Nguồn tin của Dân trí cho biết, ông Vũ Quang Hải đã có ý định xin rút khỏi vị trí thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Ông Hải hiện là thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc Sabeco.
Ông Hải hiện còn kiêm phụ trách kế hoạch sản xuất, văn phòng và marketing tại Sabeco. Hồi tháng 6 vừa qua, sau khi Trưởng ban Marketing nghỉ hưu, ông Hải được giao tạm thời kiêm nhiệm vị trí này chờ bổ nhiệm người mới.
Trao đổi sáng nay (25/12), ông Vũ Quang Hải xác nhận thông tin trên và cho biết đã nộp đơn xin rút khỏi Hội đồng quản trị Sabeco từ ngày 21/12/2016.
Nói về lý do tại sao rút lui trong thời điểm này, ông Hải cho hay: “Tôi có ý định rút từ trước và đến thời điểm này, kế hoạch năm 2016 của Sabeco đã hoàn thành, các công việc cần làm thuộc trách nhiệm của tôi cũng đã xong”.
Nguồn tin của Dân trí từ Bộ Công Thương cũng xác nhận thông tin việc ông Hải sẽ rút khỏi Hội đồng quản trị Sabeco là đúng. Tuy nhiên, thông tin từ Bộ Công Thương lại cho biết, ông Hải đã có đơn xin rút khỏi Hội đồng quản trị và chỉ còn chờ Bộ Công Thương và Ban lãnh đạo Sabeco ra quyết định phê duyệt.
Một nguồn tin khác của Dân trí từ Sabeco cũng cho biết, thông tin việc ông Vũ Quang Hải rút khỏi Sabeco được đưa ra từ thứ 6 tuần trước. Nguồn tin này còn cho biết, một Phó tổng giám đốc của Sabeco -ông Nguyễn Thành Nam được giới thiệu để thay vị trí ông Hải tại Hội đồng quản trị để giữ nguyên số người đại diện sở hữu vốn nhà nước tại Sabeco là 4 người.
Như đã đưa tin, các quyết định bổ nhiệm đối với ông Vũ Quang Hải, con trai cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đang gây thắc mắc trong dư luận trong thời gian gần đây.
Năm 25 tuổi, ông Hải giữ cương vị Tổng giám đốc PVFI, sau đó, ông Hải được điều chuyển về Bộ Công Thương, tiếp tục được bổ nhiệm hàm Phó Vụ trưởng trước khi về Sabeco làm Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Sabeco.
Trao đổi với báo chí về vụ việc trên, cả nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nguyên Chủ tịch Sabeco Phan Đăng Tuất và ông Vũ Quang Hải đều từng khẳng định việc bổ nhiệm hoàn toàn “đúng quy trình” và không có chuyện “bố bổ nhiệm con”.
Trong một văn bản trả lời VAFI hồi giữa tháng 8, Bộ Công Thương cho biết, “việc cử và giới thiệu ông Vũ Quang Hải làm người đại diện phần vốn, Ủy viên HĐQT và Tổng giám đốc PVFI là đúng quy định tại Quy chế quản lý người đại diện của PVFC”. Quá trình bổ nhiệm ông Hải tại Sabeco cũng được Bộ Công Thương nhận định là "đúng quy trình, thủ tục".
Tuy nhiên, bộ này cũng thừa nhận: “Qua rà soát, Bộ Công Thương nhận thấy quá trình tuyển dụng và bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải làm KSV còn có sai sót”. Đồng thời cho biết, đang tiếp tục kiểm tra, đánh giá để có những biện pháp xử lý phù hợp với các quy định pháp luật.
Theo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương công bố chiều 24/10, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 đã vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Doanh nghiệp trong việc bổ nhiệm đồng chí Vũ Quang Hải (con trai Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng) làm kiểm soát viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; điều động, đề cử tham gia HĐQT và giữ chức Phó Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng bị đánh giá là đã thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm và điều động con trai làm kiểm soát viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; tham gia HĐQT và giữ chức Phó Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Trao đổi với PV, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng cho rằng: "Tôi nói bao nhiêu lần, đừng có nói quy trình nữa. Quy trình chỉ là công cụ, chứ không phải là mục tiêu, mục đích chứ không phải cứ lôi quy trình ra để thực hiện. Quy trình đặt ra là để tìm được những con người như thế mà nếu chưa tìm được thì phải làm lại quy trình. Bây giờ phải tìm người tốt nhất, có tâm và tầm chứ không phải tìm người theo quy trình".
“Ông Vũ Quang Hải nên rút khỏi sabeco” đây không phải là chuyện hình sự. Đây là lòng tin, là lòng tự trọng", ông Cung đã từng nói.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Nhà nước nắm giữ 80% vốn điều lệ, các cổ đông nhỏ chỉ 20%. "Nhưng tiền này không phải vỏ hến và 20% vốn của họ phải có tiếng nói và phải có thành viên trong HĐQT. Chính vì thế, đầu tiên là phải tuyển người là phải tuyển người giỏi nhất, không phải cơ quan Nhà nước nên không giới hạn trong công chức, viên chức mà thuê ai cũng được. Miễn sao họ đáp ứng được tiêu chí của Sabeco đưa ra", ông cho biết.
Cũng theo TS Nguyễn Đình Cung, "việc vin cớ xin người và nói là đúng quy trình là sai, bởi như vậy anh đã làm không vì lợi ích tối đa của cổ đông. Vì mục tiêu của doanh nghiệp thì anh phải chọn người tốt nhất, minh bạch nhất có những tiêu chuẩn đưa ra công khai chứ không phải đi xin ai cả".
Trao đổi với phóng viên Dân Trí về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) quả quyết, đương nhiên khi các quyết định, các văn bản bổ nhiệm đối với Vũ Quang Hải được cho là trái luật, sai quy trình thì không còn có giá trị. Thậm chí, như VAFI đã nhiều lần nhấn mạnh, "nếu căn cứ Luật Doanh nghiệp thì Vũ Quang Hải chưa bao giờ là Thành viên HĐQT Sabeco".
"Nếu là một người lịch sự và tự trọng thì Vũ Quang Hải nên viết đơn thôi việc chứ không nên chờ đến khi có quyết định từ phía Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương", Phó Chủ tịch VAFI nói.