Công dân được dự thính các phiên họp Quốc hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 24/11, Quốc hội đã thông qua Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) và Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Đồng thời, dành phần lớn thời gian để quyết định ngày bầu cử và thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia, bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Đại biểu vắng mặt sẽ được ghi vào biên bản

Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) được thông qua quy định, Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Kỳ họp giữa năm khai mạc vào ngày 20/5; kỳ họp cuối năm khai mạc vào ngày 20/10. Trường hợp ngày 20/5 và ngày 20/10 trùng vào ngày thứ Sáu của tuần hoặc ngày nghỉ theo quy định của pháp luật thì ngày khai mạc kỳ họp là ngày làm việc kế tiếp.
Đại biểu Quốc hội bỏ phiếu bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.   	Ảnh: Ngọc Linh
Đại biểu Quốc hội bỏ phiếu bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia. Ảnh: Ngọc Linh
 ĐB Quốc hội có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp Quốc hội, thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Trường hợp không thể tham dự phiên họp, ĐB báo cáo Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội hoặc Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp báo cáo Chủ tịch Quốc hội. Danh sách ĐB không thể dự kỳ họp Quốc hội được ghi vào Biên bản kỳ họp Quốc hội; danh sách các ĐB vắng mặt phiên họp được ghi vào Biên bản phiên họp.

Về biểu quyết tại phiên họp toàn thể, theo Nội quy, việc tiến hành biểu quyết được thực hiện theo nguyên tắc trực tiếp, ĐB không biểu quyết thay ĐB khác. Nội quy cũng ghi rõ công dân có thể được dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức việc công dân dự thính các phiên họp của Quốc hội.

Nội quy cũng đưa ra những nguyên tắc thảo luận tại phiên họp toàn thể. Trước ý kiến đề nghị bố trí cách thức để ĐB tranh luận trực tiếp ngoài cách đăng ký phát biểu theo thứ tự, UBTV Quốc hội đã đề nghị Quốc hội cho tiếp thu để chỉ đạo việc bố trí cách thức để ĐB đăng ký tranh luận trực tiếp khi thảo luận ngoài cách đăng ký phát biểu theo thứ tự.

Công nhận quyền chuyển đổi giới tính

Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Bộ Luật Dân sự (sửa đổi). Trong đó, có điều khoản quy định về việc chuyển đổi giới tính và các quyền, nghĩa vụ liên quan. Theo Điều 37 của Bộ luật này, “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”. Điều 36 về Quyền xác định lại giới tính cũng quy định cá nhân có quyền xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính.

Trước đó, giải trình các quan điểm còn khác nhau quanh vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, việc chuyển đổi giới tính liên quan đến những yêu cầu và điều kiện khác nhau về độ tuổi, tình trạng hôn nhân, các vấn đề về an sinh xã hội, y tế và nhiều vấn đề xã hội khác. Pháp luật Việt Nam cần ghi nhận vấn đề này nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận trong xã hội, đồng thời cũng bảo đảm tính thận trọng, phù hợp với thông lệ quốc tế và không trái với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc. Kết quả lấy phiếu xin ý kiến ĐB cho thấy, có 282/366 số phiếu thu được tán thành với quy định về việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật và việc thay đổi hộ tịch, các quyền nhân thân khác sau khi cá nhân chuyển đổi giới tính.

Một vấn đề vốn có nhiều quan điểm khác nhau trong Bộ Luật này là Điều 468 quy định về lãi suất thỏa thuận dân sự, UBTV Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến đa số ĐB và chỉnh lý nội dung này tại khoản 1 cho bảo đảm tính khái quát: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”. Do việc chỉnh lý này, nên UBTV Quốc hội cũng đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý lại quy định tại khoản 2 điều này về mức lãi suất ấn định trong hợp đồng vay có lãi nhưng các bên không có thỏa thuận rõ về lãi suất dẫn đến tranh chấp.
Theo Nội quy kỳ họp Quốc hội sửa đổi được thông qua tại phiên họp sáng 24/11, ngay sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần