ngoại thành, lao động xin chấm dứt hợp đồng… còn có tình trạng một số lao động không đóng bảo hiểm thường xuyên, nhưng khi mất việc cũng đến đăng ký. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một nguyên nhân khác cũng cần quan tâm đó là hiện tượng "thất nghiệp ảo". Theo ước tính của Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, khoảng 10% số lượng người đăng ký thuộc diện này.

 

Lo ngại nguy cơ "ảo"

 

Trước hiện tượng này, ông Điều Bá Được, Trưởng ban Chính sách thực hiện bảo hiểm (BHXH Việt Nam) cho rằng, cần phải xem xét và nghiên cứu. Bởi dẫu nhiều doanh nghiệp không thể duy trì được công ăn việc làm dẫn đến lượng người lao động đăng ký BHTN có xu hướng gia tăng, nhưng vẫn có tính ổn định tương đối cao.

 

Qua phân tích, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra vấn đề là, cả chủ sử dụng lao động và người lao động đều có lợi từ chính sách BHTN. Bởi theo qui định, DN và người lao động chỉ phải trích 1% tiền lương, tiền công để đóng. Nếu người lao động có mức lương 2 triệu đồng/tháng khi đóng BHTN chỉ mất 240.000 đồng/năm, doanh nghiệp đóng 240.000 đồng/năm. Trong khi đó, nếu người lao động mất việc, nghỉ việc, DN không phải trả trợ cấp nửa tháng lương/năm (1 triệu đồng) và người lao động lại được nhận trợ cấp thất nghiệp 3 tháng nhân với 60% lương (3,6 triệu đồng). Chưa kể, có trường hợp người lao động và DN thỏa thuận với nhau ra quyết định nghỉ việc cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng trên thực tế vẫn làm việc, hưởng lương. Chính vì những kẽ hở này mà thời gian qua, không ít lao động xin nghỉ việc "ảo" để được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

 

Bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, hiện tượng thất nghiệp ảo là do trường hợp người lao động chấm dứt việc làm ở DN này, sau đó lại trở lại chính DN đó làm việc hoặc ký hợp đồng với DN khác, nhưng không thông báo, nên vẫn được thanh toán BHTN. Trong khi thực tế, các DN phá sản thường nợ đọng BHHX, BHTN, nên chính những lao động trong các DN thực sự thất nghiệp lại không được hưởng chính sách do không đủ hồ sơ, còn những đối tượng khác lại lạm dụng được chính sách. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại. Nếu không quản lý tốt sẽ dẫn tới những kẽ hở.