Thượng tá Đặng Trung Kiên - Phó trưởng Công an huyện Đan Phượng cho biết: Đan Phượng đang đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, tiến tới xây dựng huyện thành quận vào năm 2025, vì vậy các lĩnh vực xây dựng, kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ. Điều này càng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, nhất là trong thời gian gần đây số vụ cháy, nổ nhỏ tuy không thiệt hại lớn nhưng đang có dấu hiệu tăng cao.
Mặc dù Công an huyện đã có nhiều biện pháp thông tin, tuyên truyền và cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành để chỉ đạo thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ nhưng vẫn còn một số đơn vị, cá nhân chủ quan chưa thực sự chú trọng công tác PCCC, dẫn đến xảy ra các vụ cháy, nổ không được kiểm soát kịp thời gây thiệt hại về tài sản. Công an huyện Đan Phượng yêu cầu khắc phục 630 kiến nghị về PCCC.
Thống kê của Đội Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an huyện Đan Phượng) cho thấy, chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 8 vụ cháy nhỏ, thiệt hại gần 25 triệu đồng. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn xảy ra một vài sự cố về điện nhưng đều được lực lượng PCCC cơ sở xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát hiện.
Cũng trong thời gian qua, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH đã phối hợp tổ chức được 14 buổi tập huấn nghiệp vụ PCCC cho đội PCCC dân phòng của 122 thôn, TDP, cụm dân cư trên địa bàn 16 xã, thị trấn với hơn 1.000 lượt người tham dự. Phát 1.000 tờ rơi đến người dân, đặc biệt là ở các khu dân cư đông người. Kiểm tra, lập biên bản 165 cơ sở, yêu cầu khắc phục 630 kiến nghị về PCCC và xử phạt 5 cơ sở.
Thiếu tá Đỗ Xuân Cường - Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an huyện Đan Phượng) chia sẻ, xác định các vụ hỏa hoạn có thể gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản. Chính vì vậy, Đội cảnh sát PCCC&CNCH - Công an huyện luôn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC&CNCH với phương châm “lấy phòng ngừa là chính” và “bốn tại chỗ” đến từng người dân, doanh nghiệp.
Cũng theo thiếu tá Đỗ Xuân Cường, thời gian tới Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện tiếp tục hướng dẫn các địa bàn, cơ quan, đơn vị, cơ sở xây dựng vững chắc lực lượng PCCC tại chỗ, lực lượng PCCC chuyên ngành, chuyên trách, bán chuyên trách. Rà soát, khắc phục hạn chế về cơ sở hạ tầng phục vụ công tác PCCC. Tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành, xử lý vi phạm quy định về phòng chống cháy nổ.
Đi đôi với những việc làm trên, đơn vị sẽ tập trung thanh kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác PCCC. Tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng xử lý tình huống khi chẳng may có cháy nổ xảy ra cho người dân, chủ cơ sở kinh doanh, nhất là chủ cơ sở có công trình vừa kết hợp nhà ở với kinh doanh. Xây dựng, phát huy hiệu quả lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành đáp ứng yêu cầu thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”.