70 năm giải phóng Thủ đô

Công bố chỉ số công khai ngân sách tỉnh POBI 2019: Hà Nội tăng 29,87 điểm

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết quả khảo sát POBI 2019 cho thấy, chỉ số trung bình về công khai ngân sách tỉnh đạt 65,55 điểm trên tổng số 100 điểm quy đổi, xếp hạng cao hơn trung bình xếp hạng năm 2018 là 51 điểm. Điều này cho thấy mức độ tiến bộ chung của các tỉnh về công khai minh bạch ngân sách.

Đây là kết quả được công bố tại báo cáo chỉ số Công khai Ngân sách tỉnh (POBI), do Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) chủ trì, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cùng Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) thực hiện, công bố sáng 8/7.

 Quang cảnh hội thảo

Kết quả cho thấy: Nhóm A - công khai đầy đủ - nhóm những tỉnh có mức điểm cao nhất từ 75 đến 100 điểm, có 24 tỉnh bao gồm: Bình Thuận, Lâm Đồng, Bắc Ninh, Hà Nam, Bắc Kạn, An Giang, Ninh Thuận, Hà Nội, Lai Châu, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Bình Dương, Cao Bằng, Quảng Trị, Trà Vinh, Yên Bái, Tây Ninh, Bình Định, Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Nam.

Nhóm B - công khai tương đối - bao gồm 27 tỉnh, là những tỉnh có điểm POBI quy đổi từ 50 đến dưới 75 điểm. Nhóm này bao gồm: Kon Tum, Điện Biên, Hà Giang, Long An, Lào Cai, Thái Bình, Bến Tre, Cần Thơ, Đắk Nông, Phú Thọ, Hải Phòng, Gia Lai, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh, Sơn La, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc, Bình Phước, Đắk Lắk, Phú Yên, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Đồng Nai, Sóc Trăng, Thái Nguyên, Cà Mau, và Hưng Yên.

Nhóm C - công khai chưa đầy đủ - bao gồm 9 tỉnh, là những tỉnh có điểm POBI quy đổi từ 25 đến dưới 50 điểm. Nhóm này bao gồm: Ninh Bình, Tuyên Quang, Hậu Giang, Nam Định, Bạc Liêu, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, và Kiên Giang.

Nhóm cuối cùng là nhóm D - ít công khai - gồm 3 tỉnh, là những tỉnh có điểm POBI quy đổi từ 0 đến dưới 25 điểm, bao gồm: Hòa Bình (1,69 điểm), Đồng Tháp (7,9 điểm), và Lạng Sơn (21,61 điểm).

Hà Nội năm nay đạt 79,59 điểm, tăng 29,87 điểm so với mức 49,72 điểm của năm 2018. TP Hồ Chí Minh đạt 66,3 điểm. Với mức 79,59 điểm, Hà Nội đứng thứ 3 ở vùng Đồng bằng Sông Hồng.

POBI 2019 cũng cho thấy sự khác biệt giữa mức độ công khai ngân sách tỉnh của các vùng. Xếp theo 7 vùng địa lý trên cả nước, Duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam bộ là 2 vùng có điểm xếp hạng POBI trung bình cao nhất, lần lượt là 77,16 và 73,81 điểm, tiếp theo đó là vùng Tây Nguyên (70,27 điểm) và Đồng bằng sông Hồng (68,24 điểm). Vùng Bắc Trung Bộ có số điểm trung bình thấp nhất trong 7 vùng địa lý, chỉ đạt 52,62 điểm, cao hơn đó là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (58,7 điểm) và khu vực Trung du và miền núi Bắc bộ với 63,5 điểm.

Ở Vùng Đồng bằng Sông Hồng, Hải Dương đứng đầu với 88,14 điểm, tiếp đến là Quảng Ninh (81,71điểm), Hà Nội (79,59 điểm), Nam Định thấp nhất (42,63 điểm).

Về xếp hạng sự tham gia của người dân vào quá trình công khai ngân sách, số điểm quy đổi trung bình của 63 tỉnh, TP là 38.2 điểm. Tỉnh Vĩnh Long đạt điểm số cao nhất với 90 điểm. Phú Yên và Thái Bình là 2 tỉnh có số điểm bằng nhau và là các tỉnh có số điểm thấp nhất cả nước (10 điểm).

Kết quả khảo sát POBI 2019 về mức độ tham gia của người dân cho thấy, nhìn chung các tỉnh ít tạo điều kiện để người dân tham gia vào quy trình ngân sách. Số điểm quy đổi trung bình của 63 tỉnh, TP là 38,1 điểm. Tỉnh Vĩnh Long đạt điểm số cao nhất với 90 điểm. Phú Yên và Thái Bình là 2 tỉnh có số điểm bằng nhau và là các tỉnh có số điểm thấp nhất cả nước (10 điểm).

Đây là năm thứ 3 POBI được thực hiện, là công cụ giúp các địa phương có thể tham chiếu và đo đạc mức độ công khai, minh bạch trong quản lý ngân sách nhà nước và mức độ thực thi Luật Ngân sách nhà nước. Mức độ công khai minh bạch của các tài liệu ngân sách gồm các tiêu chí liên quan đến: Tình trạng công khai và hình thức công khai; Thời điểm công khai; Nội dung cụ thể của các tài liệu ngân sách, gồm số liệu về các nhóm thu, chi, nợ, đầu tư; So sánh thực chi và dự toán; So sánh với cùng kỳ năm trước.

Kết quả khảo sát là công cụ giúp các địa phương và cơ quan trung ương tham chiếu, đo lường mức độ công khai, minh bạch trong quản lý ngân sách nhà nước tại các tỉnh. POBI cũng là công cụ hỗ trợ Việt Nam thực hiện cải cách hành chính và tài khoá tốt hơn, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững SDG 16 về minh bạch, giải trình có sự tham gia của người dân.