Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công dân Thủ đô ưu tú: Vẹn nguyên đam mê cống hiến

Thùy Linh -Thái San - Phương Đoàn - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ 11 cá nhân đầu tiên được vinh danh vào năm 2010, đến nay Hà Nội đã có tròn 100 cá nhân xuất sắc được vinh dự nhận danh hiệu cao quý “Công dân Thủ đô ưu tú”. Đây thực sự là 100 bông hoa đẹp nhất trong “vườn hoa” người tốt - việc tốt Thủ đô.

Dù mới được vinh danh hay đã nhận danh hiệu này từ nhiều năm trước, ở họ vẫn vẹn nguyên một niềm tự hào và nhiệt huyết đam mê được cống hiến cho Hà Nội thân yêu…
Trăn trở với Hà Nội
Dù bộn bề công việc, GS, Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí vẫn dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện ấm áp trong căn phòng nhỏ ở Bệnh viện Medlatec, phố Trích Sài. Ánh mắt ông đầy xúc động khi nhắc đến danh hiệu cao quý “Công dân Thủ đô ưu tú” được TP trao tặng 4 năm trước. Dù không còn là “người Nhà nước”, song bầu nhiệt huyết được cống hiến cho Thủ đô ở ông chưa khi nào nguôi...
Xứng với danh hiệu “giá trị trọn đời”
Khi còn là Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, chính GS Nguyễn Anh Trí là người khởi xướng, tổ chức 2 chương trình hiến máu nhân đạo lớn đã trở thành hoạt động cộng đồng là “Lễ hội Xuân hồng” (từ 2008 đến nay) và “Hành trình Đỏ” (từ 2013 đến nay). Những sáng kiến đầy nhân văn, thiết thực này của ông giúp giải quyết căn bản bài toán vốn bế tắc trong y tế là tình trạng thiếu máu tại các bệnh viện, mang lại cơ hội sống cho hàng nghìn người.
Giáo sư, Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí trong phòng làm việc của mình.
Với những đóng góp xã hội to lớn, ông trở thành 1 trong 10 người được vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” đúng dịp kỷ niệm 61 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2015). “Ngày ấy, tôi vô cùng tự hào, cảm giác còn nguyên đến giờ và sẽ mãi sau này” - ông chia sẻ.
Càng tự hào, ông càng thấy luôn có trách nhiệm tu dưỡng, cống hiến để xứng với danh hiệu “có giá trị trọn đời” ấy. Được vinh danh khi vẫn là Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu T.Ư, GS Nguyễn Anh Trí có nhiều điều kiện để đóng góp cho xã hội.
Không chỉ ở các hoạt động Lễ hội Xuân Hồng, Hành trình Đỏ, ông còn tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho phát triển Thủ đô. Chính việc tích cực hoạt động xã hội giúp ông trở thành người duy nhất trong 49 người tự ứng cử đã trúng cử đại biểu (ĐB) Quốc hội khóa XIV năm 2016.
Nghỉ hưu tháng 10/2017, ít có điều kiện thể hiện đóng góp trên tư cách người đứng đầu, có những phần việc khó thực hiện hơn lúc còn “làm Nhà nước”, nhưng bù lại, ông thấy mình có nhiều thời gian, tâm sức dành cho nhiều việc khác...
Hạnh phúc là đại biểu Quốc hội của Hà Nội
Với bề dày kinh nghiệm và mong tiếp tục mang chuyên môn giúp ích cho sức khỏe người dân TP, ngay khi nghỉ hưu, ông nhận lời làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn Bệnh viện Đa khoa Medlatec - nơi có hơn 30 GS, PGS, tiến sĩ đang làm cố vấn.
Ông chủ trì từ giao ban hàng ngày đến hội nghị khoa học, hội chẩn, xin ý kiến đầu tư, xét duyệt - nghiệm thu công trình khoa học... cho bệnh viện. Dù không phải “chấm công hàng ngày” nhưng ông là “linh hồn” của Medlatec, góp phần đưa bệnh viện phát triển lên 3 cơ sở chính ở Hà Nội và cơ sở ở 43 tỉnh, TP.
