Theo đó, diện tích nghiên cứu quy hoạch chung thị trấn Tây Đằng khoảng 1.217,47ha; tổng dân số dự báo đến năm 2030 khoảng 18.000 người. Cụ thể: dân số đến năm 2020, khoảng 16.800 người (dân số khu vực phát triển đô thị 12.800 người; dân số ngoài phạm vi phát triển đô thị 4.000 người); dân số đến năm 2030 khoảng 18.000 người (dân số khu vực phát triển đô thị khoảng 14.000 người; dân số khu vực ngoài phạm vi phát triển đô thị khoảng 4.000 người).
Về định hướng, quy hoạch chung thị trấn Tây Đằng trở thành trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hoá, du lịch của huyện Ba Vì, là cửa ngõ phía Tây Bắc Thủ đô theo hướng đô thị sinh thái và phát triển bền vững. Trọng tâm là phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp; khai thác tiềm năng về điều kiện tự nhiên và lợi thế về giao thông đường thuỷ, đường bộ, đặc biệt là phát triển du lịch...
Thị trấn Tây Đằng.
|
Quy hoạch chung thị trấn Tây Đằng nhằm bổ sung hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đầu mối như giao thông đối ngoại, bến xe khách, cảng sông... đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị.; Cải tạo, chỉnh trang các khu vực dân cư làng xóm hiện hữu, bảo tồn các di tích lịch sử văn hoá tôn giáo, tín ngưỡng...
Bên cạnh đó, quy hoạch chung thị trấn Vân Đình nằm ở phía Tây Nam đô thị trung tâm Thủ đô Hà Nội, tỷ lệ 1/5.000 trở thành đô thị sinh thái mật độ thấp, và là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa - xã hội, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật, kinh tế thương mại, dịch vụ của huyện Ứng Hòa, là một trong chuỗi đô thị thị trấn của thành phố Hà Nội. Theo quy hoạch được phê duyệt, tổng diện tích của thị trấn Vân Đình sẽ khoảng 560ha, trong đó, đất xây dựng đô thị khoảng 274ha, đất ngoài phạm vi xây dựng khoảng 286ha. Quy mô dân số tối đa đến năm 2030 khoảng 17.500 người.
Về định hướng quy hoạch, phía Tây Bắc thị trấn Vân Đình, trên cơ sở khu công nghiệp Vân Đình quy mô 60ha đang hình thành phát triển dọc quốc lộ 21B, Khu trung tâm dịch vụ thương mại và nhà ở Vân Đình quy mô 40ha đã được phê duyệt quy hoạch, kênh Tân Phương đang được cải tạo mở rộng, Dự án bảo tồn chuôm Vân Đình... là động lực chính phát triển không gian đô thị của thị trấn Vân Đình trong tương lai...
Hướng Đông, phát triển các công trình dịch vụ công cộng, hỗn hợp, vườn hoa... tại khu Phủ cũ và dọc trục đường đôi nối từ UBND huyện đến khu Phủ cũ.
Hướng Tây, giáp sông Đáy là khu vực dân cư cũ hai bên đê tả Đáy được định hướng phát triển: Khu vực dân cư nằm giữa sông Đáy và đê nằm trong hành lang thoát lũ, giai đoạn trước mắt không được xây dựng phát triển đô thị, tương lai sẽ được di dời vào các khu vực mới phía Đông và Tây Bắc của thị trấn; khu vực dân cư nằm trong đê tả Đáy sẽ được bảo tồn, cải tạo, chỉnh trang cho phù hợp với chỉ tiêu, tiêu chuẩn phát triển đô thị của thị trấn.
Hướng Nam là khu vực dân cư cũ của thị trấn, bảo tồn cấu trúc không gian đô thị cũ, bổ sung công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật để nâng cao chất lượng đời sống dân cư, không định hướng phát triển không gian đô thị mới tại đây...
Về quy hoạch chung, thị trấn Nỉ nằm trên địa phận hai xã Trung Giã và Hồng Kỳ, cửa ngõ phía Bắc huyện Sóc Sơn, tỷ lệ 1/5000 nhằm hướng đến mục tiêu hình thành thị trấn mới đóng vai trò trước mắt là trung tâm dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội tại vùng nông thôn phía Bắc huyện Sóc Sơn và dự kiến về lâu dài, khi đô thị Sóc Sơn được nâng cấp thành thành phố vệ tinh của Thủ đô Hà Nội, thì thị trấn Nỉ có thể phát triển thành trung tâm của vùng huyện Sóc Sơn.
Theo quy hoạch được phê duyệt, thị trấn Nỉ sẽ được phân thành 2 phân khu chức năng, bao gồm: Khu vực trung tâm thị trấn nằm ở phía tây Quốc lộ 3; Khu vực phát triển đô thị hiện hữu (dọc hai bên Quốc lộ 3) và khu vực phát triển đô thị mới ở phía Bắc tỉnh lộ 35.
Dự báo dân số đến năm 2030 của thị trấn Nỉ khoảng 19.320 người. Trong đó, giai đoạn ngắn hạn đến năm 2020 chỉ tiêu bình quân đất dân dụng khoảng 85m2/người, chỉ tiêu đất đơn vị ở khoảng 35m2/người. Giai đoạn dài hạn đến 2030, chỉ tiêu bình quân đất dân dụng khoảng 95m2/người, chỉ tiêu đất đơn vị ở khoảng 40m2/người.