9 Luật được công bố bố bao gồm: Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật Đặc xá; Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an Nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.
Tại cuộc họp báo, lãnh đạo các Bộ như NN&PTNT, Công an, Thanh tra Chính phủ, GD&ĐT, KH&ĐT… đã thông tin những điểm quan trọng của các Luật này.
Thông tin về Luật Phòng, chống tham nhũng vừa được thông qua, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết, luật gồm 10 chương với 96 điều, có hiệu lực từ 1/7/2019. Đáng chú ý, Luật dành một chương quy định về phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Về công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, so với luật hiện hành, luật 2018 không quy định công khai, minh bạch trong các lĩnh vực mà chỉ quy định nguyên tắc về nội dung, hình thức, trách nhiệm thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Mục này cũng quy định về trách nhiệm giải trình, báo cáo công tác phòng chống tham nhũng và tiêu chí đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng…
Về thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn: Luật tiếp tục quy định về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và việc tặng quà và nhận quà với một số chỉnh lý so với Luật hiện hành và bổ sung quy định về kiểm soát sung đột lợi ích tại Điều 23.
Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị: Đây là một trong những nội dung mới và thay đổi căn bản so với Luật hiện hành. Theo đó, Luật đã quy định cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; kê khai tài sản, thu nhập, xác minh tài sản, thu nhập; cơ sở dữ liệu về tài sản, thu nhập.
Luật đã quy định Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng tăng cường một bước tính tập trung và phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy nhà nước ta hiện nay, bảo đảm tính khả thi; quy định mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức và một số nhóm viên chức giữ chức vụ, chức danh quản lý để từng bước quản lý chặt chẽ về dữ liệu về dữ liệu tài sản, thu nhập, qua đó theo dõi, xác minh phục vụ cho công tác phòng chống tham nhũng. Đồng thời đổi mới căn bản phương thức kê khai để giảm bớt số đối tượng phải kê khai hàng năm và khắc phục tính hình thức trong thực hiện.
Luật cũng bổ sung căn cứ xác minh theo phương kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hàng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được lựa chọn ngẫu nhiên; quy định cụ thể về thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị xác minh tài sản, thu nhập; nội dung xác minh tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực.
Ngoài ra, Luật cũng dành một chương riêng quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đồng thời sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hoá và đề cao vai trò của người đứng đầu. Cụ thể, Luật quy định nội dung trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng; quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác; quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 cũng dành một chương quy định về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng ra ngoài khu vực nhà nước có phải để đáp ứng yêu cầu thực hiện hiệp định thương mại tự do CPTPP, Phó Vụ trưởng vụ Pháp chế Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Tiến Anh cho biết, luật mở rộng phạm vi điều chỉnh ra ngoài khu vực nhà nước bao gồm cả quy định về hành vi, lĩnh vực được điều chỉnh bởi quy định pháp luật hình sự chứ không chỉ áp dụng quy định phòng ngừa đối với các đối tượng nên vẫn đảm bảo yêu cầu chống tham nhũng, không phải chỉ để phục vụ việc tham gia CPTPP.
“Còn việc kê khai tài sản, nếu áp dụng với các đối tượng như người quản lý doanh nghiệp ngoài nhà nước, nhiều trường hợp là người nước ngoài thì không đảm bảo tính khả thi. Vậy nên quy định về kê khai tài sản, thu nhập chỉ áp dụng với người có chức vụ trong khu vực nhà nước” - ông Nguyễn Tiến Anh giải thích.