Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công chức ở Huế diện áo dài đến công sở làm việc

Anh Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc triển khai thử nghiệm mang áo dài ngũ thân đối với cán bộ, công chức Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) tỉnh Thừa Thiên Huế đang thu hút nhiều sự đồng thuận, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều của dư luận về vấn đề này.

Góp phần khẳng định “Huế - Kinh đô áo dài”
Trong lễ chào cờ hàng tháng được diễn ra vào ngày 7/9 của Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế, nhân viên của đơn vị này mặc trang phục áo dài ngũ thân truyền thống, khăn đóng, giày tây đến công sở làm việc.
Trước những tranh luận về việc nam giới mặc áo dài đến công sở, ngày 9/9, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở VH-TT Thừa Thiên Huế lý giải: “Đây là hoạt động nhằm đẩy mạnh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của bộ “quốc phục” từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam, góp phần khẳng định “Huế - Kinh đô áo dài” của Việt Nam”.
Trước ý kiến cho rằng nam công chức mặc áo dài đến công sở là không phù hợp, ông Phan Thanh Hải giải thích: “Ngày thứ Hai và thứ Sáu hàng tuần, các nữ công chức đều mặc áo dài đi làm, nên việc nam công chức mặc áo dài mỗi tháng một lần cũng không bất tiện”.
Cán bộ, công chức Sở VH-TT Thừa Thiên Huế với trang phục áo dài trong ngày làm việc đầu tuần mỗi tháng.
Áo dài ngũ thân bước đầu hình thành dưới thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (1744) và là Quốc phục của nước Đại Nam từ thời Hoàng đế Minh Mạng được sử dụng từ các lễ tiết quốc gia đến sinh hoạt thường nhật và phát triển gần 300 năm tại Huế nói riêng và Việt Nam nói chung. Do đó, áo dài ngũ thân đã là một di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Áo dài nam, áo dài nữ vẫn luôn tồn tại trong xã hội hiện đại bấy lâu nay, từ việc họ tộc, việc làng, cưới hỏi, các dịp lễ… tuy nhiên vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, theo nhiều ý kiến, việc công chức nam ngành văn hóa Huế vận áo dài ngũ thân tham dự lễ chào cờ và tiến tới mặc trong các sự kiện là việc làm hết sức có ý nghĩa trong việc góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc, góp phần xây dựng thương hiệu “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”.
Mặc để quảng bá và khẳng định bản sắc văn hóa
Ông Đỗ Văn Lân - cán bộ Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ: “Tôi thấy thoải mái, thích thú và tự hào khi mặc áo dài ngũ thân. Khi mặc áo dài này như thể tự “răn mình” phải thực hiện công vụ một cách chuẩn mực theo quy định, gắn với ngũ luân (5 mối quan hệ xã hội): “Nhà nước - người dân, cha mẹ - con cái, vợ - chồng, anh - em, bạn hữu”; ngũ thường: “nhân - nghĩa - lễ - trí - tín”. Mấy chục năm nay, các mệ (bà), các cô, các chị mặc áo dài rất đẹp, rất duyên dáng và thanh lịch đã góp phần rất nhiều trong việc quảng bá hình ảnh văn hóa Việt ra thế giới”.
Cũng theo ông Đỗ Văn Lân, áo dài nam cũng tương tự áo dài nữ. Áo dài quá ý nghĩa, đẹp trong văn hóa, trong cư xử, vậy tại sao lại không phục hồi và phát triển. “Sẽ thật hãnh diện biết bao khi mặc áo dài vào mà cộng đồng quốc tế đều biết mình là người Việt Nam. Như Nhật Bản có Kimono, Hàn Quốc có Hanbok, Ấn độ có Dhoti, Thái Lan có Chut thai… thì Việt Nam có Áo dài ngũ thân”, ông Đỗ Văn Lân nói.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhiều năm nghiên cứu về áo dài truyền thống Huế cho rằng, việc làm của Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế rất đáng khuyến khích. Đây không phải là bộ trang phục làm việc hàng ngày của công chức Nhà nước mà là lễ phục trong dịp lễ, được mặc trong ngày làm lễ chào cờ đầu tiên của tháng.
“Họ mặc áo dài vào ngày lễ nên rất trang trọng, mặc để quảng bá và khẳng định bản sắc văn hóa. Còn những ngày khác, họ vẫn mặc áo quần bình thường để làm việc nên 2 vấn đề này chẳng có gì mâu thuẫn”, ông Nguyễn Xuân Hoa đánh giá.
Đối với bộ áo dài ngũ thân mà nam công chức Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ra mắt, Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa khẳng định đã có phong cách truyền thống, mặc kết hợp với quần ống màu trắng xuất hiện từ thời vua Minh Mạng, khăn đóng từ thời vua Thành Thái.
Một số ý kiến cho rằng, mặc áo dài truyền thống sao không đi guốc mà đi giày tây. Về vấn đề này, bà Thái Kim Lan - Giáo sư Triết học từng dạy tại ĐH Ludwig - Maximilian (Đức) chia sẻ: Áo dài thuộc về lĩnh vực thời trang mà lĩnh vực thời trang luôn luôn thay đổi với cái nhìn của thời đại. Chiếc áo dài trải qua nhiều biến đổi và mỗi biến đổi có một sắc đẹp riêng.
Ngày xưa, đa số người dân mặc áo dài, đi chân đất; một bộ phận có vị thế xã hội đi guốc mộc vì thời kỳ đó chưa có giày tây để mang do nền công nghiệp giày da chưa phát triển tại nước ta. Sau này, khi văn hóa Pháp vào Việt Nam, thì ngay từ thời Khải Định, rồi đến Bảo Đại, giày tây đã được sử dụng rộng rãi. Phái nữ cũng vậy, trước đây đi guốc, đi hài, giờ mặc áo dài đi giày cao gót vậy thôi.
Được biết, cùng với Sở VH-TT, hiện nay đã có một số đơn vị, ngành ở Thừa Thiên Huế triển khai phục hồi phong trào mặc áo dài truyền thống đối với toàn thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động. Đây là những tín hiệu đánh dấu sự trở lại của chiếc áo dài truyền thống, đặc biệt là áo dài ngũ thân, chiếc áo sản sinh ra từ Huế và đã trở thành quốc phục của người Việt trong hàng trăm năm qua.