Công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2018 của ngành Tư pháp

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã ký quyết định về việc phê duyệt và công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2018 của ngành Tư pháp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc qua 5 năm tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật. Ảnh: Thái San 
1. Công tác của Bộ, Ngành tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp và ghi nhận của Đảng và Nhà nước.
Năm 2018, Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và đồng bào, cử tri cả nước đối với các lĩnh vực công tác của Bộ, Ngành.
Bên cạnh đó, với những nỗ lực, cố gắng trong suốt thời gian qua, Bộ, ngành Tư pháp từ T.Ư đến địa phương đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao thông qua kết quả lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ ở các cấp. Đây là cơ sở để Bộ, ngành Tư pháp vững bước đi lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước và phục vụ người dân trong thời gian tới.
2. Chuyển biến mới về chất lượng trong xây dựng, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật; nhận diện, đề xuất khung pháp lý đối với tiền và tài sản mã hóa.
Thực hiện Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 22, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ động, kịp thời hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Trong năm, các Bộ, Ngành đã tích cực hoàn thiện 16 dự án luật, 1 pháp lệnh và nhiều nghị quyết, văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh. Bộ Tư pháp đã thẩm định đúng thời hạn 246 đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; thẩm định 57 điều ước quốc tế và góp ý hàng nghìn văn bản, đề án khác…
3. Tổng kết 5 năm “Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam” và Lễ Hưởng ứng Ngày pháp luật tạo dấu mốc quan trọng, thúc đẩy ý thức thượng tôn pháp luật.
Năm 2018 đánh dấu 5 năm “Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam” được quy định trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Qua tổng kết thực hiện, rất nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả đã được triển khai thực hiện và đi vào nền nếp.
Đặc biệt, ngày 9/11/2018, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể T.Ư và địa phương tổ chức thành công “Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam năm 2018”. Đây là dấu mốc quan trọng trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nhằm tổng kết, đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm sau 05 năm triển khai Ngày Pháp luật.
4. Hệ thống Thi hành án dân sự đạt được nhiều kết quả quan trọng, nỗ lực từng bước đổi mới công tác thi hành án.
Năm 2018, toàn hệ thống Thi hành án dân sự đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhất là trong bối cảnh số việc và tiền thụ lý tiếp tục tăng cao so với năm 2017 (tăng 5,06% về việc và 13,32% về tiền).
Năm 2018, Hệ thống Thi hành án dân sự đã thi hành xong gần 571.708 việc và trên 34.520 tỷ đồng; công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đã đạt nhiều kết quả. Đặc biệt, đã giải quyết dứt điểm 74 vụ việc (chiếm trên 70%) số vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài nhiều năm, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
5. Tạo dựng tiền đề cho việc thực hiện chủ trương nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật.
Ngày 26/02/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” giai đoạn 2018 - 2022, trong đó xác định 7 nhóm nhiệm vụ trên các lĩnh vực, như: tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong công tác tổ chức thi hành pháp luật; hoàn thiện thể chế về tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật; đổi mới công tác theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật; tăng cường năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật...
6. Đột phá trong giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào; tăng cường hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp, tương trợ tư pháp.
Ngày 23/11/2018, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ký Quyết định số 2157/QĐ-CTN về việc cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với 119 cá nhân hiện đang cư trú tại xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, chấm dứt tình trạng sống không giấy tờ, không quốc tịch sau hàng chục năm, đáp ứng lòng mong mỏi của bà con.
Đây là kết quả sau 5 năm thực hiện Thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước, tăng cường mối quan hệ láng giềng tốt đẹp Việt Nam - Lào, góp phần ổn định tình hình chính trị tại địa phương, ổn định vùng biên giới hai nước.
7. Công tác cải cách hành chính đạt kết quả tích cực, tạo thuận lợi trong giải quyết yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành
Ngày 2/5/2018, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư. Theo đó, Bộ Tư pháp xếp thứ 4/19 Bộ, tăng 2 bậc so với năm trước và 5 bậc so với đầu nhiệm kỳ; được đánh giá là Bộ có chỉ số cao nhất về chỉ đạo điều hành cải cách hành chính…
8. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực pháp luật và tư pháp được thực hiện đồng bộ, toàn diện, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ của Bộ, Ngành.
Năm 2018, công tác đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục được đổi mới theo hướng gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh, tăng cường trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp để công chức, viên chức có thể làm tốt công việc ở vị trí của mình. Việc đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện đồng bộ, có kế hoạch và quy hoạch. Vị trí việc làm, ngạch công chức, viên chức là yêu cầu chủ đạo của nội dung chương trình, phương thức bồi dưỡng và việc cử công chức, viên chức tham gia các khóa học.
9. Công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ, Ngành.
Bộ Tư pháp đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng 5 Bộ có chỉ số cao nhất về xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử. Việc ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, ngày càng phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ, Ngành.
Trong năm, Bộ Tư pháp đã ban hành Khung Chính phủ điện tử của Bộ phiên bản 1.0; đưa phần mềm hỗ trợ pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật sau khi nâng cấp vào hoạt động; tiếp tục triển khai nhiều phần mềm ứng dụng từ T.Ư đến địa phương và liên tục hỗ trợ kỹ thuật cho gần 20.000 người dùng; hệ thống hội nghị truyền hình của Bộ phục vụ hơn 80 cuộc họp trực tuyến.
10. Tên của Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được đặt cho một tuyến phố mới ở Thủ đô Hà Nội.
Ngày 5/12/2018, HĐND TP Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 13/NQ-HĐND ngày 5/12/2018 về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó, cố Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh (1912 - 1996), quê quán Thanh Oai, Hà Đông (nay là Hà Nội) được đặt cho một tuyến phố mới trên địa bàn quận Hà Đông.