Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cổng ánh sáng - công trình Cột mốc Km0 tại hồ Hoàn Kiếm: Đồ án nối dài những nghiên cứu về Hà Nội

Vũ Cúc thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết quả Cuộc thi thiết kế xây dựng Cột mốc Km0 tại hồ Hoàn Kiếm vừa được công bố với giải Nhất thuộc về nhóm thiết kế là các giảng viên trẻ trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Để hiểu hơn về nội dung và ý nghĩa của đồ án, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với KTS Phạm Trung Hiếu - Chủ nhiệm đồ án, Trưởng nhóm thiết kế.

 KTS Phạm Trung Hiếu

Lý do nào khiến anh và các cộng sự quyết định tham dự cuộc thi thiết kế công trình cột mốc Km0 tại hồ Hoàn Kiếm?

- Là người con Hà Nội, sinh ra lớn lên ở phố Lãn Ông, tôi luôn có tình cảm đặc biệt với đô thị cổ xưa này. Đồ án tốt nghiệp đại học Kiến trúc của tôi năm 1997 có tên “Phố Phái xưa & nay”, đồ án đã được giải thưởng trong nước và quốc tế. Ra trường và ở lại trường giảng dạy, tôi tiếp tục theo học cao học Pháp ngữ chuyên ngành: “Thiết kế đô thị với Di sản & Phát triển bền vững” nghiên cứu về mối liên hệ giữa yếu tố văn hóa và những đổi thay của hình thái kiến trúc đô thị Hà Nội.

Năm 2014 tôi cũng đã tham gia cuộc thi thiết kế: “Bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu thuộc Trung tâm Hoàng thành Thăng Long”, đồ án có tên “Dòng sông cổ” của nhóm đã lọt top 6 đồ án được trưng bày lấy ý kiến công chúng. Đồ án đó tôi cũng đã sử dụng công nghệ 3D Hologram nhưng khai thác ở dạng chiếu sáng khác.

Chính những nghiên cứu liên tục này đã thúc đẩy tôi luôn quan tâm tham gia nhiều đề tài khoa học, cuộc thi kiến trúc, mong được dùng kiến thức có được đóng góp cho Hà Nội ý tưởng và quan điểm trong công cuộc bảo tồn và phát triển TP. Lần này khi hội Kiến trúc sư Việt Nam phát động cuộc thi công trình cột mốc Km0 tại Hồ Hoàn Kiếm, tôi và các cộng sự đã rất vui mừng được tham gia đóng góp đồ án “Cổng ánh sáng”. Một điều động viên rất lớn là thầy hiệu trưởng nhà trường đã ủng hộ nhiệt tình, và cho những lời khuyên quý báu để nhóm bắt đầu nghiên cứu.

Nhóm của anh có nhiều chuyên gia, ở vị trí chủ nhiệm đồ án, anh có thể nói cách nhóm kết hợp để làm việc?

- Cột mốc Km0 chính là một công trình kiến trúc đặt xen vào cấu trúc không gian đô thị hồ Hoàn Kiếm, yếu tố cảm quan không gian đô thị lịch sử được đặt lên hàng đầu và các yêu cầu về bảo tồn hay kỹ thuật cũng cần được xem xét kỹ khi tiếp cận. Giai đoạn đầu các kiến trúc sư sẽ tiếp cận ở góc độ thiết kế đô thị kết hợp những nghiên cứu từ trước về thực địa, ý nghĩa lịch sử, truyền thống văn hóa… từ đó đưa ra ý tưởng và giải pháp.

Các chuyên gia điêu khắc nắm được dòng chảy của đồ án sẽ bằng kiến thức của mình tham vấn về chất liệu, phương pháp chế tác để bảo đảm công trình hoàn chỉnh về mọi chi tiết mỹ thuật. Cả nhóm đều chuyên nghiệp ở vị trí của mình và mong muốn cống hiến tâm sức cho một công trình ý nghĩa của Thủ đô.

Theo quy chế cuộc thi có 04 vị trí xây dựng cột mốc Km0 để người dự thi lựa chọn. Vì sao nhóm lại chọn tại vị trí sân trước tượng đài Lý Thái Tổ mà không phải là những vị trí còn lại?

