Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Còn tồn đọng nhiều án treo, án oan sai

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Quá nhiều án treo đối với loại tội phạm kinh tế và tham nhũng cũng như việc để lọt tội phạm, xử oan người vô tội… là những vấn đề làm "nóng" phiên chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (VKSNDTC) Nguyễn Hòa Bình sáng qua.

Còn tồn đọng nhiều án treo, án oan sai - Ảnh 1
Giảm án treo, cách nào?
 
Trả lời các ĐB về việc tại sao còn để xảy ra quá nhiều án treo đối với loại tội phạm kinh tế và tham nhũng, Viện trưởng VKSNDTC thừa nhận, án tham nhũng phức tạp mà việc xét xử có mức độ, án treo nhiều cũng là một câu hỏi Quốc hội đặt ra cho ngành tư pháp trong Nghị quyết 37. 
 
Nêu con số thống kê, ông Bình cho biết, đến thời điểm này, tỷ lệ án treo trong nhóm tội về kinh tế, tham nhũng ở mức 30,8%, cao hơn các loại án khác khi mức trung bình trong các nhóm này chỉ 21%. Tuy nhiên, với án kinh tế, chính sách hình sự là chú trọng giải quyết hậu quả kinh tế. Dó đó, hình phạt tù không phải là mục tiêu chính, khi mà hậu quả về kinh tế đã được giải quyết hoặc có phương án khả thi để giải quyết.
 
Trả lời chất vấn của ĐB Đào Thị Xuân Lan (đoàn Hưng Yên) về tiến độ xử lý chậm các vụ án điểm về kinh tế hiện nay, ông Nguyễn Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho rằng, có nguyên nhân từ việc phát hiện chậm, xảy ra từ nhiều năm, quá trình giám định thiệt hại về vật chất, công trình xây dựng lâu, phức tạp, thủ đoạn đối phó của các đối tượng phạm tội lại tinh vi... Do đó, cần thay đổi các quy định về giám định, tránh kéo dài thời gian, công tác phối hợp liên ngành tốt hơn nhằm khắc phục tình trạng này.
 
Chất lượng tranh tụng có vấn đề
 
Liên quan đến chất lượng tranh tụng, nhiều ĐB cho rằng vẫn còn  yếu kém, mang nặng tính hình thức, Viện trưởng VKSNDTC giải thích: "Do mới tiếp cận nên trình độ của anh em, đặc biệt là ở cơ sở còn yếu cho nên tranh tụng còn chưa sắc sảo. Đây cũng là yêu cầu của cải cách tư pháp nâng cao chất lượng toàn ngành". Một giải pháp có vai trò quan trọng để nâng cao chất lượng tranh tụng theo Viện trưởng là phải gắn công tố với điều tra, càng gắn chặt, chất lượng càng tốt. 
 
Trước câu hỏi của ĐB Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) về mục tiêu nâng chất lượng nguồn nhân lực, Viện trưởng VKSNDTC đã đưa ra rất nhiều biện pháp được coi là triệt để. Trước mắt, ngành đã đề nghị và được UBTV Quốc hội cho phép tăng biên chế ngành. Còn về đào tạo, tăng cường đào tạo trong nước, đồng thời liên kết với cơ sở nước ngoài để có lực lượng chất lượng cao. 
 
 

Trả lời về việc Luật Thi hành án hình sự với quy định tử hình bằng tiêm thuốc độc có hiệu lực đã 2 năm mà đến nay vẫn chưa được thực hiện, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết, khó khăn nhất hiện nay là không có thuốc độc để thi hành. Để gỡ điểm mắc này, Bộ Công an và Bộ Y tế đã phối hợp, kiến nghị thay đổi các loại thuốc độc dùng để tiêm bằng nguồn thuốc trong nước. Vì vậy sau ngày 27/6/2013, việc thi hành án đối với số án tử hình đang tồn đọng này sẽ được tiến hành.