Nhiều người kỳ vọng, Bộ quy tắc này sẽ triệt tiêu hiện tượng gây khó dễ cho người dân của một bộ phận nhỏ cán bộ hành chính - biểu hiện khiến người dân bức xúc “chế” thành: Hành là chính.
Khốn khổ vì thủ tụcChị Nguyễn Mai Hiên và những người thân cùng góp vốn mở một công ty chuyên cung cấp suất ăn cho các trường học và khu công nghiệp. Suốt gần một tháng trời, chị chạy ngược chạy xuôi, kê khai đủ các loại giấy tờ. Tưởng các mẫu có sẵn chỉ việc điền vào là xong. Ai ngờ khi bắt tay vào làm, chị mướt mồ hôi và như lạc trong “ma trận”. Kê khai giấy tờ xong phải mang đến tận nơi nộp, mỗi lần đến nộp, người tiếp nhận hồ sơ chỉ ra cho chị một lỗi sai. Lần thì thiếu giấy giới thiệu, lần lại thiếu chữ kí, lần ghi chưa đúng qui định... Vậy nhưng, khi kiểm tra hồ sơ, cán bộ tiếp nhận không hướng dẫn chị chi tiết từng đầu mục, mà chỉ xem qua rồi bảo chị sửa lại, chị sửa, bổ sung và đi nộp đến lần thứ 4 mới có được bộ hồ sơ hoàn thiệp để xin giấy chứng nhận. Nghĩ lại chuyện bị “hành” đến mức “lên bờ xuống ruộng”, chị Hiên chưa hết bức xúc. Dường như việc đi lại, vất vả là… việc của dân, còn những cán bộ tiếp dân thì không mảy may xúc động.
Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, chi nhánh quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Thanh Hải |
Dấu hỏi từ hai phía Chia sẻ về biểu hiện “Hành là chính”, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội và truyền thông đại chúng, chuyên gia tư vấn các vấn đề xã hội Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhận định: “Câu chuyện “hành là chính” là có thật trong xã hội, gây bức xúc cho không ít người dân”.Lý giải điều này, ông Trịnh Hòa Bình phân tích, có việc gây khó dễ trong thủ tục hành chính là do một số người ở vị trí tiếp xúc với người dân đã nhầm lẫn, thậm chí rất ngộ nhận. Họ là người thay mặt chính quyền, thực hiện nhiệm vụ chính quyền giao phó để làm việc cho Nhân dân, nhưng lại tưởng mình nắm quyền và “ban ơn” cho người dân. Do đó, để thể hiện “quyền hành” của mình, cán bộ công chức đã lạm dụng chức quyền để “hành” người khác bằng những việc “câu giờ” hay bắt bẻ, nạt nộ, làm khó dễ người dân.Loại trừ những trường hợp nhũng nhiễu người dân để tư túi, hưởng lợi cho bản thân thì đa phần những người đó vẫn biết rằng hành động ấy không đúng, nhưng không vượt qua nổi thói quen và ý nghĩ đã ăn sâu vào thâm căn cố đế của mình. Từ đó, ông Trịnh Hòa Bình cho rằng, Bộ quy tắc ứng xử của công chức, viên chức sẽ góp phần chấn chỉnh những hành vi đó, làm cho mối quan hệ giữa công chức Nhà nước và Nhân dân trở nên tốt đẹp hơn, hiệu quả công việc cũng vì thế mà cải thiện hơn. Tuy nhiên, cũng theo ông Bình, đây là một hình thức chấn hưng văn hóa nên cần nêu cao sự tự nguyện, tự giác. “Phải tự bản thân những người trong cuộc thấy rằng, mình cần thay đổi. Họ phải thấy được trách nhiệm của mình, và thấy được sự phục vụ Nhân dân một cách tự nguyện, có niềm vui, có văn hóa, khi đó họ mới có thể thay đổi” - ông Bình nhấn mạnh.Như theo ông Bình, “đánh” vào ý thức thôi chưa đủ, khâu kiểm tra, đánh giá, đôn đốc phải thường xuyên, liên tục. Trong cơ quan, tuân thủ tính gương mẫu từ nhân viên đến người đứng đầu, làm sao để việc thực hiện quy tắc ứng xử trở thành một nền nếp, tục lệ mới lành mạnh, trong sáng. Mỗi cá nhân thấy được trách nhiệm của mình trong đó, mỗi cơ quan, đơn vị cũng phải triển khai quyết liệt, triệt để hơn, để trở thành một cuộc cách mạng rầm rộ trong toàn TP, khi đó, những nét đẹp ấy có tính lan tỏa, mang lại hiệu quả cao. Khi công chức không phải học thuộc, không phải thực hiện theo sức ép mà tự bật trong chính ý thức của mình thì việc ứng xử văn minh ấy sẽ thành thường xuyên. Đây vừa là ý thức, nhưng vừa là trách nhiệm của mỗi người dân, của mỗi cán bộ công chức Nhà nước. Người dân đòi hỏi cán bộ hành chính ứng xử văn minh thì bản thân mình cũng phải văn minh trước. Sự phối hợp từ hai phía, sẽ tạo thuận lợi cho việc thực hiện qui tắc ứng xử đúng mực, gần dân và vì dân.Phương Thu ghi |