- Vị trí cột mốc là một yếu tố rất quan trọng, nhằm khẳng định mạnh mẽ vị thế trung tâm của Hà Nội. Ngay yếu tố vị trí đã phải là biểu tượng và là đại diện cho điểm khởi đầu những dấu ấn của Hà Nội. Chỉ có vị trí số 3 (sân trước tượng đài Lý Thái Tổ) hội tụ được những yếu tố để trở thành nơi đặt cột mốc. Vị trí lựa chọn nằm ở miền giao giữa hai tuyến quan trọng.

Tuyến thứ nhất nối UBND TP Hà Nội (tòa Thị chính cũ thời Pháp thuộc) và tòa nhà Bưu điện; Tuyến thứ hai là trục chính của vườn hoa Lý Thái Tổ đi qua tượng đài nhà vua hướng tới Tháp Rùa. Các công trình kiến trúc xung quanh và cây cối cảnh quan hiện hữu đã xác lập một khoảng không gian ổn định và còn trọn vẹn hơn với hướng nhìn ra hồ Hoàn Kiếm rộng mở.

 Phối cảnh công trình Cột mốc Km0 vào buổi tối.

Đây là một công trình không lớn về quy mô nhưng lại đòi hỏi đảm bảo nhiều yếu tố như vừa thể hiện chỉ dấu địa lý, có tính biểu tượng cao, hiện đại nhưng vẫn mang bản sắc văn hóa, ý nghĩa lịch sử và phải hài hòa với không gian cảnh quan khu vực. Anh có thể nói rõ hơn về điểm nổi bật của ý tưởng, và giải pháp thiết kế của công trình nhằm đáp ứng được những yêu cầu trên?

- Điểm nổi bật của ý tưởng chính là dựa vào giá trị bền vững đã sẵn có của không gian cảnh quan thấm đẫm dấu ấn lịch sử văn hóa của địa điểm, phương án không hướng tới việc tạo ra một công trình mới mẻ, mà tập trung vào việc giới thiệu với công chúng Thủ đô, với du khách một lăng kính mới cảm nhận những giá trị hiện hữu qua một thủ pháp tạo hình ánh sáng bằng công nghệ trên nền một tấm phù điêu đồng tượng trưng cho những giá trị truyền thống, và chính việc tôn vinh những giá trị hiện hữu bằng một cách riêng đã tạo nên giá trị của công trình này. Một chiếc “Cổng Ánh sáng” hữu hình mà lại vô hình.

Giải pháp công trình cột mốc Km0 theo phương án đề xuất bao gồm 2 hạng mục chính là hạng mục vật chất kiến trúc, kỹ thuật và hạng mục ánh sáng. Phần vật chất kiến trúc, kỹ thuật được đặt ở trung tâm sân trước tượng đài vua Lý Thái Tổ, được đặt phẳng với bề mặt sân gồm tấm phù điêu đồng và hầm kỹ thuật. Cột mốc là một tấm đồng hình vuông được đúc nguyên khối dầy 60 mm có kích thước 2020 x 2020 mm. Tâm điểm là hình vuông 440x440mm tượng trưng cho Thủ đô Hà Nội, từ đây tỏa đi các đường gờ rãnh bao quanh như những con đường thiên lý trên nền hình vuông trung tâm. Có 31 gờ nổi và 31 rãnh chìm tương ứng 62 tỉnh thành, kết hợp với hình vuông trung tâm sẽ thành mô hình: 62 + 1 = 63 tỉnh thành cả nước.

Trung tâm hình vuông được khoét rỗng 1 hình tròn đường kính 400mm, bao quanh là 4 điêu khắc âm họa tiết rồng thời Lý, tăng dấu hiệu nhận diện dấu ấn kinh thành Thăng Long. Tại hình tròn này đặt 2 lớp kính cường lực, mỗi lớp dày 20mm. Lớp kính này chính là màn chiếu của công nghệ chiếu sáng.