Đặc biệt, ông thấy may mắn được cùng đội ngũ ở đây củng cố toàn bộ hệ thống dịch vụ lấy bệnh phẩm tại nhà - dịch vụ riêng có của Medlatec, mà chính ông là người đưa công nghệ từ Nhật về. Hiện có 3.000 - 5.000 người/ngày gọi đến để lấy máu làm xét nghiệm, đó là đóng góp to lớn của bệnh viện vào bảo vệ sức khỏe Nhân dân Thủ đô, khi dịch bệnh ở TP thường diễn biến rất phức tạp. Ngoài ra, ông tham gia đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu tại trường ĐH Y Hà Nội; hoạt động từ thiện; là Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu TP...
Được hỏi cảm nhận về Hà Nội hôm nay, GS Nguyễn Anh Trí chia sẻ niềm vui trước sự phát triển vượt bậc của TP và cảm thấy hạnh phúc khi được sống ở Thủ đô. Tuy nhiên, ông vẫn luôn trăn trở trước vấn đề ô nhiễm bụi, sông hồ, bất cập trong chăm sóc sức khỏe trẻ em..., mà theo ông, cần phải có giải pháp căn cơ hơn. Đặc biệt, được trở thành ĐB Quốc hội của Hà Nội với ông là cơ hội lớn để có một diễn đàn ngay ở TP.
“Được phát biểu ở một diễn đàn giàu trí tuệ, tiếng nói của mình cũng giá trị hơn. Tôi thấy thật hạnh phúc, thú vị được là ĐB Quốc hội của Hà Nội. Song dù cương vị nào, tôi đều muốn đóng góp nhiều cho TP, trong đó sẽ đảm nhiệm tốt nhất vai trò ĐB Quốc hội. Là thầy thuốc từng làm quản lý, tôi cũng mong góp kinh nghiệm gỡ khó cho ngành y TP, nhất là với vấn đề cấp thiết là xã hội hóa y tế, giao quyền tự chủ cho bệnh viện. Với vai trò công dân, tôi còn sức khỏe thì còn góp sức, góp trí tuệ cho TP này” – GS Nguyễn Anh Trí bộc bạch.
Người đánh bóng mặt đường
Đây là cái tên mà những đồng nghiệp và người dân tặng cho chị Nguyễn Thị Thanh Hiếu-Tổ trưởng Tổ Môi trường số 1, Chi nhánh Urenco Hoàn Kiếm. Với gần 30 năm gắn bó cùng công việc vệ sinh môi trường khu vực hồ Hoàn Kiếm phải làm đêm, thời tiết khắc nghiệt, mưa rét bất thường nhưng trắng đêm thu gom rác lại là niềm vui với chị.
Phường Hàng Bạc và khu vực hồ Hoàn Kiếm nơi tổ chị Nguyễn Thị Thanh Hiếu thực hiện nhiệm vụ là địa bàn trọng điểm, trung tâm của nhiều hoạt động lễ hội, có nhiều khách trong nước và quốc tế tham quan. Đây cũng là khu vực phố cổ với nhiều dân cư buôn bán, có tuyến phố chợ đêm, lượng rác xả ra nhiều.
 Chị Nguyễn Thị Thanh Hiếu.
Đặc biệt, với các tuyến phố đi bộ 3 ngày cuối tuần, đòi hỏi chất lượng vệ sinh môi trường cao, trong khi số lượng lao động lại hạn chế. Để hoàn thành nhiệm vụ, nhiều đêm chị Hiếu trăn trở để tìm cách quản lý, phân công phù hợp, đồng thời chị cũng xung phong đi đầu áp dụng cơ giới hóa, thử nghiệm các thiết bị mới nhằm tăng năng suất lao động.
Trong các dịp lễ, Tết hay phục vụ các sự kiện trọng đại của Thủ đô và đất nước, chị Hiếu và các anh chị em trong tổ, không quản nắng, mưa sẵn sàng làm tăng ca, ứng trực tại các điểm diễn ra các sự kiện, đảm bảo duy trì vệ sinh các tuyến phố trên địa bàn được giao. Làm tổ trưởng, chị nhận nhiệm vụ trực ca tối để bao quát công việc, ngày nào cũng vậy, chị bắt đầu làm từ 17 giờ chiều cho đến khi hết rác, thường khoảng đến 1 - 2 giờ sáng.
Tuy nhiên, vào những ngày cuối tuần, chị thường phải đi sớm trước và về nhà muộn hơn từ 1 đến 2 tiếng, có hôm đến 4 - 5 giờ sáng mới được về nhà. Có lẽ vì thế mà mọi người trong tổ và người dân khu phố chị phụ trách thường gọi đùa chị là “người đánh bóng mặt đường”.
Cũng vì bệnh nghề nghiệp mà đi đến đâu chị đều quan sát xung quanh, xem chỗ nào sạch, chỗ nào bẩn để từ đó rút kinh nghiệm cho công việc của mình. “Nghề của tôi đã đi vào thơ ca như bài “Tiếng chổi tre” nên tự hào lắm chứ! Tôi chỉ mong sao mọi người đều nỗ lực giữ gìn vệ sinh chung để công nhân vệ sinh môi trường sớm được trở về nhà với gia đình” – chị Hiếu chia sẻ.
Với những đóng góp của mình vì một Thủ đô xanh, sạch, đẹp; mới đây, chị là 1 trong 10 cá nhân vinh dự được Hà Nội tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2019.
Như con tằm nhả tơ
Cần mẫn như tằm ươm tơ, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm (chủ cơ sở dệt lụa Triệu Văn Mão) – Công dân Ưu tú Thủ đô năm 2015, đã bỏ nhiều công sức, phục hồi lụa vân cổ, góp phần vào sự hồi sinh của làng lụa Vạn Phúc, đưa lụa Hà Đông đi khắp đó đây.
 Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm
Trong khu nhà xưởng rộn ràng tiếng máy, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm vẫn miệt mài bên khung cửi dệt lụa. Bà giới thiệu cho chúng tôi về cái nghề cha ông để lại đã trải qua bao biến cố thăng trầm. Cái nghề vất vả truân chuyên như kiếp con tằm nhả tơ nhưng khi yêu, khi say rồi thì chẳng nỡ rời xa.
Bà kể, năm 1986, Vạn Phúc cũng như cả nước bước sang thời kỳ đổi mới, nhưng nghề dệt lụa vân cổ đã thất truyền, cộng với khó khăn trong tìm nguồn nguyên liệu, tiêu thụ khiến nhiều gia đình phải bỏ nghề. Đau đáu với nghề và sự tồn vong của làng lụa, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm cùng bố chồng là nghệ nhân Triệu Văn Mão đã quyết tâm khôi phục lại lụa cổ, để giữ được thương hiệu của làng.
Tuy nhiên, khi đó lụa vân không còn nhiều, lại rải rác khắp nơi thế là bà lại khăn gói đi tìm khắp trong Nam ngoài Bắc. Đồng thời, tìm đến những nghệ nhân cao tuổi trong làng để học hỏi về lụa vân. Để thấu hiểu tài hoa của người xưa và tiếp thu được kỹ xảo của các nghệ nhân, bà đã phải dùng kính lúp soi từng hoa văn, đường nét trên từng tấm vải, để cuối cùng, sau nhiều lần dệt đi dệt lại, bà đã cho ra đời những thước lụa vân chính hiệu.
Chưa dừng lại, bà Tâm tiếp tục nghiên cứu khôi phục lại các hoa văn cổ trên lụa vân như: Vân thọ đỉnh, vân triện thọ, vân lưỡng long… Đặc biệt, bà Tâm còn phục chế thành công 18 bộ triều phục cung đình Huế, góp phần bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc. Đây là những thành công bước đầu góp phần làm sống lại làng nghề Vạn Phúc.
