Công bố Chỉ số công khai ngân sách tỉnh 2019: Dư địa cải cách còn rất lớn

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết quả khảo sát Chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI) 2019 cho thấy, Hòa Bình đứng cuối bảng về chỉ số công khai ngân sách năm 2019, chỉ với 1,60 điểm. Chỉ số này tại Hà Nội đạt 79,59 điểm thuộc nhóm A (công khai đầy đủ). Trong khi đó, đứng đầu bảng xếp hạng là tỉnh Quảng Nam với hơn 90,51 điểm.

Đây là kết quả được công bố tại báo cáo Chỉ số Công khai Ngân sách tỉnh (POBI), do Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) chủ trì, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) thực hiện, công bố sáng 8/7.
Quảng Nam về nhất, Hà Nội tăng gần 30 điểm
Trong Xếp hạng công khai ngân sách POBI 2019, có 24 tỉnh được xếp vào nhóm A (từ 75 – 100 điểm) công khai đầy đủ, đứng đầu là: Quảng Nam (90,51 điểm), Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Hà Nội, Quảng Ninh… Có 27 tỉnh công khai tương đối (50 – dưới 75 điểm), 9 tỉnh công khai chưa đầy đủ (từ 25 – dưới 50 điểm) và 3 tỉnh ít công khai là Hoà Bình, Đồng Tháp và Lạng Sơn.
POBI 2019 cũng cho thấy sự khác biệt giữa mức độ công khai ngân sách tỉnh của các vùng. Xếp theo 7 vùng địa lý trên cả nước, Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Đông Nam bộ là hai vùng có điểm xếp hạng POBI trung bình cao nhất, lần lượt là 77,16 và 73,81 điểm, tiếp theo đó là vùng Tây Nguyên (70,27 điểm) và Đồng bằng sông Hồng (68,24 điểm). Vùng Bắc Trung Bộ có số điểm trung bình thấp nhất trong 7 vùng địa lý, chỉ đạt 52,62 điểm, tiếp đó là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (58,7 điểm) và khu vực Trung du và miền núi Bắc bộ với 63,5 điểm.
Báo cáo cũng chỉ ra, vùng công khai ngân sách kém nhất lại là các vùng được hưởng nhiều trợ cấp ngân sách như Trung du và miền núi Bắc Bộ. Như Hoà Bình 3 năm liên tiếp hầu như không có sự cải thiện, đứng ở mức cuối cùng, là tỉnh phụ thuộc vào ngân sách T.Ư. Trong khi các tỉnh công khai ngân sách tốt lại là những tỉnh đóng góp rất lớn về T.Ư như Quảng Ninh, Hà Nội…
Với mức 79,59 điểm, tăng 29,87 điểm so với mức 49,72 điểm của năm 2018, Hà Nội đứng thứ 3 ở Vùng đồng bằng Sông Hồng, trong khi TP Hồ Chí Minh đạt 66,03 điểm.
“Chỉ số trung bình Công khai ngân sách tỉnh POBI 2019 đạt 65,55/100 điểm, tuy tỷ lệ này cao hơn năm 2018 (51 điểm), nhưng cũng chứng tỏ còn rất nhiều dư địa cải cách nâng cao công khai minh bạch ngân sách ở các địa phương”- Trưởng ban pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn nhận xét.
Người dân ít được tham gia công khai ngân sách
Về mức độ sự tham gia của người dân vào ngân sách, có 61/63 cổng thông tin điện tử của các tỉnh đều có thư mục hỏi đáp và email liên hệ. Tuy nhiên, mức độ phản hồi của Sở Tài chính các tỉnh đối với người dân rất thấp. Có 8/63 Sở Tài chính của các tỉnh trả lời yêu cầu cung cấp thông tin của nhóm nghiên cứu qua email. Tỉnh Vĩnh Long đạt điểm số cao nhất với 15,25 điểm. Phú Yên và Thái Bình có số điểm thấp nhất cả nước (1,69 điểm).
PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Trưởng đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, theo quy định tại Luật NSNN, có nhiều loại tài liệu bắt buộc phải công khai như: Báo cáo dự thảo dự toán ngân sách tỉnh năm 2019 trình HĐND tỉnh; Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách tỉnh; Báo cáo quyết toán ngân sách tỉnh...
Thế nhưng điểm đáng lưu ý là kết quả POBI 2019 có 35 (55,56 %) tỉnh công khai kịp thời Dự toán ngân sách tỉnh năm 2020 đã được HĐND tỉnh quyết định, giảm so với kỳ khảo sát 2018 tương ứng với 61,9% số tỉnh công khai; Có 54 (85,71 %) tỉnh có công khai Dự thảo dự toán ngân sách tỉnh năm 2020 trình HĐND tỉnh, nhưng chỉ có 36 (57,14 %) tỉnh công khai kịp thời (trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày UBND tỉnh gửi tài liệu này cho đại biểu HĐND tỉnh), 8 tỉnh công bố chậm (trong vòng 15 đến 30 ngày) và 10 tỉnh công bố sau 30 ngày hoặc không xác định được chính xác thời điểm công bố.
Như vậy, mục tiêu công khai dự thảo dự toán NSNN để cho người dân tham gia ý kiến chưa đạt được. Hơn nữa, về mức độ tham gia của người dân cho thấy nhìn chung các tỉnh ít tạo điều kiện để người dân tham gia vào quá trình công khai minh bạch ngân sách. Báo cáo khuyến nghị, các tỉnh cần chủ động trong việc phản hồi các câu hỏi của người dân về ngân sách. Xây dựng và công bố quy chế nội bộ về quy trình cung cấp thông tin theo như quy định của Luật Tiếp cận thông tin.