Công bố quy hoạch chung huyện Chương Mỹ đến năm 2030

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội phối hợp với UBND huyện Chương Mỹ tổ chức Hội nghị công bố và bàn giao hồ sơ quy hoạch chung xây dựng huyện Chương Mỹ đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000.

Phạm vi quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Chương Mỹ, với 2 thị trấn: Chúc Sơn, Xuân Mai và 30 xã nông thôn: Phụng Châu, Tiên Phương, Phú Nghĩa, Đông Phương Yên, Đông Sơn, Thủy Xuân Tiên, Thanh Bình, Trường Yên, Ngọc Hòa, Thụy Hương, Đại Yên, Trung Hòa, Tốt Động, Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Mỹ Lương, Quảng Bị, Hợp Đồng, Lam Điền, Hoàng Diệu, Thượng Vực, Văn Võ, Đồng Phú, Hồng Phong, Trần Phú, Đồng Lạc, Hòa Chính, Phú Nam An.

Quy mô lập quy hoạch khoảng 232,41 km2 và được giới hạn cụ thể như sau: Phía Bắc giáp huyện Quốc Oai; phía Đông giáp quận Hà Đông, huyện Thanh Oai; phía Nam giáp huyện Ứng Hòa, huyện Mỹ Đức; phía Tây giáp huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

 
Công bố quy hoạch chung huyện Chương Mỹ đến năm 2030 - Ảnh 1

Đến năm 2020 dân số toàn huyện khoảng: 370.000 người; trong đó: dân số đô thị khoảng 145.000.người, dân số nông thôn khoảng 225.000 người; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 39,2%. Đến năm 2030 dân số toàn huyện khoảng: 542.000 người; trong đó: dân số đô thị khoảng 291.000 người, dân số nông thôn khoảng 251.000 người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 55%.

Quy hoạch nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội và huyện Chương Mỹ, các Quy hoạch chuyên ngành có liên quan và yêu cầu quản lý và phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa trên địa bàn huyện Chương Mỹ.

Khai thác các tiềm năng, điều kiện tự nhiên, văn hóa xã hội và nguồn lực con người của huyện Chương Mỹ cho việc phát triển kinh tế - xã hội nói chung và hoạt động xây dựng đô thị, nông thôn nói riêng đảm bảo bền vững, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, huyện.

Làm cơ sở pháp lý cho công tác quản lý phát triển đô thị, nông thôn; triển khai lập các quy hoạch và lập các dự án đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Huyện.

Chương Mỹ là huyện ngoại thành phía tây nam Thủ đô Hà Nội, phát triển về đô thị, công nghiệp, dịch vụ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, hệ thống hạ tầng xã hội chất lượng cao, gắn kết với mạng lưới hạ tầng chung của Thủ đô Hà Nội nhằm hỗ trợ chia sẻ chức năng với đô thị trung tâm và trở thành động lực thúc đẩy phát triển khu vực hành lang xanh.

Phát triển các đô thị có chức năng dịch vụ - công nghiệp, hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp làng nghề và thúc đẩy sản xuất vùng nông thôn theo hướng hiện đại hóa. Hoàn thiện mạng lưới điểm dân cư nông thôn theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Phát triển các khu, cụm trường tập trung nhằm cụ thể hóa chương trình di dời cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong khu vực nội thành ra ngoại thành.

Phát triển các hoạt động du lịch, các mô hình sản xuất nông nghiệp năng suất cao và bảo vệ các vùng cảnh quan tự nhiên, các công trình di tích văn hóa tín ngưỡng, làng nghề truyền thống.

Đến năm 2020, tổng diện tích đất quy hoạch khoảng 23.240,92 ha; trong đó: Đất đô thị khoảng 8.324,63 ha (chiếm 35,8% tổng đất quy hoạch), đất nông thôn khoảng 14.916,29 ha (chiếm 64,2% tổng đất quy hoạch).