Đến thăm xưởng dệt của nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm như thấy một “Vạn Phúc thu nhỏ”, bởi lụa vân, the, đũi, xa tanh… với nhiều hoa văn, mẫu mã đều được làm ra từ đây. Tuy nhiên, với bà, khôi phục và giữ được nghề cổ đã là nỗi vất vả, song việc đưa sản phẩm đến người tiêu dùng lại là một hành trình gian nan khác.
Nhớ lại những năm 2000, bà đã đề nghị với Sở Du lịch, Sở Công Thương, Sở NN&PTNT (tỉnh Hà Tây cũ) để kết nối du lịch với làng nghề. Với quyết tâm mang sản phẩm truyền thống đi giới thiệu, quảng bá với du khách trong nước và thế giới, cơ sở dệt của gia đình bà đã tham gia vào các hội chợ trong nước và quốc tế, đồng thời đầu tư đặt khu sản xuất bên cạnh cửa hàng trưng bày sản phẩm để du khách đến tham quan và mua sắm có thể tận mắt thấy và trải nghiệm quy trình dệt lụa.
Cơ sở sản xuất của gia đình bà đã đón tiếp nhiều nguyên thủ quốc gia, chính khách các nước đến thăm và hàng trăm lượt khách quốc tế, góp phần không nhỏ vào quảng bá hình ảnh làng lụa Vạn Phúc.
Với những tâm huyết không mệt mỏi, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm đã góp sức từng ngày cần mãn như con tằm nhả tơ để đưa lụa vân và làng nghề Vạn Phúc sống lại, phát triển hơn. Đến nay, làng Vạn Phúc có hàng trăm cửa hàng buôn bán, trưng bày sản phẩm làng nghề, mỗi ngày đón hàng nghìn lượt khách tham quan và mua sắm.
Lụa Vạn Phúc đã lấy lại được chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng. Khách du lịch đến với làng cũng tăng đều qua từng năm. Thông qua các khóa học kỹ năng bán hàng và phát triển DN, những người trẻ trong làng đã có những định hướng phát triển nghề theo hướng bền vững, quan tâm hơn đến tạo dựng thương hiệu riêng. “Đây chính là điều kiện để gìn giữ và bảo tồn làng nghề truyền thống và lụa cổ nghìn năm” - bà Tâm tự hào.
Bà giáo già và tấm lòng cao cả
Tại trường THCS An Dương (Tây Hồ, Hà Nội) hiện nay có một lớp học vô cùng đặc biệt, không có bảng đen và phấn viết, chỉ có một bà giáo tóc đã bạc phơ, lưng còng, đang tỉ mẩn hướng dẫn gần 20 học sinh khuyết tật. Đó là lớp học tình thương của cựu nhà giáo Hồ Hương Nam - một “Công dân Thủ đô ưu tú”.
Lớp học không có ngày ra trường
Sau khi về hưu, bà giáo Hồ Hương Nam tham gia nhiều hoạt động xã hội của phường như công tác dân số, khuyến học… Chỉ khi đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà bà mới biết trên địa bàn có rất nhiều trẻ khuyết tật không biết chữ, không có khả năng đến trường.
Bà giáo Hồ Hương Nam.
Từng là một nhà giáo, không thể làm ngơ trước việc những đứa trẻ có tương lai trở thành người mù chữ, vì thế, bà quyết tâm mở lớp học này. Năm 1997, bà đã đi từng nhà có trẻ khuyết tật để vận động, thuyết phục cho trẻ đến lớp học tình thương và dùng chính những đồng lương hưu của mình để mua sách vở, bút viết cho các em.
Bắt đầu từ chỗ chỉ có một vài học sinh, đến nay, lớp học của bà Nam luôn có gần 20 học sinh khuyết tật với độ tuổi từ 10 - 35. Từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, học sinh sẽ được tập thể dục, học chữ, học đọc, học viết, học đếm, học tính toán cơ bản. Đây là lớp học không có ngày ra trường bởi còn tùy vào nhận thức của mỗi học trò; có khi cả 3 tháng trời trò mới biết được chữ A, chữ O…
Học trò lâu năm nhất của bà đã đến lớp được 22 năm, học trò mới nhất vào lớp được một năm. Mỗi em có một hoàn cảnh riêng nhưng đều éo le và khổ cực. Em thì khoèo tay, em khoèo chân, em khiếm thị, khiếm thính… Lắm khi có em bị động kinh, hò hét, quậy phá làm cả lớp náo loạn. Nhưng bằng tình thương yêu và sự cảm thông, bà Nam lại nhẹ nhàng đến gần xoa đầu, động viên để các em bình tĩnh ngồi yên học bài.
