Công an quận Hoàng Mai phát hiện thu giữ 145 bộ kit test Covid-19 không chứng từ chứng minh nguồn gốc. |
Liên tiếp phát hiện kit test nhanh Covid-19 trôi nổi
Ngày 26/8, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết đang tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng, xác minh vụ việc và xử lý đối tượng Trần Thị Ngọt (SN 1996, trú tại tổ 6, thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) có hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để hoạt động mua bán các bộ kit test nhanh Covid-19.
Theo đó, qua nguồn tin trinh sát, Công an quận Hoàng Mai nhận được thông tin thời gian gần đây trên địa bàn quận Hoàng Mai có một số đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để hoạt động mua bán các bộ kit test nhanh Covid, được quảng cáo là hàng xuất xứ từ các nước Đức, Pháp, Hàn Quốc... tuy nhiên, các kit test trên chủ yếu là hàng trôi nổi, xách tay chưa được phép lưu hành tại Việt Nam.
Cơ quan điều tra xác định đây là hành vi vi phạm mới, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Công an quận Hoàng Mai, đã giao Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về Kinh tế và chức vụ chủ trì, phối hợp với đơn vị chức năng tập trung các biện pháp nghiệp vụ, rà soát, dựng đối tượng, phương thức, thủ đoạn giao dịch mua bán và khu vực hoạt động để kịp thời ngăn chặn, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về Kinh tế và chức vụ xác định tại địa bàn phường Định Công có 1 đối tượng hoạt động kinh doanh bộ kit test nhanh Covid-19 nên đã báo cáo Trưởng Công an quận Hoàng Mai xây dựng kế hoạch bắt giữ, xử lý. Đến khoảng 10 giờ 30 phút ngày 25/8, tại địa chỉ số 39, ngách 15 ngõ 112 phố Định Công Thượng, phường Định Công, quận Hoàng Mai (Hà Nội), Công an quận Hoàng Mai phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 15 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện, đối tượng Trần Thị Ngọt đang tập kết, kinh doanh 2 thùng carton.
Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra, bên trong có 145 bộ kit test nhanh Covid-19 ngoài vỏ ghi nhãn Nasocheck comfort Sars-Covid-2 và Rapid SARS-CoV-2 do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Tổng số hàng hóa trị giá 17,4 triệu đồng.
Tại cơ quan công an, Trần Thị Ngọt khai nhận đã mua số kit test nhanh Covid-19 của người không quen biết qua mạng xã hội, với giá 120.000 đồng/bộ, mục đích để bán lại kiếm lời với giá 170.000 đồng/bộ. Tuy nhiên, khi chưa kịp bán ra thị trường đã bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ.
Theo lãnh đạo Công an quận Hoàng Mai, vụ việc hiện đang được đơn vị tiếp tục phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 15, xác minh mở rộng vụ việc và xử lý nghiêm theo quy định.
Trước đó, hồi 16 giờ ngày 11/8, Công an quận Hoàng Mai phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 15, kiểm tra địa điểm kinh doanh tại địa chỉ số 12 Mai Động, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, do N.K.H (sinh năm 1980, hộ khẩu thường trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) làm chủ, phát hiện 117 bộ kit test nhanh Covid-19, nhãn hiệu Realy Tech, do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ.
Quá trình làm việc với cơ quan Công an, N.K.H khai nhận đã mua số kit test nhanh Covid-19 trên của một người không quen biết qua mạng xã hội với giá 120.000đ/bộ; mục đích là để bán lại kiếm lời với giá từ 150.000đ - 160.000đ/bộ. Tổng giá trị hàng hoá khoảng 15 triệu đồng.
Nguy cơ mất an toàn
Trong diễn biến khác, tại địa bàn quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), vào ngày 3/8, Công an quận này đã phát hiện, thu giữ gần 1.000 bộ test nhanh virus SARS-CoV-2 nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ tại phường Xuân Đỉnh.
Lãnh đạo Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, qua công tác thanh tra kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự và thực hiện công tác phòng chống dịch, Đội Cảnh sát Kinh tế Công an quận Bắc Từ Liêm phát hiện đối tượng P.A.T (SN 1992, trú tại Giang Sàng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) đang có hành vi giao hàng hóa với dấu hiệu bất thường. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện số hàng hóa là các bộ test nhanh virus SARS-COV-2 do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ tại khu đô thị Cipucha.
Tổ công tác đã yêu cầu P.A.T đưa toàn bộ số hàng hóa về trụ sở Công an để xác minh làm rõ. Tại cơ quan Công an, đối tượng khai nhận: Do tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, nhu cầu của người dân đối với mặt hàng Kit Test nhanh Covid-19 tăng cao nên đã nhập lậu số bộ test trên về bán.
Nguồn gốc số lô hàng được đối tượng thu mua gom về qua đường tiểu ngạch của nhiều nước, không có hóa đơn chứng từ, không được các cơ quan y tế cấp phép lưu hành. Đặc biệt, bản thân đối tượng không có ngành nghề đăng ký kinh doanh liên quan đến lĩnh vực y tế. Đối tượng T cho biết, nếu số hàng này được bán tại các cửa hàng thuốc đến tay người dân sử dụng với giá khoảng 1,2 đến 1,4 triệu đồng/hộp...
Về những sản phẩm kit test nhanh Covid-19 bán trôi nổi trên thị trường, theo các chuyên gia dịch tễ học, kit test nhanh Covid-19 được lưu hành ở Việt Nam phải được Hội đồng thẩm định, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế thuộc Bộ Y tế cấp phép. Đây là loại kit test được làm để người dân dễ dàng sử dụng, tuy nhiên loại kit test gì, chất lượng ra sao phải được cơ quan quản lý dược phẩm cấp phép mới đảm bảo an toàn.
Đối với sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc sẽ không có ai đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, nếu dùng sai cách dẫn tới nhận định sai, sinh ra tâm lý lo lắng hoặc chủ quan không đúng với hiện trạng sức khỏe sẽ rất nguy hiểm... Do đó, các chuyên gia dịch tễ học cũng khuyến cáo người dân không nên tự ý mua kit xét nghiệm được rao bán trên mạng xã hội về sử dụng.
Trước đó, Tổng cục Quản lý thị trường đã có Công văn số 846/TCQLTT-CNV gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra kiểm soát hoạt động kinh doanh các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh. Chú trọng phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ dùng để phòng, chống dịch bệnh... |