Công bố báo cáo phát triển con người Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo vừa được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) công bố, Việt Nam cần cải cách chính sách và thể chế rộng khắp để có thể đạt được tăng trưởng bao trùm trong bối cảnh phát triển mới của đất nước.

Theo báo cáo, con đường tăng trưởng bao trùm, tức tăng trưởng nhanh, bền vững và không bỏ ai lại phía sau, là chìa khoá để đạt tiến bộ toàn diện về phát triển con người.

Theo Giáo sư Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch VASS, báo cáo này nhìn lại 30 năm đổi mới và định hình mô hình tăng trưởng mới qua lăng kính phát triển con người nhằm bảo đảm mọi công dân Việt Nam có thể phát huy đầy đủ tiềm năng và tận hưởng cuộc sống thịnh vượng.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Báo cáo quốc gia về phát triển con người - tăng trưởng vì mọi người- xem xét các cơ hội, thách thức và đưa ra khuyến nghị cải cách theo 3 trụ cột chính của chiến lược tăng trưởng bao trùm: tăng việc làm có năng suất; cải thiện hệ thống y tế và giáo dục và đổi mới hệ thống bảo trợ xã hội.

Báo cáo phân tích chi tiết 3 trụ cột chính sách và cho thấy nền kinh tế, giáo dục và y tế, bảo trợ xã hội đã có những chuyển đổi tích cực và thành tích đáng kể trong 30 năm qua, kể từ khi bắt đầu đổi mới. Tuy nhiên, Báo cáo cũng nhấn mạnh những vấn đề đang nổi lên và khuyến nghị Việt Nam cần một loạt cải cách để đẩy nhanh tăng trưởng bao trùm và thúc đẩy phát triển con người trong tương lai.

Theo các tác giả của báo cáo, để tăng việc làm có năng suất, Việt Nam cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; tăng hiệu suất kinh tế và sự kết nối công nghệ cũng như nuôi dưỡng sáng tạo.

Để cải thiện hệ thống giáo dục và y tế, Việt Nam cần cải thiện chất lượng và mở rộng tiếp cận giáo dục trước tiểu học, giáo dục bậc cao, và đào tạo nghề; đồng thời cần tiến hành đánh giá toàn diện các cải cách xã hội hoá trước khi nhân rộng.

Để đổi mới hệ thống bảo trợ xã hội, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp khuyến khích để đạt mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân; hệ thống bảo hiểm xã hội tự chi trả; và xây dựng hệ thống Trợ giúp xã hội dựa trên nguyên tắc “vòng đời”.

Tại Lễ công bố, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú LHQ và Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung vào cả nhóm người nghèo và nhóm thu nhập trung bình thấp, những người có thu nhập không cao hơn nhiều so với chuẩn nghèo, những người làm việc trong khu vực không chính thức, người di cư đến đô thị và nông dân.

Báo cáo cho thấy ở cấp quốc gia, tiến bộ của Việt Nam về phát triển con người rất ấn tượng trong 35 năm qua nhưng không đồng đều qua các thời kỳ và đang chậm lại trong vài năm gần đây.

Tương tự các Báo cáo quốc gia về phát triển con người trước đây, báo cáo 2015 xem xét tiến bộ phát triển con người trên toàn quốc. Báo cáo cho thấy các tỉnh đều có tiến bộ tích cực nhưng không đồng đều, một số tỉnh tiến nhanh hơn các tỉnh khác. Những tỉnh tiến bộ nhất đều phát triển kinh tế cân bằng với tiến bộ xã hội.