Đất tự nhiên đô thị: khoảng 8.324,63 ha; trong đó: Đất tự nhiên thị trấn sinh thái Chúc Sơn khoảng 1.786,97 ha; đất tự nhiên đô thị vệ tinh Xuân Mai khoảng 6.537,66 ha.

Đất tự nhiên nông thôn khoảng 14.916,29 ha, bao gồm: Đất xây dựng nông thôn khoảng 4.469,21 ha (chiếm 29,96% đất tự nhiên nông thôn); trong đó: Đất xây dựng điểm dân cư nông thôn khoảng 2.811,32 ha (chỉ tiêu bình quân khoảng 125 m2/người), đất xây dựng nông thôn khác khoảng 1.657,90 ha. Đất khác trong phạm vi nông thôn khoảng 10.447,08 ha (chiếm 70,04% đất tự nhiên nông thôn).

Đến năm 2030, tổng đất quy hoạch: 23.240,92 ha. Trong đó: Đất đô thị: 8.324,63 ha (chiếm 35,8% tổng đất quy hoạch), đất nông thôn: 14.916,29 ha (chiếm 64,2% tổng đất quy hoạch).

Đất tự nhiên đô thị: khoảng 8.324,63 ha. Trong đó: Đất tự nhiên thị trấn sinh thái Chúc Sơn khoảng 1.786,97 ha; đất tự nhiên đô thị vệ tinh Xuân Mai khoảng 6.537,66 ha.

Đất tự nhiên nông thôn: khoảng 14.787,83 ha, bao gồm: Đất xây dựng nông thôn khoảng 4.639,41 ha (chiếm 31,10% đất tự nhiên nông thôn); trong đó: Đất xây dựng điểm dân cư nông thôn khoảng 2.901,52 ha (chỉ tiêu bình quân khoảng 115 m2/người), đất xây dựng nông thôn khác khoảng 1.737,90 ha. Đất khác trong phạm vi nông thôn: 10.276,88 ha (chiếm 68,90% đất tự nhiên nông thôn).

Không gian đô thị huyện Chương Mỹ phát triển theo hướng xây dựng tập trung vào 2 khu vực đô thị Xuân Mai và Chúc Sơn. Phần còn lại là các xã nông thôn nằm trong hành lang xanh, cấu trúc không gian huyện tổ chức gắn với khung giao thông theo hướng Bắc - Nam và Đông - Tây, trong đó ưu tiên phát triển mới các kết nối Đông - Tây để đảm bảo mối liên kết với đô thị trung tâm.

Hình thành các trục đô thị phát triển dẫn hướng hoạt động về phía Bắc Quốc lộ 6 và Đông đường Hồ Chí Minh hiện trạng nhằm hạn chế xây dựng đô thị bám dọc đường, đảm bảo an toàn hoạt động dọc các tuyến đường quan trọng của quốc gia.

Các khu vực nông thôn phát triển theo cấu trúc các cụm làng và gắn với các tuyến đường liên huyện, liên xã. Từng bước phát triển tập trung theo các cụm điểm tại trung tâm xã, trung tâm cụm xã và các cụm đổi mới, hỗ trợ dịch vụ sản xuất. Bảo vệ các không gian kiến trúc các làng xóm truyền thống để tạo nên hình ảnh đặc trưng cho kiến trúc cảnh quan vùng huyện.

Hạn chế phát triển bám dọc các tuyến đường đối ngoại hiện hữu, đối ngoại phát triển mới nằm trong mạng lưới giao thông của Thủ đô Hà Nội.

Sử dụng hệ thống các tuyến sông, kênh, mương thủy lợi và mặt nước hiện có trên địa bàn làm khung không gian xanh toàn huyện. Các khu vực đồi, núi được khai khác làm hình ảnh, điểm nhấn tạo cảnh quan vùng huyện.

Trên cơ sở phân vùng địa hình, phân vùng phát triển kinh tế và phân vùng phát triển không gian của huyện, đề xuất các phân vùng kiểm soát phát triển các khu vực có đặc điểm tương đồng để có các quy định kiểm soát phát triển phù hợp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần