Tại địa bàn quận Hà Đông, trước đó từ ý tưởng của Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông, tháng 12/2020, Công an quận Hà Đông là đơn vị đầu tiên của Công an TP Hà Nội đã phát 50.000 cuốn “Sổ tay phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật” tới tay người dân, triển khai làm 5.000 “Móc khóa an ninh” tuyên truyền nhân dân trên địa bàn phòng, chống tội phạm trộm cắp tài sản;
Đồng thời, tích hợp mã QR truy cập “Sổ tay an ninh Hà Đông điện tử” phát đến các hộ kinh doanh, các hộ gia đình trên địa bàn quận… Qua 3 năm triển khai cho thấy, tình hình phạm pháp hình sự trên địa bàn giảm, tạo mối quan hệ khăng khít giữa lực lượng công an và nhân dân.
Theo lãnh đạo Công an quận Hà Đông, đơn vị đang triển khai là một trong những mô hình dân vận khéo tiêu biểu trên toàn quốc. Thực tế, số vụ phạm pháp hình sự năm 2021 xảy ra 96 vụ, giảm 14 vụ so với cùng kỳ năm 2020. Trên địa bàn quận không xảy ra án đặc biệt nghiêm trọng, không có tụ điểm, điểm phức tạp về ma túy, không có đối tượng trọng điểm về ma túy. Từ tháng 12/2020 đến nay, tổng số vụ việc vi phạm pháp luật trên địa bàn quận là 542 vụ, giảm 249 vụ, bằng 31,48% so với cùng kỳ (2018/2020).
Thông qua “Sổ tay an ninh Hà Đông điện tử”, người dân đã cung cấp hàng nghìn thông tin quan trọng, giúp lực lượng công an giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn. Hiện tại, với thiết kế giao diện gần gũi, tích hợp nhiều tính năng thông minh, dễ thao tác như một cuốn sách, “Sổ tay an ninh Hà Đông điện tử” góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng cách tiếp tục truy cập trang web: SotayanninhHaDong.com hoặc quét mã QR...
Còn về công tác PCCC, được Cục Cảnh sát PCCC & CNCH - Bộ Công an ghi nhận, mô hình dùng mã QR để tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng cháy chữa cháy của Công an huyện Chương Mỹ thời gian qua đã phát huy những hiệu quả rõ nét. Không cần đến địa điểm tuyên truyền, ngồi hàng giờ để nghe truyền đạt, báo cáo, giờ đây chỉ với chiếc điện thoại thông minh, người dân có thể tự trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy qua việc quét mã của QR. Các biện pháp phòng cháy, những nguy cơ cháy nổ hay việc xử lý tình huống khẩn cấp đều được hướng dẫn rất sinh động…
Các mã QR-Code được in sẵn trên biển báo Điểm chữa cháy công cộng, Tổ liên gia và các khu vực công cộng như trường học, nhà văn hóa, trụ sở các cơ quan trên địa bàn huyện. Nội dung bao gồm các video hướng dẫn, thông tin về lực lượng chữa cháy, Tổ liên gia giúp người dân dễ tiếp cận với kiến thức mọi lúc, mọi nơi thông qua thiết bị di động có kết nối với mạng viễn thông. Việc làm này góp phần tuyên truyền có hiệu quả kiến thức pháp luật đến các tầng lớp nhân dân một cách thuận tiện, hiệu quả, tiết kiệm thời gian so với phương pháp tuyên truyền truyền thống. Sáng kiến này cũng đã được triển khai đến các đơn vị khắp TP Hà Nội.
Với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, lực lượng công an cơ sở đã củng cố vững chắc địa bàn, phát huy có hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” góp phần giữ vững an ninh trật tự trên toàn địa bàn trong tình hình mới...
Trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, phục vụ mục tiêu cải cách hành chính trên địa bàn Thủ đô, thời gian gần đây, Công an TP Hà Nội chủ động tiến hành công tác tham mưu cho Thành ủy và UBND TP triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ.
Để góp phần vào việc xây dựng chính phủ điện tử, phát triển kinh tế số, xã hội số và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn Thủ đô, việc đẩy mạnh kết nối, chia sẻ ứng dụng, khai thác tối đa hiệu quả của hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân là nhiệm vụ cấp bách, cần được triển khai rộng rãi ở tất cả các quận, huyện, phường, xã của thành phố. Vì vậy, Công an TP tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 của ngành công an. Với mục tiêu, khẩu hiệu “Lấy người dân làm trung tâm, vì nhân dân phục vụ”, Công an Thủ đô là đơn vị gương mẫu, đi đầu trong công tác ứng dụng, đẩy mạnh cải cách, thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Các lực lượng của Công an TP đã tích cực triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, căn cốt nên công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội của Công an TP Hà Nội đạt nhiều kết quả. Hà Nội là địa phương đầu tiên được lựa chọn làm điểm trong việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Qua 1 năm triển khai thực hiện, với vai trò là Thường trực Ban Chỉ đạo 06 của TP, Công an TP đã tham mưu, triển khai thực hiện nhiều nội dung, nhiệm vụ trọng điểm của Đề án và đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận. Hà Nội là 1/14 địa phương trên cả nước hoàn thành việc kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công thành phố với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai 54 dịch vụ công tiếp nhận hoàn toàn trực tuyến, đem lại hiệu ứng tích cực, được nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp đánh giá cao và được Bộ Công an phổ biến, nhân rộng trong toàn quốc.
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, thực hiện cải cách hành chính của Công an TP có nhiều đổi mới, tiến bộ, bảo đảm tốt trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trong bối cảnh Thủ đô Hà Nội còn nhiều khó khăn về hạ tầng, phương tiện giao thông tăng nhanh, ý thức của một số cá nhân tham gia giao thông chưa cao…