Hầm kỹ thuật nằm bên dưới tấm phù điêu, là nơi đặt thiết bị chiếu sáng 3D Hologram. Hầm được thiết kế đủ độ rộng để lắp đặt, vận hành, bảo trì thiết bị.

Hạng mục thứ hai là hạng mục ánh sáng đóng vai trò linh hồn của công trình cột mốc khiến cột mốc trở thành một tác phẩm nghệ thuật công cộng có tính tương tác cao, là phần hữu hình đóng góp vào không gian cảnh quan một cách ấn tượng nhưng lại không hề cản trở thị giác. Yếu tố này khiến địa điểm trở nên thu hút mạnh mẽ khách du lịch và giới trẻ vì hội tụ đủ các yếu tố như công nghệ mới, hình thức biểu đạt độc đáo, mới lạ. Máy chiếu 3D Hologram có thể chiếu sáng theo nhiều kịch bản trên nền hình ảnh gốc cho phù hợp các sự kiện tương ứng khiến công trình trở nên sống động và gần gũi.

Anh vừa nói đến việc sử dụng công nghệ ánh sáng tạo hình hiện đại cho công trình, anh có thể nói rõ hơn về chi tiết này sử dụng trong thiết kế?

- Giải pháp chiếu sáng sử dụng trong thiết kế là công nghệ 3D Hologram. Đây là công nghệ ứng dụng trong truyền thông quảng cáo số được khai thác mạnh mẽ trong khoảng thời gian này trên toàn thế giới. Nếu chuẩn bị được hạ tầng và phương án thiết kế để ứng dụng công nghệ sớm sẽ là bước đi ấn tượng trong đời sống công nghệ cao và nghệ thuật tương tác tại Thủ đô.

Hạng mục ánh sáng được chia thành 2 kịch bản ngày và đêm. Ban ngày, máy chiếu 3D Hologram sẽ chiếu hình ảnh logo TP Hà Nội ở phần dưới của tấm kính, hình ảnh được bố trí xoay từ từ thuận chiều kim đồng hồ để thu hút thị giác. Vòng tròn sáng bao ngoài logo tượng trưng cho số 0 mà cột mốc cần biểu đạt. Khi có sự kiện của TP hay quốc gia, hình ảnh này sẽ được bố trí lại bằng cách thay đổi phần mềm, hình ảnh cho phù hợp, ví dụ như hình bản đồ Việt Nam với đầy đủ lãnh thổ, lãnh hải có tác dụng quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam với du khách.

Vào buổi tối, máy chiếu sẽ chiếu hình ảnh 3D Hologram lên khoảng không gian phía trên tấm phù điêu đồng, hiệu ứng ánh sáng laser trong bóng tối rất hiệu quả. Hình ảnh là hình số 0 cách điệu như một khuôn cửa vuông vức, có hướng thẳng trục tượng đài vua Lý Thái Tổ. Nhìn qua khuôn hình này về hướng tượng đài hay Tháp Rùa, du khách có cảm giác nhìn qua một lát cắt thời gian về quá khứ tráng lệ, đẹp đẽ của kinh thành Thăng Long hào hoa. Hình ảnh cũng sẽ được thay đổi theo các sự kiện để tăng tính tương tác.

Trong trường hợp phương án thiết kế của các anh được chọn để đưa vào thực hiện, khó khăn sẽ là gì khi thi công tại khu vực sân trước tượng đài Lý Thái Tổ?

Công trình quy mô nhỏ, nằm ở thềm ngoài cùng, cách xa tượng đài vua Lý Thái Tổ, khi quy hoạch vị trí chắc chắn Ban quản lý đã tính đến điều này để không ảnh hưởng vào không gian tượng đài. Công trình nằm trong ranh giới cải tạo chỉnh trang của dự án đầu tư xây dựng mà quận Hoàn Kiếm đang thực hiện nên rất thuận lợi trong công tác thi công các hạng mục ngầm. Các vấn đề kỹ thuật đều được xử lý đồng bộ. Có thể nói khó có thời điểm nào thích hợp hơn lúc này!

Xin cảm ơn ông!