Thời gian đầu, lớp học của bà liên tục bị thay đổi địa điểm, lúc ở trường mầm non, khi ở nhà văn hóa. Sau khi biết được việc làm cao đẹp của bà Nam, Quận ủy Tây Hồ đã tạo điều kiện xây 2 lớp học tình thương tại trường THCS An Dương làm địa điểm ổn định để bà dạy học miễn phí cho học sinh khuyết tật.
“Không chỉ là nắm được kiến thức cơ bản, mà quan trọng nhất là để các em có nhận thức bản thân tốt hơn” – bà Nam chia sẻ. Ra khỏi bốn bức tường trong nhà, các em đến lớp được tiếp xúc với thế giới xung quanh, từ đó nhận thức xã hội cũng khá hơn rất nhiều. Đến nay, lớp học của bà Nam đã có 65 học sinh tốt nghiệp. Nhiều em đã có thể kinh doanh, có em đã lập gia đình và có con…
“Bà tiên” giữa đời thường
Cả một đời bà Hồ Hương Nam dành cho sự nghiệp trồng người, trong đó có cả tấm lòng cao cả dành cho những học sinh khuyết tật. Vì nghĩa cử cao đẹp đó, năm 2014, bà Hồ Hương Nam được TP Hà Nội vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú.
Đã 5 năm kể từ khi nhận danh hiệu đó, ở tuổi 86 bà vẫn âm thầm với công việc thiện nguyện và miệt mài sự nghiệp trồng người thiêng liêng nhưng cũng rất đặc biệt. Bà bảo, sẽ đi cùng những số phận đặc biệt ấy cho đến khi nào không thể tiếp tục được nữa…
Bà giáo Hương Nam không chỉ mang con chữ đến cho những học sinh khuyết tật, mà còn mang đến sự sẻ chia, để họ không cảm thấy bị cô lập với thế giới này. Bà Nam không chỉ là bà giáo, mà còn là “bà tiên” mang ánh sáng ngập tràn tình thương yêu đến với những số phận kém may mắn. 

Lan tỏa những tấm gương người tốt, việc tốt trong cộng đồng

Kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, ngày 5/10, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tiêu biểu; vinh danh 10 Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019. Đó là, PGS.TS. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thừa Hỷ - nguyên Phó Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội); nhạc sĩ Lê Mây - nguyên cán bộ Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam; GS.TS, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thanh Liêm - nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư; bà Lê Thị Hòa - giáo viên, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Đông Sơn, huyện Chương Mỹ; GS.TS, Thầy thuốc Nhân dân Lê Đức Hinh - nguyên Trưởng phòng Điều trị Khoa Thần kinh và Tinh thần - Bệnh viện Bạch Mai, nguyên Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam; ông Lý Văn Phủ - nguyên Trưởng thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì; ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji; Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân La Văn Cầu - công dân phường Quang Trung, quận Đống Đa; bà Lê Thu (tên thật là Đào Thị Đoan) - Chi hội trưởng Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Thăng Long, Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội; bà Nguyễn Thị Thanh Hiếu, Tổ trưởng Tổ môi trường 1 - Chi nhánh Hoàn Kiếm - Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định, những thành tựu, kết quả trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển Thủ đô luôn gắn liền với sức mạnh đoàn kết, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo trong các phong trào thi đua yêu nước của cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô. 27 năm qua, phong trào người tốt, việc tốt của Thủ đô đã trở thành nếp văn hóa, bản sắc riêng của mảnh đất nghìn năm văn hiến. Với việc đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng nói chung đã tạo động lực và niềm tin trong Nhân dân với hàng trăm, hàng nghìn bông hoa người tốt, việc tốt.